Rever và cuộc chơi liều lĩnh trên thị trường bất động sản
29/03/2017
Đặt cược vào công nghệ để tìm chỗ đứng trong lĩnh vực môi giới BĐS truyền thống, với Rever, ông Phan Lê Mạnh tự nhận mình đang đi trên con đường đầy chông gai.
Đặt cược vào công nghệ để tìm chỗ đứng trong lĩnh vực môi giới bất động sản truyền thống, với Rever, ông Phan Lê Mạnh tự nhận mình đang đi trên con đường đầy chông gai. Thế nhưng tầm nhìn của người từng dẫn dắt nhiều dự án then chốt của VNG đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của doanh nghiệp mới 8 tháng tuổi này.
- Những điều bạn chưa biết về công nghệ 3D của Rever
- Phố Xinh và 3D Rever ra mắt showroom thực tế ảo
- Bằng cách nào Rever giúp bạn mua bán bất động sản hiệu quả hơn?
- Khách hàng trải nghiệm mua bán nhà bằng thực tế ảo trên Rever
- Start-up Việt số hóa BĐS: Chỉ vài click chuột là xem được ngay, mua được luôn
Môi giới bằng công nghệ 3D
Theo thống kê đến hết tháng 12.2016 của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, tồn kho bất động sản trên toàn quốc còn khoảng hơn 31.000 tỉ đồng, giá trị thị trường môi giới ước tính hơn 9.000 tỉ đồng. Một con số rất hấp dẫn nên dù website dẫn đầu về lĩnh vực bất động sản trực tuyến là batdongsan.com được Guru Property (Singapore) đầu tư, thị trường vẫn chứng kiến các doanh nghiệp mới tham gia như Rever, Homedy...
Ông Phan Lê Mạnh - Sáng lập Rever
Rever được biết đến như là một trong các công ty tiên phong ứng dụng công nghệ 3D trong việc giới thiệu các sản phẩm nhà ở. Là người sáng lập Rever, ông Mạnh tin rằng những người trẻ tuổi sẽ là những khách hàng mua nhà trong tương lai, đây là nhóm tiếp cận công nghệ từ rất sớm nên cách họ mua nhà sẽ khác rất biệt so với các thế hệ trước: thích tìm thông tin sản phẩm trên internet và rất “lười” di chuyển. Với công nghệ 3D, khách hàng sẽ xem được phối cảnh thực tế của nhiều dự án mà không phải đến tận nơi, từ đó rút ngắn thời gian mua nhà. “Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong hành trình số hóa Rever”, ông Mạnh cho biết.
Rever hiện có văn phòng ở quận 2 và đây là nơi đóng vai trò tiếp nhận thông tin về khách hàng, cả sơ cấp lẫn thứ cấp. Các thông tin này sẽ được đưa vào hệ thống, phân tích để đưa ra thang điểm khách hàng từ “tiềm năng” đến “sẵn sàng”. Phòng kinh doanh sẽ dựa trên các báo cáo từ hệ thống để chốt đơn hàng với tỉ lệ sẽ cao hơn và tiết kiệm thời gian hơn.
Cao hơn là tầng giám sát của các cấp quản lý. Nhóm này sẽ nắm rõ được thông tin từ lúc khách hàng xuất hiện, nhân viên đảm trách cho đến lúc đơn hàng được chốt hoặc từ chối với lý do cụ thể. Ông Mạnh tin rằng với cách quản lý bằng hệ thống, Công ty sẽ giảm được 5% doanh thu thất thoát, so với con số 30% của mô hình truyền thống và quan trọng hơn nó là công cụ đắc lực cho đội ngũ bán hàng chứ không cạnh tranh với họ.
“Nhiều người hỏi tôi khi thị trường bất động sản bão hòa, thì Rever sẽ như thế nào? Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đi trước Việt Nam 20 năm nhưng thị trường bất động sản vẫn rất nhộn nhịp nên Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa. Còn nếu thị trường bão hòa trong 5 năm tới, bất động sản sẽ chuyển sang cho thuê thì Rever vẫn có đất diễn”, ông Mạnh cười và nói.
Tìm màu xanh trong đại dương đỏ
Trên thế giới từng ghi nhận sự tăng trưởng chóng mặt của hai mô hình môi giới bất động sản ứng dụng công nghệ là Redfin (Mỹ) và HomeLink (Trung Quốc). Tính đến nay, Redfin đã gọi được hơn 170 triệu USD đầu tư, còn HomeLink đang tiếp tục gọi thêm 1 tỉ USD đầu tư trong vòng tiếp theo để trở thành “công ty kỳ lân” (thuật ngữ chỉ các công ty khởi nghiệp bằng công nghệ được định giá hơn 1 tỉ USD) thứ 6 ở Trung Quốc.
Có thể thấy, thị trường bất động sản Trung Quốc khá gần gũi với Việt Nam, khi nhà cửa vẫn là tài sản quan trọng nên việc lựa chọn, giao dịch phần lớn thường tuân theo cách truyền thống. Chính vì thế, câu chuyện HomeLink được ông Mạnh nhìn nhận là có thể ứng dụng rất nhiều vào Rever.
Thành lập vào năm 2001, sau gần 15 năm, HomeLink có 5.000 điểm giao dịch tại 24 thành phố ở Trung Quốc. Homelink đang nắm trong tay 56 triệu thông tin về bất động sản đang cần giao dịch, nhóm này dự đoán sẽ đem về ít nhất 154 tỉ USD doanh thu cho Công ty trong năm 2017, tăng hơn 69% so với năm ngoái.
Mặt khác, việc sở hữu lượng lớn thông tin giao dịch cũng giúp HomeLink kiếm thêm một khoản không nhỏ từ việc cho vay mua nhà. Tính đến cuối tháng 2.2016, đơn vị này đã cho vay hơn 40 triệu USD.
Tương tự, Rever được định hướng sẽ xây mạng lưới điểm giao dịch như HomeLink, trước mắt là ở quận 2. Ông Mạnh cho biết, giữa năm nay, sẽ mở thêm 6 điểm giao dịch ở khu vực này, nhằm đạt mục tiêu chiếm 30% khối lượng giao dịch trên toàn quận 2. Sau đó, Rever sẽ tiến quân sang quận 4 và quận 7. “Mô hình chúng tôi theo đuổi thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phân tích dữ liệu, mà muốn dữ liệu được phân tích đúng thì đầu vào phải chính xác. Đó là lý do Rever phải có mạng lưới điểm giao dịch riêng”, ông Mạnh nói.
Nhưng yếu tố này cũng có thể gây rủi ro cho Rever vì chi phí quá cao. Công ty phải đầu tư mặt bằng, hệ thống phân tích và đội ngũ phát triển sản phẩm trong khi cùng nhận một mức hoa hồng như bao sàn giao dịch bất động sản khác, 3-5% cho một giao dịch thành công. Bản thân ông Mạnh cũng thừa nhận Rever chưa thể có lợi nhuận trong 2-3 năm tới.
Mặc dù vậy, Rever vẫn có sức hút riêng khi tiên phong ứng dụng công nghệ vào môi giới bất động sản. Dưới định hướng của ông Mạnh, Công ty đã thu hút được các thành viên chủ chốt là nhân sự cấp cao của Zalo, IPC Technology, SacomReal… Từ vài nhân sự ban đầu, tổng số nhân viên của Rever đã nâng lên con số 80. “Rever có thể thành hoặc bại trong vài năm tới, không ai biết trước được. Nhưng muốn trở thành một doanh nghiệp bền vững trong một thị trường đã được định hình từ trước, chúng tôi phải khác biệt”, ông Mạnh nhận định.
Theo Nhipcaudautu.vn
Từ khóa liên quan