Chương trình nhà ở xã hội TPHCM: Cần nhiều cơ chế đột phá
19/01/2019
Hiện tại, số lượng nhà ở xã hội vẫn còn thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu thực tế và cần có những đột phá mới để thay đổi tình trạng này.
Hiện tại, số lượng nhà ở xã hội vẫn còn thiếu hụt rất nhiều so với nhu cầu thực tế và cần có những đột phá mới để thay đổi tình trạng này.
TPHCM triển khai chương trình nhà ở xã hội nhiều năm qua, nhưng nguồn cung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Mới đây, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương dành 9 khu đất rộng hơn 60.000m2 để xây nhà ở xã hội.
Đây là lần đầu tiên thành phố bố trí quỹ đất cụ thể và lên kế hoạch đấu thầu chọn chủ đầu tư để xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để giải cơn khát nhà ở xã hội cho người dân vẫn cần nhiều hơn nữa các cơ chế đột phá.
Sử dụng hơn 60.000m2 đất công để xây nhà ở xã hội
Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho biết, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương dành 9 khu đất rộng hơn 60.000m2 để xây nhà ở xã hội. Và 9 khu đất này ở nhiều quận/huyện như: quận 4, 6, 9, 12, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi, đang do Nhà nước trực tiếp quản lý.
Hiện có 8 khu đất đã được UBND quận/huyện xác định chỉ tiêu quy hoạch làm cơ sở để đấu thầu chọn chủ đầu tư. Riêng khu đất rộng gần 12.000m2 tại P. Tân Thới Nhất (Quận 12) đã được xác định chỉ tiêu quy hoạch với khoảng 540 căn hộ.
Ông Trần Trọng Tuấn cho biết Sở Xây dựng đã kiến nghị với UBND TP.HCM trước mắt cho phép tổ chức đấu thầu mời gọi đầu tư để các nhà đầu tư đăng ký. Khu đất nào chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thì thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở. Nếu có hai nhà đầu tư trở lên đăng ký sẽ chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng về đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội của thành phố trong giai đoạn 2011-2020 cần khoảng 134.000 căn. Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng đã thực hiện khảo sát mẫu và theo đó có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, cán bộ công chức 10.000 hộ; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo 39.000 hộ; lao động trong khu công nghiệp 17.000 hộ; đa số trong các nhóm đối tượng đã lựa chọn phương thức mua nhà ở xã hội chiếm tỉ lệ từ 65% đến 94%.
Cũng theo báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, TP.HCM đã hoàn thành được 7.974 căn hộ nhà ở xã hội. Hiện nay, có 11 dự án nhà ở xã hội đang thi công xây dựng với quy mô là 10.191 căn hộ và có 6 dự án chuẩn bị khởi công với quy mô 2.216 căn hộ. Kế hoạch trong giai đoạn này TP.HCM sẽ triển khai xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội có quy mô gần 45.000 căn, trong đó phấn đấu hoàn thành 20.000 căn nhà ở xã hội.
Những dự án nhà ở thường gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn
Doanh nghiệp ngán ngẩm vì thiếu vốn hỗ trợ
Nhu cầu về nhà ở xã hội của thành phố được thống kê vào khoảng 80.000 căn, tuy nhiên nguồn cung của thành phố chỉ có thể đáp ứng được ¼.
Theo ông Tuấn, thực tế triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại TP.HCM có một số khó khăn. Cụ thể là nguồn vốn dài hạn hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án vay để xây dựng cũng như hỗ trợ các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay để mua nhà chưa ổn định.
Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí là không thực hiện được.
Đơn cử như trường hợp dự án nhà ở xã hội tại số 35 Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân). Từ một khu đất công được phê duyệt làm nhà ở xã hội, lẽ ra dự án đã hoàn tất rất nhanh, thế nhưng đến nay đã trễ tiến độ hơn một năm.
Đây là dự án do Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM làm chủ đầu tư. Ban đầu xây xong phần móng sau đó, tháng 5/2015, thành phố đồng ý cho liên kết với Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân để triển khai xây dựng hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, đến nay dự án đã 3 lần trễ hẹn, khách hàng khiếu nại liên miên, nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn.
Ông Đặng Thanh Thảo - Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân cho biết: khi bắt tay hợp tác làm dự án này thì gói tín dụng 30.000 tỉ đồng (hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp và người mua nhà) đang thực thi. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, gói tín dụng kết thúc, nên công ty rơi vào khó khăn, vì vốn phải tự xoay xở, kể cả vay thương mại, cũng không đảm bảo dự án chạy theo đúng tiến độ.
Chủ đầu tư rơi vào hoàn cảnh khó khăn, người mua cũng không khá hơn. Nhằm chia sẻ với khách hàng, chủ đầu tư phải bù lãi suất cho 156 khách hàng vay thương mại với lãi suất 10%/năm, để bảo đảm khách hàng vẫn vay theo lãi suất ưu đãi của nhà ở xã hội. Mặt khác, cũng tại dự án này, chủ đầu tư phải hỗ trợ tiền thuê nhà cho 300 trường hợp từ tháng 4 năm nay, với mức 2 triệu đồng/tháng/trường hợp. Thời điểm mới được ấn định giao nhà là cuối năm nay.
Được biết, cho đến nay Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân đầu tư xây dựng trên 20 dự án nhà ở xã hội tại 8 tỉnh/thành, nhưng chỉ có 1 dự án duy nhất tiếp cận được nguồn vốn 30.000 tỉ đồng là Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Plaza tại huyện Bình Chánh, đã giao nhà và cấp giấy chủ quyền cho khách hàng. Toàn bộ các dự án còn lại đều không tiếp cận được vốn ưu đãi của chương trình nhà ở xã hội, có dự án rơi vào cảnh chậm trễ, khốn đốn, bị khách hàng kiện tụng.
Cần có những bước đột phá về chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt các dự án nhà ở xã hội
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc mời gọi nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội trên các lô đất công chưa hấp dẫn. Bởi chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% số căn hộ để cho thuê, 60% số căn hộ bán theo giá do Nhà nước thẩm định, chủ đầu tư chỉ kinh doanh 20% số căn hộ và lợi nhuận định mức của dự án tối đa là 10%.
Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ tập trung bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để các doanh nghiệp vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, người dân vay vốn để tạo lập nhà ở.
Đồng thời, có hướng dẫn thực hiện chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay nhà ở xã hội (mức chênh lệch lãi suất được ngân sách cấp bù là 3%/năm áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020), nhiều người sẽ tiếp cận được nguồn vốn vay. Lúc đó, không chỉ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam mà các ngân hàng thương mại cùng tham gia cho vay, thông qua việc cấp bù phần chênh lệch lãi suất.
Theo TS Trương Huy Mai, với quy định hiện tại, doanh nghiệp bế tắc nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, người mua bị đủ thứ rào cản, xem như dòng chảy chương trình nhà ở xã hội chưa thông. Rõ ràng việc phát triển nhà ở xã hội chỉ trông chờ vào túi tiền ngân sách sẽ khó khăn nhiều bề, Chính phủ cần khai thông mạnh bằng cơ chế.
Khi có cơ chế tháo được rào cản, ắt hẳn sẽ có vốn cung cấp cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời người mua cũng dễ dàng được tiếp cận vốn vay mua nhà, lúc đó mới giải quyết được phần nào giấc mơ an cư cho người thu nhập thấp.
Theo Laodong.vn
Từ khóa liên quan