Bến xe Miền Đông mới quy mô lớn nhất cả nước chuẩn bị đi vào hoạt động
05/08/2019
Tính đến thời điểm này, bến xe Miền Đông mới đã hoàn tất các hạng mục cơ bản, dự kiến sẽ đi vào khai thác vào ngày 15/8 sắp tới.
Tính đến thời điểm này, Bến xe Miền Đông mới đã hoàn tất các hạng mục cơ bản, dự kiến sẽ đi vào khai thác vào ngày 15/8 sắp tới. Bên cạnh đó, TP.HCM đã đầu tư, phê duyệt xây dựng hai cầu vượt trước bến xe mới này.
Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ dự án Bến xe Miền Đông
Theo báo cáo trước đó của Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), đơn vị đảm nhiệm chủ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện các hạng mục của công trình hoàn tất vào ngày 31/3/2019. Tuy nhiên Samco cho biết sẽ tiếp tục đầu tư thêm một số hạng mục tiện ích bên trong nhà ga (thời gian kéo dài khoảng 3-4 tháng) để đáp ứng phục vụ nhu cầu của các đơn vị vận tải và hành khách. Do đó, thời gian bến xe Miền Đông mới đi vào khai thác phải lùi lại, dự kiến vào ngày 15/8/2019.
Trước các thông tin đó, Sở GTVT TP.HCM cho rằng tiến độ đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác Bến xe Miền Đông mới đã chậm hơn so với kế hoạch. Vì vậy, Sở GTVT yêu cầu Samco tập trung chỉ đạo để đưa Bến xe Miền Đông mới vào khai thác sử dụng trong thời gian sớm nhất có thể.
Phối cảnh Bến xe miền Đông mới
Bên cạnh đó, Sở GTVT còn đề nghị Samco cung cấp kế hoạch khai thác theo từng giai đoạn cho Khu quản lý giao thông đô thị số 2 và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để tổ chức các tuyến xe bus kết nối với bến xe Miền Đông. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng có trách nhiệm xây dựng và sớm hoàn thành công trình cải tạo hệ thống đón trả khách xe bus phục vụ kết nối Bến xe Miền Đông cũ và Bến xe Miền Đông mới. (Theo Tuổi Trẻ)
Giải quyết bài toán quá tải tại bến xe cũ
Với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, dự án Bến xe Miền Đồng mới là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp với nhiều dịch vụ tiện ích khác, tổng diện tích dự án lên đến 16ha, rộng gấp 3 lần Bến xe Miền Đông cũ. Tọa lạc tại Xa lộ Hà Nội, thuộc địa phận phường Long Bình, Quận 9, TP.HCM và Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trong đó, phần diện tích thuộc TP.HCM là 12,3 ha.
Sau hơn 2 năm thi công, đến nay các hạng mục cơ bản đã hoàn tất, chỉ còn lại một số hạng mục nhỏ đang tiếp tục hoàn thiện, như trang trí, trồng cây xanh,... Đây là bến xe được kỳ vọng trở thành bến xe lớn nhất cả nước và là một trong những bến xe hiện đại của khu vực Đông Nam Á.
Dự án nhằm phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Theo dự tính, Bến xe Miền Đông mới sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ, Tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.
Dự án được xem là giải pháp tốt nhất cho bài toán quá tải tại Bến Xe Miền Đông cũ đã tồn tại hơn 31 năm, cơ sở hạ tầng đã không đáp ứng kịp nhu cầu vận chuyển ngày một tăng lên đến hơn 50.000 hành khách vào các ngày cao điểm. Bên cạnh đó, Bến xe Miền Đông cũ với lượt xe ra vào liên tục cũng là nguyên nhân khiến tình trạng giao thông khu vực bị ùn tắc nghiêm trọng.
Tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh khu vực Bến xe Miền Đông cũ luôn rơi vào tình trạng ùn tắc vào các giờ cao điểm xe ra, vào bến nhiều
Đầu tư 437 tỷ đồng xây dựng hai cây cầu vượt trước bến xe mới
Theo thông tin từ ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM cho biết, ngày 31/7 vừa qua UBND TP.HCM vừa chấp thuận cấp vốn cho dự án xây dựng hai cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, với tổng mức đầu tư hơn 437 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào tháng 11/2019.
-
Cầu vượt thứ nhất là dự án cầu vượt số 3 (vượt tuyến chính quốc lộ 1) nằm cạnh cầu vượt số 2 hiện hữu của nút giao thông Đại học Quốc gia Tp.HCM nhằm tổ chức cho các dòng xe từ hướng tỉnh Đồng Nai đi vào Bến xe Miền Đông mới.
-
Cầu vượt thứ 2 là dự án cầu vượt số 4 (cũng vượt tuyến chính quốc lộ 1) gồm 3 làn xe để tổ chức cho các dòng xe từ Bến xe Miền Đông mới rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm Tp.HCM và đi tỉnh Bình Dương.
Được biết, việc đầu tư xây dựng 2 cầu vượt cũng nằm trong tổng thể quy hoạch dự án Bến xe Miền Đông mới nhưng không cùng dự án. Bên cạnh đó, cũng sẽ tiến hành xây dựng đường chui trên phần đường song hành bên phải quốc lộ 1 (hướng TP.HCM đi Đồng Nai) rộng 8m, dài 670m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng Đồng Nai và xây dựng đường chui trên phần đường song hành bên trái quốc lộ 1 rộng 8m, dài 350m cho xe 2 bánh đi thẳng về hướng TP.HCM.
Phối cảnh cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới
Để bến xe mới có thể dễ dàng đi vào hoạt động ổn định, chủ đầu tư Samco cho biết, kế hoạch di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ Bến xe Miền Đông hiện hữu ra Bến xe Miền Đông mới được sẽ được chia thành 2 giai đoạn:
-
Giai đoạn 1: di dời 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc).
-
Giai đoạn 2: di dời tiếp 85 tuyến vận tải hành khách cố định từ Thừa Thiên - Huế trở vào khu vực miền Trung, và các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và tuyến liên vận quốc tế.
Ngoài ra, đại diện chủ đầu tư Samco cũng đã kiến nghị chính quyền địa phương sớm nâng cấp sửa chữa đường Hoàng Hữu Nam, đường số 400, đường số 13 (thuộc quận 9) trên địa bàn quản lý.
Ngoài những thông tin trên, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin hữu ích liên quan đến thị trường bất động sản TP.HCM qua tài liệu Rever tổng hợp dưới đây:
Có thể bạn nên biết:
- Lãi suất vay mua nhà tháng 8/2019 tại các ngân hàng uy tín hiện nay
- Quy Nhơn: Khởi công Học viện hàng không với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng
- TP.HCM chi 830 tỷ xây hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ
- Những chuyện bi hài nơi chung cư: Ở căn hộ chung cư "Sướng hay khổ"?
- Bất động sản nghỉ dưỡng biển thu hút vốn đầu tư
Hoàng Triều (TH)
Từ khóa liên quan