Những tình huống liên quan đến vấn đề lập di chúc thừa kế nhà đất
26/12/2018
Lập di chúc thừa kế nhà đất – Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gây nên nhiều tranh chấp.
Lập di chúc thừa kế nhà đất – Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gây nên nhiều tranh chấp.
Hiện nay, vấn đề lập di chúc thừa kế nhà đất đã không còn quá xa lạ với nhiều người; tuy nhiên, do không nắm rõ yếu tố về pháp lý cho nên việc tranh chấp vẫn thường xảy ra. Hôm nay, Rever xin chia sẻ một số tình huống cụ thể và có sự tư vấn từ phía luật sư để bạn có thể tham khảo thêm.
Tình huống 1: Bà lập di chúc cho cháu nội thừa kế đất có cần hỏi ý kiến con ruột?
Bà Nga hiện đang đứng tên trên một mảnh đất và chồng bà đã mất khá lâu rồi. Bà có 4 người con và 1 người cháu nội. Bà Nga đang muốn chuyển quyền sử dụng đất cho người cháu nội, nhưng những người con lại không đồng ý.
Vậy xin hỏi luật sư trường hợp này phải giải quyết như thế nào và bà Nga có cần sự cho phép của các con hay không?
Luật sư tư vấn:
Trong tình huống này, do không biết phần đất đó được mua khi nào và là phần tài sản chung hay riêng của cá nhân bà Nga nên sẽ có hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Mảnh đất là tài sản riêng của bà
– Khi đó bà Nga sẽ có quyền định đoạt với toàn bộ mảnh đất. Nếu bà Nga muốn chuyển quyền sử dụng đất cho cháu nội ngay khi bà còn sống thì bà Nga được chuyển quyền sử dụng đất đó mà không cần đến sự đồng ý của những người còn lại.
Điều này được quy định tại khoản 1, điều 167 Luật đất đai 2013 quy định về Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất như sau:
- Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.”
Cần nắm rõ các quy định về việc lập di chúc thừa kế để tránh xảy ra tranh chấp
– Trường hợp nếu bà Nga muốn lập di chúc để lại mảnh đất cho cháu nội sau khi bà mất thì cần phải xem xét những người con của bà Nga có thuộc trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc quy định tại Điều 644 BLDS 2015 hay không:
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Nếu không có người con nào thuộc trường hợp quy định tại điều luật trên thì người cháu nội sẽ có toàn quyền sử dụng mảnh đất thuộc sở hữu của bà Nga sau khi được chuyển nhượng quyền sử dụng.
Việc để lại di chúc định đoạt mảnh đất của bà Nga không cần có sự đồng ý của các con. Di chúc sẽ có hiệu lực pháp luật nếu đó là di chúc hợp pháp.
Di chúc nên được chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực
Di chúc hợp pháp được quy định tại điều 630 BLDS 2015:
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Do vậy chỉ cần di chúc đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì di chúc đã là hợp lệ và người được chỉ định hưởng di sản trong di chúc được pháp luật bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra.
Việc lập di chúc để lại tài sản cho con cái cần có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng nếu đó là tài sản chung
Trường hợp 2: Mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng bà Nga
Khi đó, dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bà Nga đứng tên nhưng đó vẫn là tài sản chung của 2 người. Khi chồng bà Nga mất không để lại di chúc thì phần tài sản của ông để lại là một nửa mảnh đất sẽ trở thành di sản thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là vợ và các con.
Mỗi người sẽ được một phần bằng nhau theo quy định tại Điều 651 bộ luật dân sự 2015. Và bà Nga được toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng phần đất thuộc quyền sở hữu của mình theo pháp luật cho cháu nội mà không cần sự cho phép của con.
Việc xử lý chuyển quyền sử dụng đất hay để lại di chúc đối với ½ mảnh đất lúc này sẽ được xử lý tương tự như đối với trường hợp 1 đã nêu trên.
Các văn bản di chúc cần có chữ ký xác thực và được công chứng đầy đủ
Tình huống 2: Lập di chúc thừa kế nhà thờ tổ tiên cho thì sau này con cái có được quyền bán hay không?
Ông Thành năm nay 60 tuổi, ông có một miếng đất 120m2 do tổ tiên để lại đã xây nhà 3 tầng. Ông có 3 người con và ông muốn lập di chúc để lại cho người con cả căn nhà này. Tuy nhiên các con ông không được hòa thuận với nhau lắm.
Do đó, ông Thành lập di chúc với nội dung là người con cả sẽ chỉ được sử dụng nhà và đất để sinh sống, làm ăn mà không được bán để các em có về thắp hương cho bố mẹ thì còn có chỗ nghỉ chân và vì đây là đất do tổ tiên để lại nên không muốn con bán đi.
Xin hỏi luật sư là di chúc của ông Thành như vậy có hợp pháp hay không và sau khi ông mất thì những người con có được quyền bán mảnh đất này hay không nếu trong di chúc đã ghi như vậy viết di chúc như vậy?
Nội dung của di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì mới được công nhận
Luật sư tư vấn:
Trước tiên cần xác định rằng mảnh đất do tổ tiên để lại nêu trên là tài sản do vợ chồng ông Thành được thừa kế trong thời kỳ hôn nhân hay trước thời kỳ hôn nhân. Nếu là được thừa kế từ trước thời kỳ hôn nhân thì là vợ hay chồng được thừa kế.
Dựa vào Bộ luật Dân sự năm 2015, tình huống này có thể chia thành hai trường hợp cụ thể và cách xử lý như sau:
Trường hợp 1: Phần tài sản được thừa kế trong thời kỳ hôn nhân.
Trong trường hợp này thì 2 vợ chồng ông Thành đều phải cùng thống nhất ý chí để lập di chúc để lại tài sản cho người con cả. Hoặc 2 vợ chồng làm biên bản thỏa thuận phân chia tài sản riêng của vợ chồng, trong đó nội dung thỏa thuận ghi mảnh đất và căn nhà thuộc tài sản riêng của ông Thành, như vậy ông sẽ có thể tự mình thực hiện thủ tục để lại di chúc mà không cần người kia đồng ý nữa.
Công chứng lập di chúc giúp tăng tính pháp lý văn bản
Trường hợp 2: Phần tài sản được thừa kế trước thời kỳ hôn nhân.
Trong trường hợp này ai là người được thừa kế thì người đó có quyền để lại di chúc đối với mảnh đất này.
Riêng về việc ông Thành muốn để lại mảnh đất cùng căn nhà cho con cả và yêu cầu người con chỉ được ở không được bán thì đây được xác định là nội dung di chúc trái với quy định của pháp luật.
Theo Điều 167, Luật Đất đai 2013 ghi nhận người sử dụng đất có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất. Các quyền này không thể bị hạn chế trừ trường hợp do Nhà nước quy định (chẳng hạn như nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất).
Do đó, con cả của ông Thành hoàn toàn có quyền chuyển nhượng mảnh đất này sau khi đã thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
Đối với yêu cầu của ông Thành, nếu muốn hợp pháp hóa di chúc này thì ông có thể ghi trong nội dung di chúc với điều kiện đây là di sản để thờ cúng.
Thừa kế tài sản là vấn đề thường xuyên xảy ra tranh chấp nếu không được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật
Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Đối với di sản được dùng vào việc thờ cúng thì người thừa kế di sản sẽ không thể thực hiện các hoạt động chuyển nhượng, tặng cho,... đối với di sản này, thỏa mãn yêu cầu của ông Thành đưa ra.
Trên đây là một số tình huống xuất phát từ việc tranh chấp trực tiếp trong thực tế cuộc sống; sau khi xem qua nếu bạn cần hỗ trợ thêm thì hãy liên hệ ngay với Rever qua số Hotline: 0901 777 667 để được tư vấn trực tiếp.
Hoặc tham khảo thông tin trong tài liệu dưới đây:
Có thể bạn quan tâm:
- Muốn xin tách thửa đất ở Long An, phải làm sao?
- Những điều bạn cần biết về hợp đồng ủy quyền mua bán bất động sản
- Chủ nhà cũ không chịu sang tên sổ đỏ, có kiện được không?
- Những quy định liên quan đến việc chia nhà đất khi ly hôn
- Các vấn đề về quyền thừa kế bất động sản, giải quyết như thế nào?
Xuân Anh (Tổng Hợp)
Từ khóa liên quan