Có nên mua chung cư đã bị chủ đầu tư thế chấp?
25/10/2016
Khi chung cư bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng thì quyền lợi khách hàng bị ảnh hưởng thế nào? Cùng Rever tìm hiểu kỹ vấn đề này nhé.
>>> Toàn cảnh dự án metro của Sài Gòn ở thời điểm hiện tại
>>> Quý 3/2016: Thị trường BĐS Tp.HCM giảm mạnh, Đông Sài Gòn vẫn hút giới đầu tư
Theo khoản 1 Điều 147 Luật nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Như vậy, việc thế chấp dự án để vay vốn đầu tư dự án là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, chủ đầu tư và được pháp luật cho phép.
Tuy nhiên cũng Điều 147 cũng có quy định ràng buộc khác: "Nếu chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý".
Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở.
Theo luật nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án. Ảnh minh họa
Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể về việc thế chấp dự án và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà. Nếu người mua nhà biết dự án đã bị thế chấp nhưng vẫn đồng ý mua dù chưa giải chấp sẽ phải chịu nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Thứ nhất, khi thế chấp dự án, có thể chủ đầu tư đã giao bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng liên quan đến chung cư, dự án cho ngân hàng nên việc chuyển nhượng, sang tên cho người mua có thể gặp khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian.
Thứ hai, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ vay, nợ lãi đối với ngân hàng, ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm là chung cư. Dự án đã thế chấp và thứ tự xử lý tài sản bảo đảm là ưu tiên theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm và ưu tiên thanh toán cho giao dịch bảo đảm có đăng ký (khoản 1, khoản 2 Điều 325 Bộ luật Dân sự), nghĩa là ưu tiên thanh toán cho ngân hàng từ chung cư, dự án đã thế chấp. Khi đó, người mua nhà sẽ bị thiệt thòi và có khả năng chỉ là mua nhà “trên giấy” vì tài sản được ưu tiên thanh toán cho ngân hàng, người mua nhà chỉ có thể đòi quyền lợi của mình bằng cách buộc chủ đầu tư hoàn trả tiền, bồi thường thiệt hại… Nhưng sự việc đã rồi và vì chủ đầu tư không có khả năng thanh toán cho ngân hàng nên mới bị xử lý tài sản bảo đảm thì khả năng người mua nhà đòi lại được tiền mua nhà và yêu cầu bồi thường rất bất khả thi.
Ảnh minh họa
Thứ ba, việc mua nhà đã bị thế chấp sẽ bị ràng buộc bởi nhiều quan hệ pháp lý chồng chéo, phức tạp mà nếu không có tư vấn pháp lý sẽ rất khó hiểu rõ để dảm bảo quyền lợi của mình và sẽ tiềm ẩn rủi ro tranh chấp cao.
Do đó, để tránh rủi ro, theo đúng quy định của pháp luật, để mua nhà thì người mua cần yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc có thế chấp dự án, căn nhà đang mua bán hay không, nếu có thì cần phải giải chấp theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp người mua nhà vẫn quyết định mua nhà đang thế chấp mà không cần giải chấp thì phải tuyệt đối cẩn trọng, lựa chọn nhà đầu tư thật sự uy tín và có tiềm năng tài chính phù hợp.
Theo VnExpress
>>> Toàn cảnh dự án metro của Sài Gòn ở thời điểm hiện tại
>>> Quý 3/2016: Thị trường BĐS Tp.HCM giảm mạnh, Đông Sài Gòn vẫn hút giới đầu tư
Từ khóa liên quan