Đầu tư hơn 10.000 tỷ xây cao tốc nối TP.HCM với Tây Ninh, BĐS tại nhiều quận, huyện hưởng lợi
25/04/2019
Dự án đường cao tốc nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh có chiều dài 53,5km với mức phí đầu tư dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc nối TP.HCM với tỉnh Tây Ninh có chiều dài 53,5km với kinh phí đầu tư dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng. Dự án được nhận định tác động tích cực lên thị trường bất động sản tại nhiều quận, huyện như: Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12...
Triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP)
Báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM cho hay, Ban Quản lý dự án 2 (Tổng cục Đường bộ) đã trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (cao tốc Mộc Bài).
Theo đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ có chiều dài toàn tuyến là 53,5 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.
Ban Quản lý dự án 2 đề xuất đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hai giai đoạn với tổng mức đầu tư gần 10.700 tỷ đồng, dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Cụ thể:
Giai đoạn 1 được chia thành hai phần: đoạn TP.HCM - Trảng Bàng (chiều dài 33 km, có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h) và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5 km, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h).
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Ảnh: Tổng cục đường bộ Việt Nam.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 2 với việc mở rộng mặt đường toàn tuyến lên 6-8 làn xe.
Liên quan đến dự án đường cao tốc này, cả UBND TP.HCM và tỉnh Tây Ninh đều thống nhất cùng gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép TP.HCM có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp thực hiện cùng Tây Ninh.
TP.HCM và Tây Ninh cũng đề xuất tự lo kinh phí bồi thường khi triển khai dự án (phía TP.HCM khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ); còn phần kinh phí xây lắp, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Cao tốc TP HCM - Mộc Bài được triển khai xây dựng nhằm phá thế độc đạo của quốc lộ 22, đồng thời rút ngắn hành trình từ Sài Gòn đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây, hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. |
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được các chuyên gia nhận định là sẽ có tác động tích cực đến thị trường đầu tư bất động sản khu Tây TP.HCM và các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương.
Theo đó, các quận, huyện khu Tây TP.HCM, đặc biệt là huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận 12 sẽ khởi sắc về kinh tế nhờ được đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, trong đó hưởng lợi rất lớn từ dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Khi hạ tầng giao thông khu vực phát triển, kết nối thuận lợi sẽ giúp các công trình dịch vụ cộng đồng, khu dân cư, dịch vụ thương mại được tập trung đầu tư, nhờ đó đầu tư bất động sản cũng có tiềm năng sinh lời cao.
Theo Rever tìm hiểu, khu Tây TP.HCM hiện vẫn còn quỹ đất sạch dồi dào, đó là cơ sở cho thấy thị trường đất nền tại đây sẽ tăng trưởng đáng kể nhất, cũng là kênh đầu tư bất động sản có tỉ lệ sinh lợi nhuận cao nhất. Giá đất tăng cao cùng với sức hút dân cư về khu Tây sẽ kéo theo các loại hình như: nhà phố, căn hộ chung cư, văn phòng... tăng giá. Trước mắt, thị trường đầu tư bất động sản thứ cấp sẽ tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu mặt bằng kinh doanh, văn phòng làm việc. Thị trường đầu tư bất động sản sơ cấp cũng dần tăng trưởng theo khi dân cư đổ về và các dự án chung cư quy mô lớn được xây mới nhiều hơn.
Khu Tây TP.HCM sẽ tăng trưởng đất nền nhờ dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Bên cạnh các quận, huyện hưởng lợi từ dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài như đã kể trên, Tây Ninh cũng là tỉnh hưởng lợi trực tiếp từ dự án này nhờ việc di chuyển đến TP.HCM – trung tâm kinh tế của cả nước được rút ngắn. Đặc biệt, hàng hoá từ các khu công nghiệp tại Tây Ninh chuyên chở về TP.HCM nhanh chóng, giúp giảm giá thành đầu ra. Các sản phẩm nhờ đó tăng sức cạnh tranh, hút hàng và lợi nhuận cao hơn. Không những thế, khu vực gần cửa khẩu Mộc bài cũng hứa hẹn nở rộ nhiều công trình lớn giúp đời sống của dân cư địa phương tiện nghi hơn.
Theo lộ trình, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ đi qua đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 giúp giao thông có tính kết nối cao hơn. Đường Vành đai 3 đi qua địa phận các tỉnh, thành TP.HCM (quận Thủ Đức, quận 2), Long An (Bến Lức), Đồng Nai (Dầu Giây, Nhơn Trạch, Tân Vạn), Bình Dương (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát và phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An) giúp thị trường đầu tư bất động sản tại những khu vực này tăng trưởng theo, đặc biệt là loại hình đất nền. Tương tự, đường Vành đai 4 cũng giúp khu vực cảng Hiệp Phước, cảng Long An, khu dân cư Hiệp Phước tỉnh Long An khởi sắc, góp phần làm thị trường đầu tư bất động sản tăng trưởng.
Ngoài ra, để biết chi tiết danh sách 180 dự án "treo" tại TP.HCM bị xoá bỏ, bạn có thể tải về tài liệu dưới đây:
Có thể bạn quan tâm:
- Năm 2019, "gỡ vướng" tuyến Metro số 1 và dự án chống ngập 10.000 tỷ
- Vốn 1 tỷ đồng nên đầu tư đất nền ở TP.HCM hay vùng giáp ranh?
- Thông tin quy hoạch đường Vành Đai 2
- TP.HCM đẩy nhanh tiến độ thi công đường Vành đai 3
- Có nên đầu tư căn hộ quận 2, quận 9 TP.HCM trong năm 2019 - 2020?
- Nguồn cung căn hộ chung cư TP.HCM sẽ tập trung ở đâu trong năm 2019, 2020?
- 5 bí quyết đầu tư đất nền dự án không bao giờ lỗi thời
Từ khóa liên quan