TP.HCM: Những quy định giải quyết tranh chấp đất đai cần phải biết
15/03/2018
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 06/2018/QĐ - quy định về giải quyết tranh chấp đất đai và cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành trên địa bàn thành phố.
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 06/2018/QĐ - quy định về giải quyết tranh chấp đất đai và cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành trên địa bàn thành phố.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai
Quy định này quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; quy định về trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai: Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết lần đầu đối với các tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.
Chủ tịch UBND thành phố giải quyết các tranh chấp đất đai mà Chủ tịch UBND cấp huyện đã giải quyết tranh chấp lần đầu nhưng còn tranh chấp; giải quyết tranh chấp lần đầu đối với các tranh chấp đất đai mà một trong các bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc tranh chấp đất đai được cơ quan nhà nước thụ lý giải quyết khi có đủ các điều kiện sau: Đối với cá nhân, tổ chức tranh chấp đất đai phải có căn cứ chứng minh đã tiến hành thủ tục hòa giải nhưng không thành; phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của mình hoặc có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến UBND các cấp; có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Người gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện bằng đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai trực tiếp đến đúng cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trong thời hạn quy định (đối với trường hợp nộp đơn khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu). Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai chưa được Tòa án thụ lý để giải quyết.
Thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai
Về thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của Chủ tịch UBND cấp huyện không quá 55 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai lần đầu của Chủ tịch UBND thành phố không quá 70 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Quyết định 06 cũng nêu rõ, các bên tranh chấp có nghĩa vụ chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành, nếu không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành và phải chịu mọi chi phí cho việc tổ chức cưỡng chế đó.
Bạn đang theo dõi bài viết Những quy định giải quyết tranh chấp đất đai cần phải biết trong chuyên mục Hướng dẫn Rever. Ngoài ra, bạn cũng có thể tải về tài liệu Cẩm nang mua bán nhà cùng Rever để nắm thêm nhiều kiến thức mua bán nhà đất an toàn, dễ dàng.
Có thể bạn quan tâm:
- Quy định về việc chuyển nhượng nhà ở xã hội
- Những quy định pháp luật tác động đến thị trường bất động sản 2018
- Sở hữu chung, sở hữu riêng trong tòa nhà chung cư được quy định ra sao?
- Quy định mới về diện tích tối thiểu được tách thửa tại TP.HCM ra sao?
Theo Cafeland
Từ khóa liên quan