Những lưu ý trong hợp đồng cho thuê nhà mà bạn cần phải biết
05/06/2020
Hợp đồng cho thuê nhà là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của người cho thuê và người thuê. Vậy trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng, cần nên lưu ý điều gì?
Hợp đồng cho thuê nhà được xem là công cụ, là cơ sở để bảo vệ quyền lợi của người thuê nhà và cả bản thân người cho thuê. Chính vì thế, trước khi "bút sa gà chết", bạn cần nên lưu ý điều gì trong bản hợp đồng này?.
Hợp đồng cho thuê nhà thực chất là gì?
Hợp đồng cho thuê nhà được xem là một trường hợp cụ thể hợp đồng cho thuê tài sản. Là một thỏa thuận bằng văn bản và được pháp luật công nhận giữa bên thuê và bên cho thuê.
Theo đó, bên cho thuê có nghĩa vụ phải giao tài sản (nhà) cho bên thuê sử dụng trong thời gian cam kết trong hợp đồng. Ngược lại, bên thuê nhà phải trả cho bên cho thuê số tiền thuê tài sản theo đúng thỏa thuận.
Ngoài ra, hợp đồng cho thuê nhà còn là hợp đồng dân sự. Trong đó còn có nhiều điều khoản quy định quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên khi cho thuê nhà. Các điều khoản này có thể là thoả thuận riêng giữa bên thuê và bên cho thuê nhà nhưng phải dựa trên nền tảng các quy định của pháp luật.
Hợp đồng cho thuê nhà là căn cứ bảo vệ quyền lợi các bên nên cần phải hết sức lưu ý
Cần lưu ý gì trong hợp đồng cho thuê nhà?
1. Chú ý về thông tin cá nhân của bên thuê và bên cho thuê nhà:
Trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng cho thuê nhà, bạn cần chắc chắn rằng mình đã nắm chính xác toàn bộ các thông tin của bên đối tác. Nhất là với bên thuê nhà, điều này hết sức quan trọng, có thể giúp bạn tránh khỏi một vụ lừa đảo nhà đất không đáng có.
Đối với bên thuê nhà:
Bạn cần chắc chắn rằng người chuẩn bị ký hợp đồng với mình là chủ sở hữu thật sự của căn nhà. Nếu được ủy quyền thì cần phải có giấy tờ để chứng minh việc này.
Bởi lẽ, không hiếm gì các trường hợp người đi tìm thuê nhà gặp phải các đối tượng lừa đảo, mạo danh chủ nhà để ký hợp đồng và chiếm đoạt tiền thuê, tiền cọc của người thuê nhà.
Nhất là khi thuê nhà nguyên căn, thuê căn hộ chung cư thì bạn nên đòi hỏi chủ nhà cho mình xem các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu để tránh rủi ro.
Đối với bên cho thuê nhà:
Đối với bên cho thuê nhà, thì bạn cần tìm hiểu xem liệu người thuê nhà có đảm bảo đủ điều kiện thuê nhà theo quy định của pháp luật hiện hành hay không. Nhất là với các trường hợp người thuê nhà là khách nước ngoài.
2. Chú ý về tiền cọc và điều khoản đền bù:
Tiền cọc sẽ luôn là khoản tiền không thể thiếu khi cho thuê nhà và nó cũng cần được thể hiện rõ ràng, cụ thể trên hợp đồng cho thuê nhà. Thực tế, khoản tiền cọc đem lại nhiều lợi ích hơn đối với người cho thuê nhà. Giúp người cho thuê cảm thấy an tâm hơn, dự phòng cho các thiệt hại mà người thuê có thể gây ra.
Tiền cọc và các điều khoản đền bù liên quan là thứ bạn nên chú ý để tránh bị thiệt thòi
Khoản tiền cọc này nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của hai bên. Thông thường sẽ là một hoặc hai tháng tiền thuê nhà.
Ngoài ra, trong hợp đồng cho thuê nhà cần phải có điều khoản đền bù tiền cọc tùy theo thỏa thuận giữa hai bên mà bạn nên hết sức lưu ý. Đó có thể là điều khoản quy định một trong hai bên nếu kết thúc hợp đồng cho thuê nhà trước thời hạn sẽ phải đền bù tiền cọc cho bên còn lại...
3. Tiền thuê nhà và phương thức thanh toán:
Trong hợp đồng cho thuê nhà cần phải thể hiện chính xác số tiền thuê nhà thực tế hàng tháng là bao nhiêu. Và phương thanh toán của nó như thanh toán theo tháng, theo quý hoặc theo kỳ tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.
Bạn cũng nên lưu ý rằng theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ cho phép thanh toán tiền thuê nhà bằng tiền VND. Nếu một hợp đồng cho thuê nhà mà được thành toán bằng ngoại tệ thì xem như hợp đồng đó vô hiệu và pháp luật không công nhận và bảo vệ trường hợp này.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam chỉ công nhận các hợp đồng cho thuê nhà được thành toán bằng VND
Tuy nhiên, nếu như trong hợp đồng cho thuê nhà thể hiện số tiền thuê nhà là ngoại tệ nhưng đến khi thanh toán lại sử dụng tiền VND thì hợp đồng không bị xem là vô hiệu. Mà sẽ được cho thời gian để chỉnh sửa lại hợp đồng cho phù hợp.
4. Các khoản chi phí phát sinh ngoài tiền cho thuê nhà:
Có rất nhiều vụ tranh chấp giữa người thuê nhà và người cho thuê liên quan đến các chi phí phát sinh thêm ngoài tiền cho thuê nhà. Các chi phí này bao gồm phí quản lý chung cư, phí vệ sinh, phí bảo trì tiện ích căn hộ, phí bãi đỗ xe... Người thuê thì tưởng rằng tất cả các chi phí này đều gói gọn trong tiền thuê nhà nhưng người cho thuê thì không nghĩ vậy. Cứ thế mà tranh cãi nổ ra.
Chính vì thế, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng cho thuê nhà. Giữa hai bên cần đàm phán, thỏa thuận với nhau tiền cho thuê nhà là bao gồm những gì. Và người thuê sẽ phải tự bỏ thêm các chi phí nào. Các thỏa thuận này cũng cần phải được thể hiện rõ trong hợp đồng cho thuê nhà để tránh các tranh chấp sau này. Ngoài ra, đơn giá điện và nước tính như thế nào cũng cần phải chú ý kỹ.
5. Tình trạng nhà khi bàn giao và các quy định riêng:
Là một người cho thuê nhà, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu nhận lại nhà không còn được như trước. Với đồ nội thất thì hư hỏng, chất lượng nhà thì xuống cấp nặng nề. Tất nhiên là sẽ phải bắt bên thuê bồi thường. Nhưng lấy căn cứ ở đâu nếu trong hợp đồng cho thuê nhà ban đầu bạn không có biên bản bàn giao nhà và điều khoản đền bù?.
Đây cũng là lý do dễ gây tranh chấp nhất giữa người thuê và người cho thuê nhà. Chính vì thế, trước khi ký hợp đồng cho thuê nhà, người cho thuê nên tiến hành khảo sát và lập thành một biên bản bàn giao nhà đính kèm trong hợp đồng. Biên bản này cần có sự xác nhận của bên thuê để làm căn cứ bồi thường nếu phát sinh hư hỏng sau này.
Người cho thuê nhà nên có biên bản bàn giao nhà có xác nhận của người thuê, để tránh các tranh chấp có thể phát sinh
Ngoài ra, khi cho thuê nhà, một số người sẽ có các quy định riêng bắt buộc người thuê phải tuân theo. Chẳng hạn như không cho phép nuôi thú cưng trong nhà, hoặc không được tiến hành các hoạt động kinh doanh trên căn nhà đang thuê.
Các quy định riêng này cần phải được thỏa thuận rõ ràng giữa hai bên và thể hiện rõ trong hợp động cho thuê nhà.
Bạn vừa theo dõi bài viết: Những lưu ý trong hợp đồng cho thuê nhà mà bạn cần phải biết. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin hữu ích khác qua tài liệu Rever biên soạn dưới đây:
Có thể bạn quan tâm:
- Cho Thuê Nhà: Hướng dẫn mới nhất và chi tiết nhất từ REVER
- Hợp đồng thuê nhà có cần phải công chứng?
- Biên bản thanh lý hợp đồng thuê nhà và những điều cần lưu ý
- Lưu ý khi hủy hợp đồng thuê nhà trước hạn
- Trước khi ký hợp đồng mua bán nhà đất, cảnh giác những điều khoản "bẫy" này
Hoàng Triều
Từ khóa liên quan