Những công trình giao thông lớn tại Khu Đông và khu Nam sắp được khởi công
05/02/2020
Một loạt dự án sẽ khởi công trong quý một nhằm giúp người dân không bị kẹt xe trầm trọng tại những điểm "nóng" ở quận 2, 7, 9, Gò Vấp, Bình Tân...
Một loạt dự án sẽ khởi công trong quý một nhằm giúp người dân không bị kẹt xe trầm trọng tại những điểm "nóng" ở quận 2, 7, 9, Gò Vấp, Bình Tân...
Nút giao thông Mỹ Thuỷ (giai đoạn 2)
Tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (vốn xây lắp gần 1.100 tỷ, còn lại là tiền bồi thường giải toả mặt bằng), công trình được kỳ vọng giải quyết tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở khu vực ra vào cảng Cát Lái, quận 2.
Dự án gồm xây dựng cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2) dài 124 m và có 6 làn xe; cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ dài 725 m (2 làn xe); cầu Kỳ Hà 4 trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái dài 75 m (4 làn xe).
Cầu Mỹ Thủy 3 sẽ thi công trước, các hạng mục còn lại tùy thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng ở quận 2.
Trước đó, nút giao thông Mỹ Thủy đã hoàn thành giai đoạn một với tổng mức đầu tư gần 840 tỷ đồng với các hạng mục: cầu Kỳ Hà 3 dài 75 m (4 làn xe); hầm chui rẽ trái từ đường vành đai 2 đi cảng Cát Lái dài 505 m (2 làn xe), cầu vượt trên đường vành đai 2 (4 làn xe).
Ghi nhận của lực lượng chức năng cho thấy, công trình ùn tắc ở cửa ngõ Cát Lái đã được kéo giảm. Hiện hai hạng mục còn lại, gồm nhánh đường bờ tả rạch Mỹ Thủy và nhánh đường bờ hữu rạch Mỹ Thủy, vẫn thi công vì mặt bằng giao trễ.
Phối cảnh nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 2.
Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (giai đoạn một)
Hầm chui HC1 và HC2 (thuộc dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7) có tổng vốn hơn 830 tỷ đồng nhằm giải quyết ùn tắc ở điểm "đen" kẹt xe nhất quận 7 hiện nay. Công trình bao gồm một đảo tròn trung tâm (đường kính 60 m), hai hầm chui cùng các nhánh.
Hai hầm chui dài 480 m (bao gồm đường dẫn 2 đầu hầm và hầm kín), rộng gần 14 m, tĩnh không thông xe 4,75 m . Trong đó, hầm kín chui dưới giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 80 m; hầm hở phía khu chế xuất Tân Thuận và phía quốc lộ 1A dài khoảng 200 m.
Hầm chui được thiết kế cho 3 làn xe lưu thông với tốc độ 60 km/h và chịu được động đất cấp 7. Bên cạnh đó, dự án sẽ lắp đặt hệ thống thoát nước, hệ thống PCCC trong hầm kín, hệ thống chiếu sáng...
Giai đoạn hai của dự án sẽ đầu tư hoàn chỉnh nút giao với hai cầu vượt, hai hầm chui với kinh phí khoảng 1.780 tỷ đồng (780 tỷ đồng cho xây dựng, còn lại là tiền giải phóng mặt bằng). Toàn bộ công trình được kỳ vọng giải quyết tình trạng kẹt xe tại cửa ngõ phía Nam thành phố.
Phối cảnh hai hầm chui ở ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: TCIP.
Cầu vượt và hầm chui trước Bến xe Miền Đông mới
Dự án gồm cầu vượt đi qua tuyến chính quốc lộ 1 (dành cho các dòng xe từ hướng Đồng Nai vào bến xe), một cầu vượt khác cho các xe từ bến rẽ trái quay đầu về trung tâm TP HCM và Bình Dương. Ngoài ra còn có 2 đường chui cho xe máy đi thẳng về Đồng Nai và trung tâm Sài Gòn, một cầu bộ hành bắc qua xa lộ Hà Nội (gần vị trí ga metro Bến xe miền Đông) để hành khách từ ga metro đi vào bến xe.
Ở giai đoạn một thành phố sẽ xây cầu vượt số 3, cầu bộ hành và đường chui nhánh phải (thuộc dự án cầu vượt trước bến xe Miền Đông mới ở quận 9 và thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có tổng mức đầu tư gần 440 tỷ đồng nhằm kết nối giao thông khi bến xe này đi vào hoạt động.
Phối cảnh cầu vượt trên xa lộ Hà Nội vào Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: TCIP.
Xây hạ tầng cho 9 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm
9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, có tổng diện tích hơn 77.600 m2, diện tích sàn xây dựng 632.500 m2, hiện đã bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó, 6 lô được quy hoạch làm khu dân cư đa chức năng, 3 lô làm khu thương mại đa chức năng.
Thành phố tạm ứng từ ngân sách 603 tỷ đồng để làm hạ tầng kỹ thuật cho 9 lô đất, nhằm nâng cao giá trị sử dụng khi đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư của toàn dự án (bao gồm chi phí xây dựng các công trình trên 9 lô đất, chi phí hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối, tiền sử dụng đất) tạm tính khoảng 27.303 tỷ đồng.
Danh sách các nhà đầu tư đủ năng lực để tham gia đấu giá phải được UBND TP HCM phê duyệt. Họ phải nộp khoản tiền đặt trước tương đương 20% giá khởi điểm của 9 lô đất.
Ngoài 4 dự án lớn trên, trong quý một thành phố cũng khởi công nhiều công trình khác để kéo giảm ùn tắc ở đường Lê Văn Quới nối dài (đoạn từ Mã Lò ra Quốc lộ 1A, quận Bình Tân) với số tiền hơn 850 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo đường và Kênh Nước Đen (giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương), quận Bình Tân, với tổng mức đầu tư gần 630 tỷ đồng; xây mới cầu Hang Ngoài - hơn 400 tỷ đồng; mở rộng đường Dương Quảng Hàm - hơn 380 tỷ đồng để kéo giảm ùn tắc ở khu vực quận Gò Vấp...
Theo VnExpress
Từ khóa liên quan