Điểm qua thị trường bất động sản TP. HCM 8 tháng đầu năm 2018
05/09/2018
Nguồn cung căn hộ giảm, cơn sốt đất nền lan rộng, liên tiếp các sự cố chung cư,… là những điểm nóng về tình hình thị trường bất động sản TP. HCM 8 tháng đầu năm 2018.
Nguồn cung căn hộ giảm, cơn sốt đất nền lan rộng, liên tiếp các sự cố chung cư,… là những điểm nóng về tình hình thị trường bất động sản TP. HCM 8 tháng đầu năm 2018.
1. Bất động sản TP. HCM - nguồn cung căn hộ giảm gần một nửa
Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), chỉ tính từ đầu năm đến nay, tổng số nhà được đưa ra thị trường khoảng 9.174 căn (trong đó có 8.690 căn hộ chung cư, 484 căn nhà thấp tầng), ước tính giảm 44,5% so với số lượng 16.506 căn cùng kỳ 2017.
Riêng ở phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 25,9% so với 2017. Phân khúc căn hộ trung cấp cũng có sự giảm sút đáng kể với 3.465 căn, giảm 32,6%, gồm 3.465 căn.
Giảm mạnh nhất là ở phân khúc bình dân. Hồi cùng kỳ năm ngoái, con số bán ra đạt 6.206 căn, nhưng tính đến tháng 5 năm nay mới chỉ mới có 1.881 căn hộ được bán ra thị trường, giảm 69,7%.
Nguồn cung căn hộ 8 tháng đầu năm giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
2. Cơn sốt đất nền lan rộng
Năm 2018 chứng kiến cơn sốt ảo, giá đất nền phân lô, tách thửa hợp pháp, kể cả đất nông nghiệp phân lô trái phép cũng đều tăng và xảy ra tại các vùng ven, huyện ngoại thành. Hiện tượng này đã nhen nhóm từ cuối năm 2017 và lên đến đỉnh điểm vào tháng 5/2018, tâm điểm là quận 9. Tuy nhiên, theo HoREA, cơn sốt chỉ xuất hiện ở phân khúc đất nền phân lô, còn với phân khúc căn hộ chung cư không có hiện tượng sốt giá.
3. Những sự cố chung cư
Đây cũng là một điểm nóng về tình hình thị trường bất động sản TP. HCM năm nay, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Sự cố nghiêm trọng nhất là vụ cháy chung cư Carina Plaza (Quận 8) khiến 13 người thiệt mạng và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người mua nhà. Sau vụ cháy, thị trường căn hộ tại TP. HCM suy giảm nhẹ nhưng hiện tượng này chỉ xảy ra cục bộ ở các dự án, chưa “cháy lan” toàn thị trường.
Dư chấn Carina khiến thị trường căn hộ TP. HCM giảm nhẹ nhưng chỉ mang tính chất cục bộ.
Do tính chất nghiêm trọng của sự cố, Bộ Công an, Bộ Xây dựng cũng như các sở, ngành đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC tại các toà chung cư và nhà cao tầng. Người dân bắt đầu đặc biệt quan tâm đến công tác PCCC của chung cư. Các chủ đầu tư cũng có những động thái quan tâm đến công tác an toàn PCCC, chủ động giảm giá căn hộ chung cư khoảng trên dưới 5% để thu hút khách hàng.
4. Sai phạm trong chuyển nhượng đất công
Những sai phạm trong chuyển nhượng đất công tại TP. HCM là câu chuyện liên tục được đem ra bàn tán suốt thời gian qua. Nổi bật trong số đó phải kể đến vụ công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng hơn 32 ha đất trong dự án Phước Kiển (Huyện Nhà Bè) cho Quốc Cường Gia Lai.
Những sai phạm trong chuyển nhượng lô đất dự án Phước Kiển thu hút sự chú ý của nhiều người.
Ngoài ra, vụ bán rẻ khu đất vàng ở số 8 - 12 Lê Duẩn (Quận 1) với giá hơn 700 tỷ đồng (trong khi giá thị trường rơi vào khoảng 2.000 tỷ đồng) cũng là ví dụ điển hình.
Theo HoREA, các dự án sử dụng đất công được giao cho chủ đầu tư mà không qua đấu giá, đấu thầu là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu minh bạch thị trường. Để chấn chỉnh tình trạng này, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu Trung tâm dịch vụ đấu giá thành phố tổ chức công khai đấu giá.
Tính đến tháng 5/2018, đã có khoảng 19 lô đất (trong đó có 584 nền) được đấu giá với mức khởi điểm 1.351,3 tỷ đồng. Giá trúng đấu giá là 2.062,5 tỷ đồng, tăng khoảng 1,6 lần so với giá mức khởi điểm đấu giá.
5. Tranh chấp chung cư tiếp tục là điểm nóng
Theo ước tính, cứ khoảng 1.000 chung cư tại TP. HCM thì có khoảng 100 chung cư đang nằm trong diện tranh chấp. Cụ thể, có 34 vụ tranh chấp đang trong quá trình kiểm tra và xử lý của Sở Xây dựng. Trong đó, những vụ tranh chấp gay gắt và kéo dài nhất phải kể đến: chung cư Khang Gia (Tân Phú), chung cư 584 (Tân Phú), chung cư Bảy Hiền (Tân Bình)...
Nội dung tranh chấp chủ yếu xoay quanh những vấn đề về thành lập ban quản trị chung cư, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, bàn giao và quản lý, chất lượng xây dựng chung cư, chậm bàn giao căn hộ, chậm làm "sổ đỏ" cho người mua căn hộ….
Đó là một số nét chính về tình hình thị trường bất động sản TP. HCM trong 8 tháng đầu năm. Những tháng cuối năm 2018, thị trường được dự báo sẽ diễn ra khởi sắc hơn ở nhiều phân khúc bất động sản khác nhau.
Có thể bạn quan tâm:
- Chuyên đề: Góc nhìn chuyên sâu về đầu tư bất động sản
- Bất động sản TP.HCM giảm sức hút, bất động sản vùng ven tăng nhiệt
Thanh Thảo (TH)
Từ khóa liên quan