Những dự án "khủng" tại TP.HCM đang tìm nhà đầu tư
18/02/2019
Dự án 164 Đồng Khởi; dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa; bán đấu giá 9 lô đất ở Thủ Thiêm... là 3 trong số những đại dự án tại TP.HCM đang tìm nhà đầu tư.
Dự án 164 Đồng Khởi; dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa; bán đấu giá 9 lô đất ở Thủ Thiêm... là 3 trong số những đại dự án tại TP.HCM đang tìm nhà đầu tư.
Mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của sở này.
Tại buổi làm việc, Lãnh đạo thành phố yêu cầu hệ thống hóa lại các dự án trọng điểm đang chậm tiến độ, trong năm 2019 phải tập trung mời gọi đầu tư một số dự án. Để đẩy nhanh tiến độ, ông giao Sở KH&ĐT thời gian tới phải trình kế hoạch kêu gọi đầu tư để đầu tháng 3 tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và đầu tư nhanh chóng xây dựng phương án kêu gọi đầu tư mới cho một số dự án trọng điểm tại khu vực trung tâm, như dự án 164 Đồng Khởi; dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa; bán đấu giá 9 lô đất ở Thủ Thiêm...
Theo tìm hiểu, dự án tại khu đất vàng 164 Đồng Khởi rộng gần 9.800 m2, giáp các đường Nguyễn Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng và Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Khu đất này từng được dự kiến xây khu thương mại, dịch vụ, văn hóa như văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, khu trưng bày triển lãm (không có chức năng căn hộ kinh doanh).
Tổng vốn đầu tư được xác định lúc đó là gần 7.170 tỉ đồng, gồm hơn 3.400 tỉ đồng đầu tư xây dựng công trình và gần 3.800 tỉ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời. Theo tính toán, nếu đấu thầu chọn nhà đầu tư khu đất này thì sau khi trừ chi phí bồi thường, thu hồi đất, ngân sách TP.HCM sẽ thu về 1.600 tỉ đồng.
Dự án tại khu đất vàng 164 Đồng Khởi rộng gần 9.800m2 đang tìm nhà đầu tư
Trước đó, từ năm 2009, “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi đã thu hút gần 70 nhà đầu tư xin tham gia. Sau đó, tháng 7.2013, UBND TP đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư với việc chỉ định Hongkong Land và Sumitomo & Development thực hiện dự án này. Sau bốn năm đeo đuổi, giữa năm 2015, nhà đầu tư này rút khỏi dự án. Tuy nhiên, vào năm 2015 liên danh nhà đầu tư này cũng đã xin rút khỏi dự án, do vướng mắc trong các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có quy mô sử dụng đất 426 ha được quy hoạch xây dựng thành công trình với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000 - 50.000 người.
Tổng mức đầu tư ban đầu cho 2 hạng mục của dự án ước tính 29.900 tỷ đồng ( 1,35 tỷ USD ), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn tổng mức đầu tư với ước tính 22.700 tỷ đồng , chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 7.200 tỷ đồng (chưa tính đến toàn bộ tiền đầu tư xây dựng khu đô thị) và dự kiến hoàn thành vào năm 2032.
Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền TP.HCM đã thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa sẽ thay đổi diện mạo trong thời gian tới?
Sau đó, Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Hiện chỉ còn lại tập đoàn Bitexco "ôm" dự án này và thành phố có văn bản xin ý kiến Thủ tướng. Mới đây, TP.HCM cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương an tổ chức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư mới. Theo tìm hiểu, hiện nay cũng đã có gần 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ năng lực và văn bản xin tham gia đấu thầu đầu tư vào dự án này.
Trước đó, UBND TP.HCM đã cho phép đấu giá 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 Khu đô thị Thủ Thiêm. Đây là khu vực được quy hoạch thành trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng.
Các khu đất này có diện tích 78.000 m2, là đất sạch nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông kết nối. Trong đó, 6 lô được quy hoạch là khu dân cư đa chức năng, 3 lô là khu thương mại đa chức năng với tổng mức đầu tư là 27.000 tỷ đồng .
Tại một cuộc họp gần đây, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, chia sẻ dư luận phải hiểu đúng về đấu giá đất công, không phải Nhà nước gom đất lại rồi đi bán đứt cho nhà đầu tư. Đấu giá đất phải đúng quy trình xét duyệt năng lực nhà đầu tư, buộc họ thực hiện đúng quy hoạch đã phê duyệt cho khu đất này.
Ngoài ra, nhà đầu tư trúng đấu giá cũng phải đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, chứ không phải nhận đất rồi để đó làm "xấu mặt thành phố".
Theo CafeF.vn
Từ khóa liên quan