Phong thủy bếp và những điều kiêng kỵ
25/10/2019
Bếp được xem là nơi "giữ lửa của căn nhà. Vì vậy, gia chủ cần phải biết những điều kiêng kỵ trong phong thủy bếp để giữ tài vận cho gia đình.
Theo phong thủy nhà ở, nhà bếp là trái tim của cả căn nhà, nơi khởi tạo ra nguồn năng lượng hỏa, có thể tiêu diệt các năng lượng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu không đặt bếp đúng vị trí phù hợp với phong thủy chung của ngôi nhà, thì năng lượng, sinh khí cũng như vượng khí của ngôi nhà sẽ bị phá hủy. Chính vì vậy, gia chủ cần phải đặc biệt lưu ý đến một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến bố cục phong thủy bếp để lưu giữ tài vận cho gia đình.
Những chất liệu và vật dụng kiêng kỵ trong phong thủy bếp
Theo quan niệm Ngũ hành, phong thủy nhà bếp thuộc Ngũ hành Hỏa. Đặc điểm của Hỏa là mang lại năng lượng tích cực, tiêu biểu như ánh sáng, hạnh phúc hoặc cảm xúc mạnh mẽ, sự bùng nổ và bạo tàn. Mặt trái của Hỏa là tượng trưng cho tính gây hấn và chiến tranh. Chính vì thế, nếu bếp mang tính Hỏa quá mạnh sẽ có ảnh hưởng không tốt đến hòa khí gia đình.
Không ít người ưa thích việc trang trí bếp bằng tranh ảnh, cây cối, nội thất bằng gỗ... Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, việc này có thể làm tăng ngũ hành Hỏa quá mức, vô tình tạo điều kiện cho các cuộc cãi vả, sứt mẻ tình cảm, rạn nút mối quan hệ trong gia đình. Theo mối quan hệ tương sinh trong Ngũ hành, Hỏa được sinh ra do Mộc. Hãy nhớ kỹ câu này: "Cây cỏ làm mồi nhen lửa đỏ", không nên sử dụng quá nhiều vật dụng, nội thất bếp có chất liệu gỗ để làm tăng tính Hỏa. Thay vào đó, gia chủ nên sử dụng thêm nhiều loại vật liệu khác nhau để vượng hòa khí, kìm hãm sự bộc phát của Hỏa.
Sử dụng quá nhiều vật liệu bằng gỗ sẽ làm tăng tính Hỏa trong phong thủy bếp.
Mặt khác, theo mối quan hệ tương khắc trong Ngũ hành, Hỏa còn khắc Thủy: "Thủy Hỏa bất tương dung". Vậy nên các vật dụng liên quan đến "nước" như bồn rửa, tủ lạnh, máy giặt cũng cần phải sắp xếp sao cho phù hợp. Cụ thể, bếp không nên bị kẹp giữa các vật dụng này, quanh bếp không nên xây đường nước, cống, rãnh...
Hướng đặt nhà bếp theo phong thủy bếp
Theo "Bát trạch minh kính" - bộ sách cổ rất nổi tiếng về phong thủy: "bếp đặt lên mệnh Mộc hướng dữ thì lành, đặt lên mệnh Mộc hướng lành thì dữ”. Ngoài ra, theo một số quan niệm phong thủy xưa, thì phong thủy nhà bếp nên được đặt ở vị trí "tọa hung, hướng cát", nghĩa là đặt bếp ở hướng dữ nhìn về hướng lành là tốt. Như đã nói ở trên, nhà bếp thuộc Hỏa, nên nếu đặt bếp ở hướng "hung" sẽ có tác dụng trấn áp năng lương tiêu cực, mang sinh khí đến cho ngôi nhà, đúng như ý lâu nay dân gian ta thường nói: "gặp dữ hóa lành".
Hỏa khí từ nhà bếp có thể áp chế những luồng khí không tốt đến từ bên ngoài, đồng thời cũng có tác dụng điều hòa những luồng khí tốt nhằm cải thiện khí vận toàn căn nhà một cách hiệu quả. Theo thuyết phong thủy nhà ở, Hỏa khí có thể xua tan mọi thứ xấu và chỉ để lại những điều tốt đẹp.
Phong thủy bếp nên được đặt ở vị trí "tọa hung hướng cát"
Trong các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, hướng Đông là hướng tốt nhất cho phong thủy bếp. Bên cạnh đó, còn có các hướng như Đông Bắc, hướng Nam và chính Tây. Các hướng ngoảnh lưng lại với hướng chính căn nhà được xem là hướng tối kỵ để đặt bếp.
Ngoài ra, có một điều gia chủ cũng cần phải lưu ý để không áp dụng hướng bếp một cách máy móc:
- Cửa phòng bếp phụ thuộc vào cửa chính của căn nhà (ví dụ như Đông cục hay Tây cục), do đó cửa nhà hướng nào thì đặt cửa bếp hướng nấy.
- Hướng bếp là hướng lưng người nấu, người nấu sẽ quay lưng về hướng nào thì đó chính là hướng bếp. Người Đông mệnh thì bếp thuộc Đông hướng, người Tây mệnh thì bếp phải thuộc Tây hướng. Nếu làm ngược lại, người nấu sẽ hứng chịu sự xung khắc, dễ gặp bệnh tật, đau yếu...
Đặt nhà bếp hướng Đông
Các nhà phong thủy cho rằng, hướng Đông là hướng tốt nhất để đặt nhà bếp. Mặt trời mặt đằng Đông, vạn vật đều nhờ ánh nắng sớm để sinh sôi nảy nở. Đây là hướng đại cát, đại lợi. Đặt bếp ở hướng Đông, gia chủ hãy để khí vận nhà bếp thuận theo tự nhiên, tuy nhiên cần lưu ý về việc đặt các vật dụng trang trí, cũng như cây cảnh. Nếu lạm dụng, nhà bếp sẽ bị ngăn chặn luồng khí tốt từ bên ngoài vào, tạo ra bất lợi cho gia đình.
Đặt nhà bếp ở hướng Tây
Các chuyên gia phong thủy khuyên rằng, gia chủ không nên đặt bếp ở hướng Tây. Có 2 sự lý giải cho lời khuyên này, thứ nhất theo phong thủy nhà ở, hướng Tây thuộc Ngũ hành Kim, xung khắc với bếp vốn thuộc Ngũ hành Hỏa, không mang lại điều tốt lành cho gia chủ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thứ hai, hướng Tây là hướng mặt trời lặn, vì vậy mỗi khi đến buổi chiều, ánh năng gay gắt sẽ chiếu vào căn bếp, biến khu vực bếp trở thành "một cái lò lửa" đúng nghĩa đen lẫn phong thủy.
Hỏa khí quá nhiều không những làm không khí oi bức, ngột ngạt, làm cho thức ăn dễ bị hư mà còn dẫn đến sự rối loạn trong việc cân bằng Ngũ hành và các dòng khí khiến gia đình dễ xảy ra xung đột.
Ánh sáng mặt trời lặn hướng Tây chiếu thẳng tạo thành thế "xuyên tâm sát" tối kỵ trong phong thủy bếp.
Cách hóa giải:
- Nếu chẳng may phòng bếp nằm ở hướng Tây, có thể khắc phục bằng cách bày trí hoa thủy tiên hoặc các loại hoa màu vàng, đặt cạnh cửa sổ phòng bếp để ngăn chặn khí độc, ngăn cản sát khí và hút vượng khí vào nhà.
- Hoặc có thể chọn một vị trí đặt bếp khác tối ưu hơn vì hướng Tây là một hướng phong thủy rất không tốt nếu đặt nhà bếp.
Đặt nhà bếp hướng Nam
Trong Ngũ hành, hướng Nam thuộc Ngũ hành Hỏa, chính vì thế nếu đặt bếp ở hướng Nam, Hỏa - Hỏa gặp nhau, Hỏa khí sẽ bị cộng dồn khiến không khí trở nên nóng bức. Điều này không đến điều tốt lành cho tài vận của gia chủ.
Cổ nhân có câu "lưỡng hỏa hỏa kiệt", khi có hai "tinh anh" vô cùng mạnh trong nhà khiến các ngũ hành, thì dòng khí khác sẽ bị lu mờ và tan biến. Khi chỉ còn Ngũ hành Hỏa thì những bất lợi trong tài lộc, sức khỏe sẽ dần kéo đến. Đó là sự mất cân bằng, cũng là điều tối kỵ trong phong thủy bếp.
Mặt khác, quan niệm phong thủy còn cho rằng, hướng Nam sẽ khiến gia chủ bị tán lộc, tức là tiền đổ ra ngoài.
Bếp đặt hướng Nam sẽ tạo ra thế "hỏa hỏa lưỡng kiệt" làm mất cân bằng trong phong thủy bếp.
Cách hóa giải:
Theo phong thủy nhà ở, gia chủ nên trồng các loại cây có nhiều lá, hoặc cây có tán lá to để che đi bớt ánh sáng, giảm sức nóng từ ánh năng chiếu vào. Qua đó giúp hóa giải thế Hỏa vượng khi bếp tọa hướng Nam. Song các loại cây này theo phong thủy còn có tác dụng lưu trữ tài lộc, ngăn chặn tình trạng hao hụt tiền tài.
Đặt nhà bếp hướng Bắc
Hướng Bắc thuộc Ngũ hành Thủy, mang đến luồng không khí mát lạnh. Nhiều người chọn cách đặt bếp ở hướng Bắc nhằm điều hòa không khí, lấy Thủy làm dịu Hỏa. Tuy nhiên, ở góc nhìn phong thủy bếp, đây là một quan niệm sai lầm. Hãy nhớ rằng, Hỏa vốn khắc Thủy, Thủy - Hỏa đi chung sẽ tạo ra sự xung đột lớn, khí vận không hài hòa, gây bất lợi cho gia chủ.
Nếu đặt bếp hướng Bắc, sự xung khắc giữa Thủy và Hỏa sẽ phá hủy khí vận của phong thủy bếp.
Cách hóa giải:
- Nếu gặp phải nhà bếp đặt ở hướng Bắc, gia chủ nên cân bằng lại phong thủy bếp bằng cách "nâng bên này giảm bên kia", tức là làm tăng hỏa khí nhằm giảm bớt sự lạnh giá của thủy. Đặt thêm các chậu cây cảnh màu hồng, cam trên các tủ bếp hoặc trên bàn ăn,...
- Đảm bảo đầy đủ ánh sáng cho phòng bếp để tránh cảm giác lạnh lẽo vì Thủy vốn tượng trưng cho phần âm.
- Các vật dụng trong phòng bếp nên chọn những màu ấm áp, thuộc gam màu nóng để tăng sinh khi cho bếp.
Vị trí đặt nhà bếp cần tránh
Thông thường, tùy thuộc vào diện tích và cơ năng hoạt động của ngôi nhà mà gia chủ lựa chọn cách đặt bếp sao cho tiện lợi nhất. Tuy nhiên, việc bỏ qua các yếu tố phong thủy lại vô tình khiến gia chủ gặp trợ ngại, trắc trở trong cuộc sống.
Nhà bếp đặt ở vị trí trung tâm
Vị trí trung tâm của căn nhà theo phong thủy được gọi là Trung cung hoặc Thượng Tâm - nơi tập trung tất cả các nguồn năng lượng của ngôi nhà. Trung Cung là một cung bị động, cần có được sự ổn định và bình an của các luồng khí, trong khi nhà bếp là nơi có nhiều uế khí và tạp khí do chế biến thức ăn.
Việc đặt nhà bếp ở vị trí này khiến cho các dòng khi bị xáo trộn bởi hỏa khí, tạo nên những khó khăn triền miên cho gia chủ, đồng thời khiến sức khỏe yếu dần đi theo thời gian.
Đặt bếp ở vị trí trung tâm không phải là sự lựa chọn tốt cho phong thủy bếp.
Hơn nữa hai vị trí Trung Cung và Thượng Tâm cũng là nơi các dòng khí lưu chuyển qua lại với tần suất cao, vì vậy nên là nơi đặt phòng khách, nơi mà gia chủ cùng các thành viên trong gia đình lưu lại với thời gian nhiều nhất.
Hãy luôn nhớ một điều, nhà bếp không bao giờ "nên" đặt tại vị trí trung tâm.
Nếu gia chủ có điều kiện cùng diện tích nhà cho phép thì một căn bếp nên để sâu về phía sau, có tầm nhìn ra ban công hoặc các không gian phía sau nhà. Một mặt tạo nên không gian thoáng đãng khi nấu nướng, mặt khác đem lại may mắn và tài lộc cho gia chủ.
Nhà bếp đặt đối diện nhà vệ sinh
Mặc dù phong thủy nói rằng, bếp nên "tọa hung" nhưng bếp là nơi nấu nướng cho cả gia đình, liên quan tới thức ăn, cần không gia sạch sẽ nên kiêng kỵ đặt đối diện nhà vệ sinh.
Theo phong thủy nhà ở, nhà vệ sinh là nơi chứa các dòng khí không tốt, từ khí độc đến khí có mùi, biểu tượng của điềm xấu. Vì vậy để nhà bếp gần nhà vệ sinh là điều tối kỵ mà bất kỳ gia chủ nào cũng phải để ý và tránh.
Đặt nhà bếp đối diện phòng ngủ
Nhà bếp thường là nơi nấu nướng nên thường có nhiều dầu mỡ, mùi thức ăn... trong khi phòng ngủ lại là nơi nghỉ ngơi, điều dưỡng sức khỏe. Ngoài ra, bếp còn phát ra năng lượng Hỏa, vậy nên nếu đặt bếp đối diện phòng ngủ sẽ tạo ra cảm giác ngột ngạt, khó chịu, không có lợi cho sức khỏe của gia chủ và các thành viên trong gia đình.
Phong thủy bếp rất kỵ việc đặt nhà bếp đối diện nhà vệ sinh.
Phong thủy bếp tốt nên được đặt xa phòng ngủ hoặc ít nhất là không đặt đối diện với cửa phòng ngủ.
Đặt bếp quá gần chậu nước, bồn rửa
Như đã đề cập ở trên, nhà bếp thuộc Ngũ hành Hỏa, là nơi phát ra khí nóng. Trong khi đó, nước thuộc Ngũ hành thủy, phát ra khi lạnh. Thông thường, gia chủ sẽ khó có thể phát hiện việc Thủy - Hỏa xung khắc bằng trực giác nhưng về lâu dài các luồng năng lượng tiêu cực có thể làm suy giảm sức khỏe, hoặc phá hủy sự hòa thuận trong gia đình.
Đặc biệt, bếp bị kẹp giữa tủ lạnh và bồn rửa là điều kiêng kỵ nhất trong phong thủy bếp, vì nó tạo ra sự xung đột rất mạnh, không lối thoát cho bếp. Các chuyên gia phong thủy khuyên rằng, bếp và chậu rửa, bồn nước, tủ lạnh... nên được đặt cách nhau ít nhất 60cm để làm giảm xung đột.
Một số kiêng kỵ khác với vị trí đặt nhà bếp
Ngoài những vị trí cần tránh ở trên, thì gia chủ cần tránh thêm một số điều sau:
- Tránh khoảng trống phía sau nhà bếp. Thuyết phong thủy cho rằng, bếp dựa tường sẽ tạo thành "thế tựa" vững chắc, thu hút tài lộc cho gia chủ.
- Tránh đặt bếp trên rãnh mương, đường nước của căn nhà. Hãy luôn nhớ rằng, bếp thuộc Hỏa, nước thuộc Thủy, đời đời bất dung với nhau.
- Tránh đặt bếp ở khu vực có nhiều gió.
- Cổ nhân có câu "tàng phong tụ khí", nên đặt bếp ở nơi tránh gió để có thể lưu lại các luồn khí tốt.
Ánh sáng theo phong thủy bếp
Luận về ánh sáng, trong phong thủy, ánh sáng kết nối con người vào các nguồn năng lượng. Ánh sáng cho phòng bếp nói riêng cũng như ánh sáng ngôi nhà nói chung đều có hai loại chính là ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.
Ánh sáng tự nhiên là kết quả của việc thiết kế và bố trí hướng nhà bếp. Hướng Đông và hướng Tây là những hướng có nhiều ánh sáng. Tuy nhiên, hướng Tây như đã chia sẻ là không thích hợp bố trí bếp với luồn ánh sáng gay gắt.
Theo phong thủy bếp, ánh sáng thiên nhiên là tinh túy của đất trời, giúp cho bếp trở nên thoáng đãng hơn.
Khu vực bếp thường được thiết kế không có nhiều cửa sổ nên ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài vào cũng hạn chế. Để tăng ánh sáng, gia chủ có thể thiết kế thêm "giếng trời" hoặc dùng các thiết bị tôn sáng như kính, kim loại...
Gia chủ nên chú ý cân bằng ánh sáng cho phong thủy bếp bằng các bóng đèn có ánh sáng trắng.
Có hai điều quan trọng nhất cho một nhà bếp đẹp và tốt đó là không gian và ánh sáng. Tận dụng ánh sáng tự nhiên là điều tốt nhất, tuy nhiên nếu không được hãy lựa chọn các nguồn ánh sáng nhân tạo cho phù hợp và phải lưu ý đến một số vấn đề như:
- Tránh sử dụng ánh đèn mờ từ các bóng đèn màu, điều này sẽ gây khó chịu cho mắt trong quá trình nấu nướng.
- Tránh dùng ánh sáng màu vàng, bởi vì màu vàng sẽ gợi cảm giác buồn ngủ khiến không khí khi nấu nướng sẽ trở nên nặng nề, mệt mỏi hơn.
- Khu vực bếp vốn dĩ thiếu sự sống (nấu đồ sống thành đồ chính), gia chủ nên dùng ánh sáng có màu trắng để tăng sức sống cho bếp.
- Việc sử dụng các bóng đèn huỳnh quang không tốt bằng việc sử dụng các bóng đèn tròn hoặc đèn chùm. Ánh sáng từ đèn chùm sẽ sáng và rõ ràng hơn, không bị lóa mắt.
- Đi kèm với các loại đèn là dụng cụ để điều chỉnh mức độ sáng tối, việc này không những cho căn phòng ánh sáng phù hợp mà còn tiết kiệm tối đa được điện năng sử dụng.
- Nếu căn bếp có cửa sổ quay về hướng Bắc sẽ nhận được nhiều ánh sáng từ mặt trời, do đó không nên bố trí thêm đèn để tránh tạo xung đột ánh sáng khiến không gian thêm căng thẳng.
Bạn vừa theo dõi bài biết "Phong thủy bếp và những điều kiêng kỵ", Rever hy vọng rằng bài viết này sẽ góp phần giúp bạn tạo ra được thế phong thủy bếp hoàn hảo, thu hút tài vận. Nếu bạn cần hỗ trợ về giao dịch bất động sản, thì hãy liên hệ ngay với Rever qua số Hotline: 1800 234 546 để được tư vấn trực tiếp.
Ngoài ra, bạn có thể truy cập vào trang blog Rever để theo dõi thêm thông tin về bất động sản hoặc tham khảo thêm một số thông tin hữu ích qua tài liệu dưới đây
Có thể bạn quan tâm:
Hoàng Trịnh (BT)
Từ khóa liên quan