5 lưu ý quan trọng người mua nhà ở xã hội phải biết
18/09/2019
Nhà ở xã hội được xem là phân khúc giải quyết tốt bài toán về nơi ở cho người có thu nhập thấp. Vậy khi mua nhà ở xã hội bạn cần phải chú ý điều gì?
Nhà ở xã hội được xem là phân khúc phù hợp nhất với túi tiền người dân, là biện pháp giúp giải quyết tốt bài toán nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy vậy, khi mua nhà ở xã hội cũng có nhiều lưu ý riêng mà bạn cần chú ý để tránh thiệt hại về mình.
Nhà ở xã hội là gì?
Về bản chất, Nhà ở xã hội là mô hình nhà ở thuộc quyền sở hữu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các cơ quan này có thể từ cấp Trung ương đến địa phương. Nhà ở xã hội cũng có thể hiểu là những loại hình nhà ở được vận hành quản lý và chủ sở hữu là các cơ quan nhà nước và những tổ chức phi lợi nhuận.
Nhà ở xã hội được xây dựng lên với mục đích cung cấp những căn hộ, ngôi nhà với mức giá thành rẻ, hợp lý phù hợp với một số lượng người lao động có mức thu nhập thấp, hoặc trung bình. Vì lý do đó, nhà ở xã hội cũng có một số quy định dành riêng để giới hạn người mua, nhằm đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng sử dụng.
Nhà ở xã hội mang ý nghĩa xã hội rất lớn, là lời giải bài toán nhà ở cho người có thu nhập thấp
Điều kiện để mua nhà ở xã hội?
Khác với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có những quy định rõ ràng về các đối tượng được phép mua nhà. Cụ thể:
-
Người mua nhà ở xã hội – chung cư xã hội phải thuộc diện khó khăn về chỗ ở. Họ chưa được nhà nước giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Họ phải là những người đang trong thời điểm đi thuê, mượn nhà hay ở nhờ nhà của người khác, hoặc có nhà nhưng bị nhà nước thu hồi phụ vụ cho việc giải phóng mặt bằng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
-
Người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung trương nơi có nhà ở xã hội.
-
Người thu nhập thấp muốn nhà ở xã hội phải là người không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
-
Bên cạnh đó, việc mua nhà ở xã hội cũng áp dụng đối với những đối tượng có nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng nhà ở chật chội, diện tích bình quân của hộ gia đình dưới 10m2/sàn/người. Hay nhà ở riêng lẻ diện tích bình quân dưới 10m2/sàn/người và diện tích khuôn viên đất thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở.
Những lưu ý khi mua nhà ở xã hội?
Thứ nhất: Kiểm tra các điều kiện được phép mua, bán nhà ở xã hội
Vì mang ý nghĩa xã hội rất lớn, các dự án nhà ở xã hội chỉ được mua, bán, cho thuê đúng đối tượng được pháp luật quy định. Nếu có nhu cầu mua, bán nhà ở xã hội, trước tiên bạn cần phải xác định bản thân mình hoặc người mua có đúng đối tượng được phép mua, bán nhà ở xã hội hay không.
Thứ hai: Cần cân nhắc, lựa chọn nhà ở xã hội phù hợp nhất
Theo các quy định về mua nhà ở xã hội, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được hỗ trợ, giải quyết mua nhà ở xã hội duy nhất một lần. Vì vậy, nếu đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện, thỏa mãn diện được mua nhà ở xã hội bạn cần phải cân nhắc, lựa chọn dự án cho phù hợp, nhất là về vị trí và yếu tố tài chính.
Khi mua nhà ở xã hội, cũng có những quy định riêng, những lưu ý mà bạn phải tìm hiểu kỹ để tránh thiệt hại về mình
Thứ ba: Thời điểm ký kết hợp đồng
Đối với các dự án nhà ở xã hội, thời điểm chủ đầu tư được phép ký kết hợp đồng mua, bán, thuê nhà ở xã hội với những cá nhân có nhu cầu được tính từ khi dự án xây dựng xong phần móng. Bên bán được phép huy động vốn từ phía khách hàng nhưng phải tuân thủ đúng theo quy định pháp luật và không được vượt quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng.
Thứ tư: Quy định đối với người mua, thuê nhà ở xã hội
Theo quy định pháp luật hiện hành, các đối tượng đã mua, thuê nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, mang ra thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua chính căn nhà ở xã hội đó). Bên cạnh đó, người mua nhà ở xã hội cũng không được phép chuyển nhượng căn nhà trong thời gian 5 năm tính từ thời điểm hoàn thành số tiền mua, thuê trong hợp đồng với chủ đầu tư. Sau thời gian đó, sẽ được cấp các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất và mới được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê.
Nếu trong thời gian giới hạn 5 năm, người mua nhà ở xã hội có nhu cầu bán lại thì chỉ có thể bán lại cho nhà nước, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đó hoặc các đối tượng thuộc diện được phép mua nhà ở xã hội khác.
Thư năm: Lưu ý đối với người mua lại nhà ở xã hội
Điều đầu tiên, bạn cần chú ý người bán nhà ở xã hội cho bạn đã trả hết số tiền theo hợp đồng ký kết với chủ đầu tư hay chưa. Nếu người này chưa trả hết thì việc mua bánnày sẽ vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, nếu không thuộc diện được hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội thì bạn cũng cần phải kiểm tra người bán còn bị giới hạn thời gian 5 năm hay không. Vì đây là khoảng thời gian tối thiểu mà người mua, thuê nhà ở xã hội phải đáp ứng mới có thể thực hiện quyền chuyển nhượng của mình. Ngoài ra còn cần kiểm tra xem căn nhà đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan đến nhà ở theo quy định của pháp luật hay chưa. Đó là các điều kiện cơ bản để có thể thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất.
Ngoài những thông tin trên, bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin về các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM qua tài liệu Rever biên soạn dưới đây:
Có thể bạn chưa biết:
- TP.HCM: Khởi động dự án cầu Thủ Thiêm 4 hơn 5.000 tỷ nối Quận 2 và Quận 7
- 8 lưu ý phải biết dành cho người mua nhà tại Việt Nam
- Tất cả những điều bạn cần biết về trình tự, thủ tục mua bán nhà đất có sổ đỏ
- Những chuyện bi hài nơi chung cư: Ở căn hộ chung cư "Sướng hay khổ"?
- Dành hết thanh xuân đi tìm thuê nhà, vợ chồng tôi ba lần trải qua kiếp nạn
Hoàng Triều (BT)
Từ khóa liên quan