"Năm 2018, lợi nhuận đầu tư BĐS đạt trên dưới 20%/năm"
20/11/2017
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, năm 2018, mức lợi nhuận cho nhà đầu tư sẽ trở nên hợp lý hơn.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, diễn biến thị trường bất động sản (BĐS) 2017 cho thấy cung – cầu tương đối cân bằng, thị trường đã là “cuộc chơi” của những nhà đầu tư chuyện nghiệp. Năm 2018, mức lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng sẽ trở nên hợp lý hơn.
Thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong 9 tháng qua. Quan sát động thái của các nhà đầu tư, nhất là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, ông nhận định như thế nào về diễn biến tiếp theo của thị trường trong những tháng còn lại của năm 2017 và 2018?
Thị trường BĐS từ đầu năm 2017 có bước tăng trưởng ổn định. Các nhà đầu tư đã không còn bị cuốn vào những cơn “sốt nóng” hay mất thanh khoản như một số năm trước đây.
Lượng vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp thông qua các hình thức liên doanh, mua lại cổ phần dự án... đều tăng mạnh. Trong đó, số tiền các nhà đầu tư bỏ ra để mua lại các dự án lên đến hàng trăm triệu USD. Thực tế này cho thấy, thị trường Việt Nam rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Năm 2018, thị trường sẽ tăng trưởng mạnh hơn khi nhiều dự án lớn sẽ được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Trong từng phân khúc cụ thể, vẫn có những lo ngại về việc thị trường dư thừa nguồn cung với phân khúc đất nền, nhà chung cư hay bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Những ai theo dõi thị trường có thể nhận thấy, trong khoảng 3 năm trở lại đây tồn kho BĐS ở tất cả các phân khúc đều giảm liên tục. Lượng BĐS tồn kho trên cả nước hiện nay còn khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, giảm gần 80% so với thời điểm Quý I/2013 (hơn 101.000 tỷ đồng).
Trong bối cảnh các dự án mới tiếp tục được tung ra thì lượng tồn kho BĐS đã giảm gần 80% so với thời điểm đầu năm 2013. Điều này chứng tỏ sức cầu của thị trường vẫn rất mạnh mẽ. Diễn biến trong từng phân khúc cụ thể có sự khác nhau nhưng những dự án BĐS có thể “ở được” đều đã được đưa vào sử dụng. Chỉ có một số ít dự án không có hạ tầng tối thiểu, định vị nhầm phân khúc khách hàng hoặc quy hoạch tại vị trí không phù hợp mới tiếp tục tồn kho.
Riêng với BĐS du lịch nghỉ dưỡng – phân khúc có sự bứt phá mạnh mẽ từ năm 2015 đến nay, có thể khẳng định rằng, nguồn cung hiện còn ít, còn thiếu, chứ không phải thừa, nhất là ở phân khúc cao cấp. Với định hướng chiến lược của Bộ Chính trị và Chính phủ về việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực tế tăng trưởng về lượng khách du lịch lên đến trên 30% như hiện nay thì tiềm năng, dư địa cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng còn rất lớn.
Vấn đề là các nhà đầu tư cần phải biết lựa chọn đúng địa điểm, phân khúc đầu tư và đầu tư một cách chuyên nghiệp, bài bản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện hành lang pháp lý cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng để chính sách kịp thời bám sát và có những điều chỉnh tích cực cho thị trường.
Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã chính thức cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng sau hơn 2 năm Luật có hiệu lực, số người nước ngoài chính thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn khiêm tốn. Vậy có cách nào để tăng tỷ lệ này không, thưa ông?
Sau gần 2 năm thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014, mới chỉ có gần 1.000 người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây là con số quá ít. Nguyên nhân là do dường như chúng ta “chưa muốn” tăng tỷ lệ này lên.
Năm 2018, mức lợi nhuận cho nhà đầu tư BĐS sẽ trở nên hợp lý hơn. Ảnh: Reatimes.vn
Chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn “làm khó” cho người có nhu cầu khi vẫn rất thiếu và chưa đồng bộ. Nếu như có đủ quyết tâm cải cách một số thủ tục hành chính cơ bản trong việc chứng nhận giao dịch, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, về lưu trú, visa... thì chúng ta có thể tăng tỷ lệ này mà không gặp khó khăn gì từ phía thị trường.
Hiện nay, giá nhà ở đang có xu hướng giảm xuống để phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của những người có thu nhập trung bình và thấp. Theo ông, các nhà đầu tư BĐS cần lưu ý điều gì khi bỏ tiền đầu tư vào phân khúc này?
TP. Hà Nội, Tp.HCM đã có một số dự án nhà ở thương mại giá rẻ đáp ứng nhu cầu khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Việc này cũng góp phần kéo giá nhà ở trung bình xuống mức phù hợp hơn. Song, số lượng dự án nhà ở loại này còn quá ít trong khi nhu cầu lại rất lớn. Nếu nhà đầu tư có quỹ đất sạch với mức giá đất hợp lý, việc đầu tư vào nhà ở giá rẻ là hướng đầu tư nhiều triển vọng, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho các thành phố lớn.
Ông có dự báo gì về triển vọng khi đầu tư vào BĐS năm 2018?
Năm 2018, giá BĐS có thể sẽ tăng vì lúc đó hàng tồn kho cơ bản hết. Nếu làm dự án mới, doanh nghiệp phải làm từ đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường ngày một cạnh tranh theo hướng minh bạch hơn, lợi nhuận của các nhà phát triển BĐS sẽ ở mức hợp lý, khoảng trên dưới 20%/năm.
Bạn đang theo dõi bài viết "Năm 2018, lợi nhuận đầu tư BĐS đạt trên dưới 20%/năm" trong chuyên mục Phân tích Rever. Để kết thúc cho bài viết này, Rever gửi đến bạn tài liệu Cẩm nang mua bán nhà qua đường dẫn dưới đây:
Có thể bạn quan tâm:
- Có nên đầu tư vào căn hộ Officetel? Xem phân tích chi tiết từ Rever
- 4 bước xác định uy tín chủ đầu tư
- Vì sao giới đầu tư địa ốc đổ tiền vào căn hộ chung cư?
Theo Báo Đầu Tư
Từ khóa liên quan