3 cách nhận diện chủ đầu tư dự án BĐS không uy tín
04/01/2023
Việc nhận diện những chủ đầu tư uy tín hay những dự án căn hộ có vấn đề là hết sức cần thiết đối với mỗi người mua nhà, nhất là những người mua nhà lần đầu.
Bên cạnh những chủ đầu tư uy tín, trên thị trường nhà đất TP.HCM vẫn còn đâu đó những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo do chạy theo lợi nhuận. Do đó, việc nhận diện chủ đầu tư hay dự án căn hộ có vấn đề là hết sức cần thiết đối với những người mua nhà.
Để nhận diện một số dự án mà chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo có thể thông qua một số biểu hiện sau:
Dấu hiệu thứ nhất: Tự xưng danh chủ đầu tư
Dấu hiệu lừa đảo thứ nhất thể hiện rõ “danh không chính, ngôn không thuận” về tư cách chủ đầu tư. Dự án nhà ở đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý của cơ quan nhà nước về đất đai, phê duyệt dự án, quy hoạch, xây dựng và những điều kiện trước khi đưa ra giao dịch tại thị trường.
Khi mua căn hộ dự án nhà ở trong tương lai, người mua cần chú ý kỹ thông tin chủ đầu tư dự án. Ảnh minh họa
Những dự án có vấn đề thường là không phải “chính chủ”, họ xưng danh chủ đầu tư của dự án nhưng thực tế dự án chưa có, đất vẫn thuộc của người khác, thậm chí là dự án ma. Cũng có trường hợp họ ký hợp đồng môi giới với chủ đầu tư, chủ đất nhưng sau đó lại xưng danh là chủ đầu tư trong các thông tin giới thiệu dự án, trong các văn bản ký kết, nhận tiền của người mua.
Người mua trước khi giao dịch cần kiểm tra thông tin bên bán về tên công ty, địa chỉ, số vốn điều lệ,… và cả những dự án khác của họ để kiểm chứng những thông tin của người đứng tên bên bán hàng.
Dấu hiệu thứ hai: Thông tin dự án thiếu và mập mờ
Thường các dự án có biểu hiện lạ là không có bất kỳ văn bản pháp lý nào về dự án, hoặc có "đầu nhưng không có đuôi". Những dự án này, các môi giới có thể dẫn người mua xem thực địa nhưng đến người dân ngay cạnh dự án, chính quyền địa phương cũng không biết dự án gì, chủ đầu tư là ai.
Việc thi công mang tính cấp tốc để trình diễn cho người mua tin tưởng xuống tiền. Thông tin ngay tại dự án như bảng thông tin dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công… không có hoặc mập mờ.
Có một cách phổ biến có thể áp dụng là tìm ngay cả những môi giới của dự án ngay bên cạnh để so sánh, kiểm chứng thông tin lịch sử của chủ đầu tư và dự án. Những dự án gần nhau thường là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp nên dễ hỏi và dễ được nghe nhiều những lời ngược chiều, trong đó cũng không ít những lời nói thật “tâm gan” của những môi giới khác.
Dấu hiệu thứ ba: Cách thức bán hàng vòng vèo
Các dự án có những dấu hiệu sử dụng cách thức bán hàng rất bất bình thường từ nhân viên môi giới, đến thông tin đưa ra, khiến cho người mua rối tâm, mất cảnh giác, thúc giục…, cho đến sử dụng chim mồi, nêu danh người thành công, hô hào khẩu hiệu theo kiểu kích động… không đi vào bản chất của vấn đề: chủ thể bên bán - dự án - rủi ro giao dịch. Họ luôn xoay quanh "bao vây" một cách vội vã thúc giục ký hợp đồng, đóng tiền và không cho người mua có thời gian tìm hiểu thông tin thêm, hoặc có cơ hội gọi điện cho người thân để hỏi tham vấn.
Những đề nghị cung cấp văn bản pháp lý dự án của người mua đều được hứa hẹn theo kiểu cứ ký hợp đồng, đóng tiền xong sẽ cung cấp đầy đủ cho khách hàng, còn giờ không thể cung cấp vì đang để lưu giữ ở công ty, thông tin đó là bí mật…, để rồi sau đó bên bán trở mặt nói thẳng không cung cấp hoặc lẩn trốn bằng cách lấy lý do chờ cấp trên quyết định.
Hậu quả của những trường hợp trên là người mua bị mất trắng hết tiền đã đóng, nhà không bao giờ được nhận. Ngoài ra, họ còn phải chịu những tổn thất, hệ lụy ảnh hưởng đến gia đình khi số tiền đang vay ngân hàng vẫn phải trả tiền lãi hàng tháng, con nhỏ thiếu sự đầu tư trong việc học hành, suy nhược tinh thần, ốm đau bệnh tật… không thể cân đong đo đếm được.
Để tránh mua phải những dự án không tốt, người mua nên lưu ý kỹ thông tin chủ đầu tư của dự án. Ảnh minh họa
Để tránh rơi vào những dự án kiểu này, người mua nhà nên chọn những dự án có đủ điều kiện giao dịch theo thông báo của Sở Xây dựng tại địa phương, sau khi ký hợp đồng mua bán thì yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp văn bản bảo lãnh của ngân hàng. Trường hợp chủ đầu tư không cung cấp được thì có thể khởi kiện để buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ về bảo đảm nghĩa vụ giao nhà của mình.
Bạn đang theo dõi bài viết Cách nhận diện những chủ đầu tư không uy tín trong chuyên mục Hướng dẫn trên Rever. Một trong những cách tìm hiểu pháp lý và khả năng tài chính của chủ đầu tư nhanh nhất có thể truy vấn là xem các dự án của họ có được các ngân hàng lớn liên kết và bảo lãnh tiến độ không.
Có thể bạn quan tâm:
- 9 lưu ý không thể bỏ qua khi vay tiền mua nhà
- Những điều ngân hàng muốn biết về bạn khi làm hồ sơ vay vốn
- Những lưu ý khi làm hồ sơ vay vốn ngân hàng
- Kinh nghiệm mua nhà trong 8 bước
Thế An (TH)
Từ khóa liên quan