TP.HCM: Tái khởi động dự án khu đất vàng tứ giác Bến Thành
13/08/2019
UBND TP.HCM vừa có ý kiến chỉ đạo các sở ngành xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý cần thiết cho hàng loạt các dự án lớn trên địa bàn.
Vừa qua, UBND TP.HCM vừa có ý kiến chỉ đạo các sở ngành xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý cần thiết cho hàng loạt các dự án lớn trên địa bàn để nhanh chóng đưa vào triển khai xây dựng.
Theo đó, liên quan đến dự án có tên thương mại là Spirit of Saigon, đây là dự án tổ hợp văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ ở - khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (officetel) tọa lạc tại khu tứ giác Bến Thành.
UBND TP.HCM đã có chỉ đạo, giao cho các cơ quan chức năng, ban ngành liên quan hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư dự án, hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hồ sơ điều chỉnh chức năng công trình officetel sao cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành trước khi bắt tay vào đầu tư xây dựng
Tháng 10/2009, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi 8.641 m2 đất tại khu tứ giác Bến Thành (số 1 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) và giao cho Bitexco đầu tư cao ốc văn phòng, dịch vụ cao cấp, khách sạn tên gọi The One. Dự án nay đổi tên thành Spirit of Saigon, có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD, được SHB định giá gần 7.697 tỷ đồng. Dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2017 nhưng từ giai đoạn 2012-2013 đến nay chỉ mới xây dựng xong phần hầm.
Phối cảnh dự án Spirit of Saigon
Vào tháng 4/2013, khi Quận 1 (TP.HCM) đã chấp thuận đầu tư dự án thì nơi này chưa có quỹ đất sạch. Dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nên Quận 1 thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Bitexco ứng tiền chi trả bồi thường và được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.
Đến tháng 5/2016, TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt giá đất của dự án là 1.443 tỷ đồng. Chi phí bồi thường hỗ trợ tại dự án khu tứ giác hơn 1.268 tỷ đồng, Quận 1 dùng kinh phí của Bitexco để thực hiện. Sau đó cục Thuế TP.HCM đã phát hành thông báo nộp tiền sử dụng đất của dự án gần 1.444 tỷ đồng và Bitexco phải nộp số tiền hơn 175 tỷ đồng vào tháng 7/2016 (do đã khấu trừ chi phí tạm ứng bồi thường trước đó).
Trong quá trình thực hiện dự án, Bitexco đã ký hợp đồng góp vốn với Công ty TNHH Saigon Glory với tài sản góp vốn được định giá là 7.000 tỷ đồng. Dựa trên hợp đồng góp vốn này, Công ty Saigon Glory sẽ làm chủ khu đất tứ giác Bến Thành. Ngoài ra, Sở Xây dựng TP.HCM cuối năm 2018 cũng đã đề xuất UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư dự án cho Saigon Glory.
Dự án sở hữu vị trí hết sức đắc địa với 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, được bao quanh những địa danh nổi tiếng mang tầm biểu tượng của TP.HCM như chợ Bến Thành, Bảo tàng Nghệ thuật, công viên 23/9...
Thời gian thực hiện dự án được thay đổi đến năm 2021 thay vì năm 2017.
Bên cạnh đó, về dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, UBND TP.HCM cũng đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thảo luận, làm việc lại với nhà đầu tư về phương thức thực hiện dự án cho phù hợp với quy định hiện hành.
Theo thông tin tìm hiểu, vào tháng 3/2010 UBND TP.HCM đã có Văn bản số 1203/UBND-ĐTMT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương thực hiện thí điểm Dự án đầu tư Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Với quy mô 14.700m2, gồm 4 mặt tiền: đường Võ Văn Tần là cổng chính, đường Nguyễn Đình Chiểu, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Pasteur. Tổng diện tích sàn xây dựng là 68.960 m2, bao gồm 2 khối công trình liên kết. Tổng vốn đầu tư ban đầu ước tính khoảng 988 tỷ đồng.
Dự án được giao cho Tổng công ty cổ phần Đền bù giải tỏa và Công ty TNHH An Tạo hợp tác thực hiện với phương thức nhà đầu tư bỏ 100% vốn thực hiện. Sau khi hoàn tất công trình, sẽ tiến hành bàn giao lại toàn bộ cho Nhà nước quản lý, khai thác sử dụng. Dựa trên hợp đồng liên kết của hai công ty, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Đền bù giải tỏa khoảng 543,4 tỷ đồng, chiếm 55%, Công ty An Tạo khoảng 444,6 tỷ đồng, chiếm 45%.
Thời gian xây dựng dự kiến của dự án từ năm 2010 đến năm 2012, thời gian chuyển giao công trình là 2 năm. Tuy nhiên, dự án bị "phủi bụi" suốt từ đó đến nay.
Phối cảnh Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng
Ngoài ra, dự án khu tái định cư 15ha, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. UBND huyện cũng đã nhận được chỉ đạo, yêu cầu trong tháng 9/2019 phải xử lý dứt điểm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thu hồi đất theo phương án đã được duyệt. Trong khi đó Sở Xây dựng được yêu cầu tiến hành đánh giá lại hiệu quả quỹ đất tái định cư trên địa bàn TP.HCM để đề xuất phương án phát triển quỹ đất tái định cư khu 15ha tại huyện Bình Chánh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài những thông tin trên, bạn có thể tham khảo thêm các thông tin hữu ích về thị trường bất động sản TP.HCM qua tài liệu Rever tổng hợp sau đây:
Có thể bạn nên biết:
- Infographic: Giá thuê nhà tại TP.HCM như thế nào so với các nước Châu Á?
- Những chuyện bi hài nơi căn hộ chung cư (Kỳ cuối): Văn hóa... tùy tiện
- Những lý do nào khiến giá căn hộ 2019 tăng mạnh nhất?
- Thị trường bất động sản TP.HCM nửa cuối 2019: Đón nhận nguồn cung lớn
- Lãi suất vay mua nhà tháng 8/2019 tại các ngân hàng uy tín hiện nay
Hoàng Triều (BT)
Từ khóa liên quan