TP.HCM: Nhà ở nằm trong khu quy hoạch không được xây quá 3 tầng
24/06/2017
UBND TP.HCM vừa ban hành quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố.
UBND TP.HCM vừa ban hành quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, công trình hoặc nhà ở riêng lẻ hiện hữu của tổ chức, cá nhân thuộc khu vực có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất, thì được xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo và xây dựng theo đúng mục đích sử dụng đất trước đó.
Quy mô công trình, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phải hài hòa với kiến trúc, cảnh quan khu vực nhưng không vượt quá 3 tầng. Trường hợp hiện trạng công trình, nhà ở riêng lẻ đã có tầng hầm thì được xét cấp phép xây dựng, cải tạo gia cố lại tầng hầm nhưng không gây sạt lở, ảnh hưởng đối với công trình lân cận.
Đối với nhà ở riêng lẻ nằm trong phần đất dành cho đường giao thông thì được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc xây dựng lại với quy mô không quá 3 tầng.
Nhà ở và công trình nằm trong khu quy hoạch được xây không quá 3 tầng
Đối với nhà ở riêng lẻ nằm trong khu vực đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư mà hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng và sử dụng ổn định trước ngày 1/7/2006, không có tranh chấp, khiếu nại, được UBND phường-xã, thị trấn thẩm tra, xác nhận, thì được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc xây dựng lại với quy mô không quá 3 tầng nếu nhà ở đó đã tồn tại trước thời điểm đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được duyệt, công bố.
Trường hợp nhà ở xây dựng sau ngày đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được duyệt và công bố thì chỉ được phép sửa chữa, cải tạo nhưng không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, an toàn của căn nhà và không thay đổi công năng sử dụng.
Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ nằm trong khu vực quy hoạch thực hiện các dự án đường sắt đô thị thì không được phép xây dựng mà chỉ được sửa chữa, cải tạo gia cố lại theo hiện trạng và không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, an toàn của căn nhà cũng như không thay đổi công năng sử dụng trong trường hợp ranh hướng tuyến và hành lang an toàn đường sắt được duyệt, công bố và đã xác định mốc giới ngoài thực địa.
Trường hợp ranh hướng tuyến và hành lang an toàn đường sắt được duyệt, công bố nhưng chưa xác định mốc giới ngoài thực địa thì được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc xây dựng lại với quy mô không quá 3 tầng.
Đối với công trình, nhà ở nằm trong khu vực hành lang bảo vệ cầu thì không được phép xây dựng mới làm tăng quy mô diện tích, kết cấu công trình mà chỉ được phép sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực và an toàn công trình.
Danh sách 12 loại giấy tờ đủ điều kiện để xin cấp phép xây dựng
Kể từ ngày 25/6/2017, các cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức nếu muốn xin cấp phép xây dựng cần có 1 trong 12 loại giấy được liệt kê dưới đây.
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo quy định của Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001, Luật Đất đai năm 2003.
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của Luật đất đai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12.
3. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở. Xem thêm: Hướng dẫn làm sổ đỏ cho nhà đất mua bán viết tay.
4. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định; các giấy chứng nhận khác về quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng qua các thời kỳ.
5. Các loại giấy tờ đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận.
Với nghị định này, nhiều loại giấy tờ được chấp thuận đủ điều kiện xin cấp phép xây dựng
6. Giấy tờ về đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ sau ngày 1/7/2004 nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, gồm: Quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hợp đồng thuê đất kèm theo (nếu có) hoặc giấy tờ về trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Báo cáo rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra và quyết định xử lý theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.
8. Giấy tờ về việc xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng để thực hiện xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hoặc di dời các công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013.
9. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với công trình xây dựng biển quảng cáo, trạm viễn thông, cột ăng-ten tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
10. Hợp đồng thuê đất được giao kết giữa chủ đầu tư xây dựng công trình và người quản lý, sử dụng công trình giao thông hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đối với công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho giao thông theo quy định của pháp luật.
11. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất đã có giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định tại 1, 2, 3, 4 và 5 nêu trên nhưng đề nghị được cấp giấy phép xây dựng sử dụng vào mục đích khác với mục đích sử dụng đất đã được ghi trên giấy tờ đó.
12. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đề nghị của cơ quan cấp giấy phép xây dựng để xác định diện tích các loại đất đối với trường hợp người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định tại 1, 2, 3, 4 và 5 nêu trên nhưng trên các giấy tờ đó không ghi rõ diện tích các loại đất để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng. Đọc ngay: Cách phân biệt Sổ hồng và sổ đỏ.
Lưu ý: Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/6/2017. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đã được nộp trước ngày 25/6/2017 nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư cập nhật giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định tại Nghị định này để được cấp giấy phép xây dựng.
Để biết thêm thông tin về các thủ tục, giấy tờ liên quan đến lĩnh vực Nhà Đất, bạn đọc có thể xem thêm tại chuyên mụcRever Guide Tại Đây. Ngoài ra, Rever cũng cung cấp đến bạn Tài liệu Cẩm Nang Mua Bán Nhà qua đường dẫn tải về dưới đây.
Thế An (TH)
Từ khóa liên quan