5 lưu ý khi đầu tư nhà phố xây sẵn
25/03/2022
Để tránh những rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư nhà phố xây sẵn, các bạn cần lưu ý những điều sau đây trước khi quyết định "xuống tiền".
Nhà phố xây sẵn hiện là lựa chọn yêu thích của các nhà đầu tư bất động sản do được sở hữu cả nhà và đất, tài sản không bị giảm giá trị theo thời gian. Tuy vậy, kênh đầu tư này vẫn còn tồn tại không ít những rủi ro tiềm ẩn, các nhà đầu tư cần lưu ý những điều sau trước khi quyết định “xuống tiền”.
Vị trí căn nhà có tiềm năng không?
Khi quyết định đầu tư nhà phố, vị trí chính là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các nhà đầu tư cần lưu ý. Trước khi xuống tiền mua nhà, bạn cần xác định được vị trí căn nhà hiện tại có nằm trong khu vực an ninh hay khu quy hoạch nào không, tương lai khu vực này có tiềm năng phát triển hay không. Cần ưu tiên chọn lựa những vị trí mà hiện tại hay trong tương lai gần sẽ có hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận tiện di chuyển đến trung tâm dù ở gần hay xa. Bên cạnh đó, bạn cần khảo sát tốc độ phát triển của khu vực xung quanh, cần có các tiện ích đầy đủ như trung tâm hành chính, chợ, siêu thị, ngân hàng, bệnh viện, trường học, công viên vui chơi,… để đảm bảo tính thanh khoản trong tương lai.
Yếu tố hàng đầu khi đầu tư nhà phố chính là vị trí căn nhà. Ảnh minh hoạ
Chất lượng nhà phố xây sẵn có đảm bảo không?
Khi đi khảo sát nhà phố xây sẵn, bạn cần quan sát kỹ những yếu tố như tường, hệ thống điện nước, thiết bị vệ sinh,… để nắm được sơ bộ chất lượng căn nhà ra sao.
Bạn có quyền yêu cầu chủ nhà cung cấp những chi tiết liên quan đến chất lượng kỹ thuật của căn nhà như tường chung hay riêng, điện nhà nước hay điện dự án, nước là nước máy hay nước giếng và chi phí sử dụng tính như thế nào?
Bên cạnh giấy phép xây dựng, khi đầu tư nhà phố xây sẵn trong dự án, bạn cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các bản vẽ thiết kế chi tiết phần kết cấu, kiến trúc, điện nước, các bản kê vật liệu thi công cũng như các bản nghiệm thu hạng mục và các ảnh chụp thực tế khi nghiệm thu.
Xem xét kỹ bản vẽ nhà, có thể nhờ chủ nhà photo cho một bản vẽ và giấy tờ nhà rồi đến Phòng Quản lý đô thị để kiểm tra hiện trạng cũng như quy hoạch trên bản vẽ.
Ngoài ra, để đầu tư nhà phố xây sẵn, bạn cần xem xét kỹ các vấn đề khác như nhà có từng sửa chữa lại hay không, giấy phép xây dựng có hợp lệ, nhà xây có bị cấn mốc lộ giới hay không, quy hoạch xây dựng có bị giới hạn chiều cao hay không?
Chất lượng căn nhà cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng bán ra khi bạn đầu tư nhà phố
Pháp lý căn nhà có minh bạch và rõ ràng không?
Khi đầu tư nhà phố xây sẵn, bạn phải kiểm tra kỹ các mục được ghi nhận trong Giấy chứng nhận, đặc biệt phần “các lưu ý khác”, “sơ đồ vị trí” và “nội dung trang bổ sung”. Đây thường là những ô thể hiện các ghi chú đặc biệt về căn nhà và có thể, nếu không để ý kỹ, người mua sẽ không lường trước được rủi ro về tài sản. Bạn cần xem xét kỹ vấn đề chủ quyền của căn nhà để tránh các vấn đề như tranh chấp, kiện tụng khi bạn muốn muốn bán lại, cầm cố căn nhà...
Bất động sản tốt nhất là không liên quan đến bất kỳ giao dịch nào khác như đặt cọc, cầm cố, bảo lãnh,… nếu có thì cần phải hủy bỏ các giao dịch này trước khi tiến hành chuyển nhượng. Các thông tin này có thể kiểm tra tại phòng công chứng. Bạn cũng cần kiểm tra xem giấy chứng nhận có ghi nợ các khoản lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất.
Cần phải kiểm tra xem căn nhà đó có dính tranh chấp gì không như tranh chấp với hàng xóm láng giềng, anh em trong nhà,... Bạn có thể kiểm tra tại UBND xã, phường, thị trấn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc nhanh nhất là hỏi những người hàng xóm bên cạnh.
Nếu là tài sản chung thì cần phải có đầy đủ chữ ký xác nhận của cả vợ và chồng và các thành viên trong gia đình. Và cần kiểm tra thời hạn sử dụng giấy tờ tùy thân của người bán, thời hạn sử dụng hộ chiếu là 10 năm, chứng minh nhân dân là 15 năm kể từ ngày cấp,…
Nếu không xem kỹ các vấn đề này, về sau gặp vướng mắc sẽ dễ xảy ra tranh chấp. Đặc biệt khi bạn đầu tư nhà phố, nếu nhà vướng pháp lý, bạn muốn bán lại hay chuyển nhượng lại cho người khác cũng rất khó khăn và kén khách mua...
Giá bán có hợp lý, thích hợp để đầu tư chưa?
Khi đầu tư nhà phố, đừng ngại ngần đàm phán giá cả, để có thể sinh lời cao nhất, bạn cần phải mua được nhà phố với mức giá tốt nhất. Bạn nên tìm hiểu và so sánh giá của căn nhà với mức giá của bất động sản xung quanh. Mách nhỏ cho bạn, không tỏ ra ưng ý quá sớm với căn nhà vì điều này sẽ làm bạn mất đi ưu thế trong việc thương lượng giá cả.
Ngoài ra, khi trao đổi với chủ nhà, cần lưu ý quan sát thái độ của chủ nhà, xem có thái độ vội vàng, giấu diếm gì không? Giá bán nhà có rẻ so với mặt bằng chung của khu vực không? Thực tế không phải lúc nào giá rẻ cũng là tốt, đầu tư nhà phố cần phải xem xét thật kỹ trước khi đưa ra quyết định, tránh trường hợp ham rẻ để “tiền mất tật mang”.
Để đầu tư nhà phố đạt được lợi nhuận cao nhất, bạn cần mua được với giá tốt nhất
Hàng xóm xung quanh như thế nào?
“Bán anh em xa mua láng giềng gần” là kinh nghiệm đúc kết ông bà ta từ xa xưa đã dạy. Con người khi sống ở bất kỳ đâu cũng cần có sự gắn kết cộng đồng để có thể chia sẻ cũng như giúp đỡ nhau lúc cần thiết.
Khi chọn nhà cũng vậy, dù chỉ để đầu tư nhà phố mà không phải có nhu cầu ở thực, bạn cũng nên tìm hiểu tình hình hàng xóm xung quanh để tránh những phiền phức không đáng có, ảnh hưởng đến khả năng bán lại của căn nhà. Hàng xóm xung quanh thân thiện cũng sẽ là một điểm cộng cho lợi nhuận khi bạn chuyển nhượng lại căn nhà cho khách hàng.
Và sau khi xem qua những thông tin trên, nếu bạn cần hỗ trợ về việc đầu tư nhà phố xây sẵn thì hãy liên hệ ngay với Rever qua số Hotline: 1800 234 546 để được tư vấn trực tiếp.
Hoặc bạn cũng có thể tham khảo tài liệu dưới đây để có cái nhìn tổng quát hơn về Luật kinh doanh bất động sản nhằm đưa ra quyết định đầu tư tốt nhất cho mình!
Có thể bạn quan tâm:
- Nhà phố nên thiết kế cách âm như thế nào?
- 6 bí quyết giúp căn hộ của bạn trở nên rộng rãi hơn.
- Thiết kế nhà vệ sinh tiện nghi và 5 quy tắc không thể bỏ qua.
- Sửa nhà thế nào để hợp phong thuỷ nhà ở?
- Cách chống nóng cho nhà ở dễ làm, tiết kiệm.
- Cải tạo nhà cho thuê và những sai lầm thường gặp.
Từ khóa liên quan