Đẩy nhanh tiến độ cầu Thủ Thiêm 2, cầu Thủ Thiêm 4 và dự án Eco Smart City
02/08/2018
Khu phức hợp thông minh Eco Smart City Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2, cầu Thủ Thiêm 4; cầu đi bộ qua sông Sài Gòn... vừa được TP.HCM yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.
Khu phức hợp thông minh Eco Smart City Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2, cầu Thủ Thiêm 4; cầu đi bộ qua sông Sài Gòn... vừa được TP.HCM yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.
Về cầu Thủ Thiêm 2 (Nối Quận 1 và Quận 2)
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Tổng Công ty Ba Son và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, để triển khai thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2 (nối Quận 1 và 2) theo đúng tiến độ.
Ông Phong cũng yêu cầu sở ngành tham mưu thành phố phê duyệt giá đất tính bồi thường, hỗ trợ dự án làm cầu này.
Theo Rever tìm hiểu, ở thời điểm hiện tại, dự án cầu Thủ Thiêm 2 cơ bản đã xong các hạng mục từ phía khu đô thị Thủ Thiêm (Quận 2) đến giữa sông Sài Gòn. Riêng phần thuộc Quận 1 đang bị vướng mặt bằng do Bộ Quốc phòng quàn lý nên công trình không thể hoàn thành đúng kế hoạch.
Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2018, nhưng hiện tại đã trễ 4 tháng so với dự kiến. Điểm đầu dự án là giao giữa đường Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (Quận 1), điểm cuối của dự án tại Đại lộ Vòng cùng (Tuyến R1, Quận 2).
Vị trí thực tế cầu Thủ Thiêm 2
Cầu Thủ Thiêm 2 có quy mô 6 làn xe (4 làn xe ô tô và 2 làn xe tổng hợp), với tổng chiều dài là 1.465m trong đó phần cầu dài 885,7m, được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm, là biểu tượng cổng chào từ Trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật thì Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ban ngày và về đêm. Cầu Thủ Thiêm 2 khi được đưa vào sử dụng sẽ phần nào gánh bớt áp lực giao thông cho Hầm Thủ Thiêm.
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 2
Về cầu Thủ Thiêm 4 (Nối Quận 2 và Quận 7)
Bên cạnh việc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cầu Thủ Thiêm 2, Lãnh đạo thành phố cũng vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố thông tin dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 và 7) theo hình thức đối tác công tư (PPP) để các nhà đầu tư đăng ký lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Theo Rever tìm hiểu, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng do liên danh Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng 168 làm nhà đầu tư. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 được TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho xây sớm để tăng khả năng kết nối cho khu đô thị Thủ Thiêm và giải quyết ùn tắc từ phía Nam về trung tâm.
Vị trí cầu Thủ Thiêm 4 trong quy hoạch TP.HCM
Cầu Thủ Thiêm 4 có chiều dài hơn 2,1 km, tĩnh không 10 m, thiết kế dạng dây văng gồm phần cầu chính nối quận 2 và 7 với 6 làn xe, phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2 và 2 nhánh cầu dẫn N1, N2 từ cầu chính phía quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát.
Công trình này được thành phố xác định là "dự án cấp bách, cần ưu tiên đầu tư" nhằm tăng khả năng kết nối cho khu đô thị Thủ Thiêm và hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực. Vì hiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ kết nối giao thông với Khu trung tâm hiện hữu tại địa bàn quận Bình Thạnh và quận 1, chưa kết nối được với các quận 4, 7 và Khu đô thị Nam thành phố.
Cầu Thủ Thiêm 4 được kỳ vọng sẽ giúp Bất động sản khu Nam "cất cánh". Ảnh minh họa
Khi cầu Thủ Thiêm 4 hoàn thành cũng sẽ giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè (cầu Thủ Thiêm 1 - đường trục Bắc Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm - cầu Thủ Thiêm 4); đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Về cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (Nối Quận 1 và Quận 2)
Ông Nguyễn Thành Phong cũng gia hạn cho Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh được hoàn thành đề xuất dự án xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (nối quận 1 và 2) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) thêm 2 tháng, từ ngày UBND thành phố có ý kiến về lựa chọn phương án kiến trúc.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao hướng dẫn công ty này lập và trình ít nhất 3 phương án kiến trúc phù hợp so với nhiệm vụ thiết kế cầu đi bộ.
Với cầu đi bộ nối Quận 2 với Quận 1, người dân TP.HCM sẽ có thêm lựa chọn di chuyển qua lại giữa hai quận nội thành này
Về dự án Khu phức hợp thông minh (Eco Smart City Thủ Thiêm)
Về phương án kiến trúc của Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) tại Khu chức năng số 2a, ông Nguyễn Thành Phong thống nhất với ý kiến của Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố về hợp khối công trình tại lô 2-5 (từ hai khối thành một khối tháp), chiều cao tối đa 50-60 tầng, vẫn giữ nguyên diện tích sàn xây dựng trên mặt đất khoảng 120.000 m2.
Phối cảnh dự án Eco Smart City Thủ Thiêm
Khu phức hợp thông minh này gồm trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ dịch vụ... Được Thủ tướng cho phép, TP HCM đã chỉ định Liên danh 7 công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản làm chủ đầu tư dự án có số vốn khoảng 2,2 tỷ USD.
Trước đó vào tháng 4/2018, ông Lee Kwang Young - Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Lotte Asset Development (thuộc tập đoàn Lotte, Hàn Quốc) thống nhất tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM, về việc sẽ sớm triển khai dự án Eco Smart City Thủ Thiêm vào dịp 2/9 năm nay.
Theo đại diện Tập đoàn Lotte, Eco Smart City Thủ Thiêm là dự án quan trọng thuộc khu lõi trung tâm của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm nên phía chủ đầu tư sẽ quyết tâm triển khai dự án ngay sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan.
Tổng Giám đốc điều hành Lotte Asset Development - Lee Kwang Young cho biết hiện các nhóm làm việc dự án của Lotte đang hoàn thành đồ án quy hoạch tốt nhất cho dự án Eco Smart City Thủ Thiêm.
Tập đoàn Lotte sẽ giao cho 4 công ty con liên doanh đầu tư dự án này gồm: Công ty Lotte Asset Development (đầu tư và quản lý tài sản), Công ty Lotte Shopping (phát triển mảng bán lẻ gồm Diamond Plaza department store, Lotte Mart, Lotte.vn), Công ty Lotte Hotel (quản lý khách sạn), và Công ty Lotte Engineering and Construction (xây dựng).
Dự kiến, Eco Smart City Thủ Thiêm sẽ có tổng vốn đầu tư 20.100 tỉ đồng, được đầu tư xây dựng trên khu đất có tổng diện tích khoảng 7,45 ha; trong đó diện tích đất phát triển dự án khoảng 5,012 ha (tại 6 lô đất ký hiệu 2-1, 2-2, 2-3, 2-4, 2-5 và 2-6) để xây dựng các công trình thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 505.000 m2, bao gồm các tòa nhà với kiến trúc độc đáo sẽ là công trình điểm nhấn của Khu chức năng số 2a.
Thời gian để đầu tư xây dựng dự án là 72 tháng và khai thác trong thời gian 50 năm. Nguồn vốn này sẽ do nhà đầu tư thu xếp.
Quy hoạch các phân khu và các cây cầu tại khu đô thị Thủ Thiêm
Theo quy hoạch, sẽ có 5 cây cầu và một hầm chui nối các khu vực khác của thành phố với khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2). Hiện, cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn (nối quận 2 và quận 1) đã được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha, tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay) được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...
Sau hơn 20 năm Thủ tướng phê duyệt, dự án giải phóng được 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến trung ương trong suốt thời gian dài vì cho rằng nhà đất của họ không nằm trong ranh quy hoạch... Thanh tra Chính phủ dự kiến ngày 15/7 có kết luận về các vấn đề mà người dân khiếu kiện nhưng đến nay chưa công bố.
- Những ông lớn nào đứng sau các dự án "khủng" tại Thủ Thiêm?
- Khi nào khởi công dự án tỷ đô Eco Smart City Thủ Thiêm?
Từ khóa liên quan