Mua đất nền bằng hợp đồng góp vốn: nên hay không?
30/11/2018
Chủ đầu tư thường áp dụng hợp đồng góp vốn với khách hàng ngay từ khi dự án mới bước vào giai đoạn đầu triển khai. Tuy nhiên, hàng chưa nhận mà tiền đã trao trước như hình thức hợp đồng góp vốn liệu có an toàn hay không?
Hợp đồng góp vốn trong mua bán đất nền ngày càng trở nên phổ biến, chủ đầu tư thường rao bán nền đất cho người mua và thỏa thuận thanh toán theo lộ trình ngay từ khi dự án mới bước vào giai đoạn đầu triển khai. Tuy nhiên, hàng chưa nhận mà tiền đã trao trước như hình thức hợp đồng góp vốn liệu có an toàn hay không?
Hợp đồng góp vốn là gì?
Hợp đồng góp vốn là hình thức chủ đầu tư huy động vốn từ khách hàng thông qua việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng vay vốn… Khi dự án hoàn thiện, người góp vốn (người mua) sẽ được chủ đầu tư giao lại nền đất với đầy đủ hồ sơ pháp lý. Các điều khoản trong hợp đồng góp vốn thường do chủ đầu tư và người góp vốn tự thỏa thuận với nhau, tính đến thời điểm hiện tại hợp đồng góp vốn chưa có một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh. Vì thế, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia góp vốn cũng chưa được chặt chẽ.
Có nên mua đất bằng hợp đồng góp vốn?
Theo ông Phan Công Chánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh cho biết, về bản chất, hợp đồng góp vốn hay hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư là hình thức huy động vốn để thực hiện dự án. Nếu chủ đầu tư uy tín thì hợp đồng góp vốn có thể được xem như người mua bỏ tiền ra giữ chỗ trước đi kèm với một số lợi ích, ngược lại nếu chủ đầu tư kém uy tín, nhà đầu tư có thể bị chiếm dụng vốn một cách dễ dàng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức hợp đồng góp vốn tại thời điểm dự án đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý với con át chủ bài là giá trị tài sản được chào mời với mức giá ưu đãi hơn rất nhiều so khi dự án hoàn thiện. Đa phần các nhà đầu tư tham gia góp vốn vì nhận thấy đó là cơ hội hấp dẫn, khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, do không phải là hợp đồng mua bán chính thức nên sản phẩm cuối cùng khách nhận được phụ thuộc rất lớn vào thời cuộc, chính sách thị trường, pháp lý thay đổi nên có nhiều rủi ro. Rủi ro đáng lo ngại nhất là chủ đầu tư không sử dụng tiền góp vốn đúng mục đích, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, chậm bàn giao đất nền cho người mua; việc cấp sổ đỏ có thể bị trì trệ do chủ đầu tư chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc phân lô, tách thửa không đúng với dự án đã được phê duyệt… Trong khi đó, cam kết bồi thường trong hợp đồng góp vốn cũng không cao như hợp đồng mua bán, thường ở mức tượng trưng và hoàn vốn, thậm chí là không có mức bồi thường.
Hợp đồng góp vốn có rủi ro cao nếu nhà đầu tư hợp tác với chủ đầu tư kém uy tín.
Hợp đồng góp vốn thực chất không xấu nhưng vì có nhiều doanh nghiệp lợi dụng trục lợi nên ngày càng “biến tướng”. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp uy tín, chủ đầu tư có năng lực thực sự thì hợp đồng góp vốn vẫn được xem là giải pháp đầu tư hấp dẫn. Nhà đầu tư chỉ nên ký hợp đồng góp vốn khi đã xác minh kỹ thông tin về chủ đầu tư lẫn dự án hoặc có thể thực hiện theo ba khuyến cáo sau đây:
Thứ nhất: trước khi đặt ký hợp đồng, nhà đầu tư nên yêu cầu chủ dự án trình bày hồ sơ của sản phẩm và thủ tục pháp lý. Quan trọng nhất là chủ đầu tư phải lường trước được tất cả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra với dự án và đưa ra giải pháp. Điều này nhằm mục đích vạch rõ lộ trình khách hàng sẽ trải qua trong suốt thời gian góp vốn, từ đó có sự cân nhắc và tỉnh táo trước lời chào mời hấp dẫn.
Thứ hai: nhà đầu tư không nên đặt kỳ vọng quá nhiều khi ký hợp đồng góp vốn. Hãy lưu ý rằng, nguyên tắc vàng khi đầu tư là lợi nhuận cao thường đi đôi với rủi ro lớn. Ông bà ta có câu: “tiền nào của đấy”, hàng rẻ thường có vấn đề gì đó bất lợi. Vì vậy, thấy sản phẩm càng hấp dẫn thì mức độ thận trọng càng cao.
Thứ ba: người góp vốn cần chủ động đàm phán các phụ lục và điều khoản bồi thường khi điều kiện bất khả kháng xảy ra đối với hợp đồng góp vốn. Thông thường không ai mong dự án mình đầu tư bị thất bại, đình trệ vì điều đó đồng nghĩa với thua lỗ. Tuy nhiên, chuẩn bị càng chu đáo cho tình huống thất bại lại chính là cách tốt nhất đảm bảo an toàn cho suất đầu tư bằng hợp đồng góp vốn này.
Nếu bạn đang quan tâm đến phân khúc đất nền, mong muốn đầu tư an toàn, nắm chắc lợi nhuận thì hãy liên hệ với chuyên viên của Rever để được tư vấn cụ thể.
Có thể bạn quan tâm:
- Đất nền Long An "âm thầm" tăng giá
- 5 kinh nghiệm đầu tư đất nền trong cơn sốt
- Những "cái bẫy" trong đầu tư đất nên người mua nên biết
- Những chiêu "thổi giá" đất nền vùng ven của cò đất
- 4 loại đất nền nhà đầu tư cần phải né
- Đầu tư đất nền thời sốt giá, cẩn trọng thay vì liều
- Có nên đầu tư đất nền theo kiểu đòn bẩy?
- Mách nước đầu tư đất nền vùng ven dễ sinh lợi nhuận
Từ khóa liên quan