TP.HCM sẽ xây thêm 2 cây cầu ở Nhà Bè
14/12/2016
Tổng số tiền xây dựng 2 cây cầu mới tại Nhà Bè là hơn 400 tỉ đồng, do Tập đoàn Trung Nam xây dựng theo hình thức BT. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng vừa kiến nghị Thủ Tướng chấp thuận xây dựng đường trên cao số 1 với tổng giá trị xây dựng 18.000 tỷ đồng.
Tổng số tiền xây dựng 2 cây cầu mới tại Nhà Bè là hơn 400 tỉ đồng, do Tập đoàn Trung Nam xây dựng theo hình thức BT. Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng vừa kiến nghị Thủ Tướng chấp thuận xây dựng đường trên cao số 1 với tổng giá trị xây dựng 18.000 tỷ đồng.
Ngày 12-12, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Văn Khoa đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác liên ngành dự án giải quyết ngập do triều cường. Tại cuộc họp, Tập đoàn Trung Nam đã đề xuất UBND TP.HCM cho bổ sung xây dựng hai cây cầu giao thông tại cống ngăn triều Mương Chuối và cống Cây Khô để phục vụ việc đi lại của người dân Nhà Bè.
Cây cầu ở khu vực cống ngăn triều Mương Chuối với số vốn 155 tỉ đồng và cầu ở khu vực cống Cây Khô với số vốn 267 tỉ đồng. Nếu được TP.HCM chấp thuận, Tập đoàn Trung Nam sẽ triển khai xây dựng cầu đồng thời với cống kiểm soát triều cường. Nguồn vốn xây cầu sẽ do Tập đoàn Trung Nam bỏ ra xây dựng theo hình thức BT.
Tập đoàn Trung Nam là đơn vị đang thực hiện Dự án chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 với vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Về tiến độ thực hiện dự án, Tập đoàn Trung Nam cho biết hiện các hạng mục chính của dự án đang được gấp rút thi công.
Trong đó, có sáu cống ngăn triều có bề rộng cống từ 40-160 m. Một trạm bơm tại cống Bến Nghé công suất 12 m3/giây. Một trạm bơm tại cống Tân Thuận công suất 24 m3/giây và một trạm bơm tại cống Phú Định công suất 18 m3/giây.
Dự án chống ngập do triều cường đang được gấp rút thi công
Ngoài ra, Tập đoàn Trung Nam sẽ xây đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến Sông Kinh, giai đoạn 1 với chiều dài gần 8 km và 25 cống nhỏ có khẩu độ 1-10 m từ sông Vàm Thuật đến Mương Chuối.
Địa điểm xây dựng các công trình trên nằm ở các quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh với tổng diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 100 ha. Dự án phải giải tỏa hơn 300 hộ dân với hơn 1.500 người phải di dời.
Hiện tại, sáu cống ngăn triều Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định đã hoàn thành tiến độ 6%-20%. Hạng mục đê bao ven sông gần 8 km cũng hoàn thành được 17%.
Sau bốn tháng triển khai, tổng số vốn Trung Nam đã bỏ ra là gần 1.500 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ đưa vào sử dụng tháng 4-2018.
Ông Lê Văn Khoa cho rằng do tính chất quan trọng của dự án chống ngập do triều này nên các sở, ngành sẽ nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Trung Nam trước khi trình UBND TP.HCM phê duyệt. Đây là dự án lớn, giúp giảm ngập do triều cho lưu vực 570 km2 khu vực nội thành và có sự giám sát của hàng chục triệu dân TP.HCM.
Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, Thành ủy và UBND TP.HCM vừa giao các sở ngành, quận huyện rà soát bổ sung xây dựng hoàn thiện kế hoạch thực hiện chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của chương trình là tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP.HCM và một phần của năm lưu vực ngoại vi rộng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân.
Đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường TP.HCM.
TP.HCM: 18.000 tỷ đồng xây dựng đường trên cao số 1
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, ủy quyền cho thành phố chịu trách nhiệm duyệt phương án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường bộ trên cao số 1.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, thành phố được quy hoạch 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài khoảng 70,7 km; định hướng phát triển sau năm 2020, thành phố phải xây dựng 1-2 tuyến đường bộ trên cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tuyến nào được triển khai đầu tư.
Ảnh minh họa
Do đó, dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao số 1 là nhằm giải quyết tình hình ùn tắc giao thông tại cửa ngõ hàng không Tân Sơn Nhất đang ngày càng nghiêm trọng.
Tuyến đường bộ trên cao số 1 có lộ trình bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) rồi giao với đường Điện Biên Phủ và tuyến tách một nhánh lên xuống tại khu vực nút giao đường Điện Biên Phủ, nhánh còn lại sẽ kéo dài theo đường Ngô Tất Tố - kết thúc trước cầu Phú An (tổng chiều dài tuyến số 1 khoảng 9,5 km, rộng 17,5 mét).
Giá trị xây lắp đường bộ trên cao số 1 khoảng 15.000 tỉ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỉ đồng.
Từ khóa liên quan