REVER điểm qua 10 sự kiện bất động sản nổi bật nhất năm 2020
31/12/2021
Trước thềm năm mới, Rever điểm lại 10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2020.
Trước thềm năm mới 2021, Rever điểm qua 10 sự kiện bất động sản nổi bật nhất năm 2020 - một năm chứng kiến nhiều biến động dưới sự tác động 'khủng khiếp" từ đại dịch Covid-19.
Thành lập thành phố Thủ Đức, thuộc TP.HCM
Với Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 9-12, TP Thủ Đức đã chính thức được thành lập với diện tích tự nhiên là 211,56 km2 và quy mô dân số 1.013.795 người.
Tại Nghị quyết được thông qua, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.
Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. TP Thủ Đức sau khi thành lập giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.
Thành phố Thủ Đức chính thức được thành lập. Ảnh Internet
Sau thông tin thành lập thành phố Thủ Đức, cơn sốt giá nhà đất tại khu vực của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức lập tức bùng phát, ghi nhận thực tế cho thấy một số nơi có mức tăng 20% - 40% trong chưa đầy 1 năm.
Không chỉ nhà phố hay đất nền, phân khúc căn hộ chung cư ở thành phố Thủ Đức cũng tăng giá mạnh. Nhiều căn hộ giá khởi điểm 30-35 triệu đồng/m2 ở năm 2019 hiện đã leo lên trên 40 triệu đồng/m2. Giá chung cư thứ cấp trên các tuyến Đồng Văn Cống, Xa Lộ Hà Nội cũng có xu hướng tăng lên 300-400 triệu đồng/căn so với năm 2019.
Phú Quốc chính thức là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam
Ngày 9/12, tại phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc. Theo đó, Phú Quốc sẽ trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam kể từ ngày 1/3/2021.
Thông tin Phú Quốc chính thức trở thành TP đảo đầu tiên của Việt Nam đã đánh dấu một bước phát triển mới, mở ra nhiều kỳ vọng cho đảo Ngọc. Đây cũng đang là những thông tin giới đầu tư nhà đất đặc biệt quan tâm, sự kiện này tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản địa phương này sau một khoảng thời gian dài trầm lắng.
Phú Quốc trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Ảnh Internet
Thuận An và Dĩ An lên thành phố
Với tốc độ phát triển kinh tế, công nghiệp, đô thị khá mạnh, ngày 1/2/2020, tỉnh Bình Dương chính thức có thêm hai thành phố là Dĩ An và Thuận An, có vị trí nằm giáp với TP.HCM. Với hai thành phố mới này, Bình Dương có tổng cộng 3 thành phố gồm: Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một (đã lên thành phố từ năm 2012).
Nghị quyết về việc thành lập thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-2-2020, sau đó nhanh chóng tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản trong khu vực.
Thành phố Dĩ An được thành lập trên cơ sở toàn bộ 60,1km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 403.000 người của thị xã Dĩ An. Đây là thành phố có vị trí "vàng" của Bình Dương khi tiếp giáp TP.HCM và Đồng Nai, có nhiều công trình kết nối vùng đi qua như xa lộ Hà Nội, cầu Đồng Nai, bến xe Miền Đông mới, khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM…
Thành phố Thuận An được thành lập trên cơ sở toàn bộ 83,71km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 508.000 người của thị xã Thuận An. Đây là thành phố có nhiều khu công nghiệp lớn như Việt Nam - Singapore (VSIP 1), Việt Hương, có tuyến quốc lộ 13 huyết mạch đi qua…và hiện có đóng góp ngân sách thuộc "top đầu" của tỉnh Bình Dương.
Bình Dương có 3 thành phố. Ảnh Internet
Các chủ đầu tư phía Nam "đổ bộ" ra miền Bắc
Nếu như những năm trước đây, thị trường địa ốc chứng kiến làn sóng dịch chuyển của các “đại gia” phía Bắc vào miền Nam như: Vingroup, FLC Group, CEO Group, Mường Thanh, Geleximco,… thì hiện nay, làn sóng này đang có sự đảo chiều khi thị trường ghi nhận hàng loạt “ông lớn” bất động sản miền Nam đang ồ ạt tiến ra phía Bắc và nhắm đến thị trường Hà Nội.
Điển hình trong đó có thể kể đến như tập đoàn Masterise Homes với dự án Masteri Waterfront; Tập đoàn Phú Long với dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2 có quy mô gần 200ha; Phú Mỹ Hưng có kế hoạch phát triển dự án ở phía tây Hà Nội; Him Lam với dự án Him Lam Vạn Phúc, Trung Thủy cũng đổ bộ thị trường Hà Nội với loạt dự án mang thương hiệu Lancaster ở khu vực hồ Giảng Võ (Ba Đình) và đường Láng (Đống Đa)…
Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh phía Bắc cũng ghi nhận sự nhập cuộc của các đại gia địa ốc đến từ phương Nam. Him Lam Land công bố ra thị trường dự án khu đô thị Him Lam Green Park 26,8ha tại Bắc Ninh; đoàn Nam Long cũng bắt tay vào triển khai dự án Khu đô thị Nam Long-Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng); CTCP May - Diêm Sài Gòn dù chưa có động thái triển khai dự án ở Hà Nội nhưng thời gian gần đây cũng gây chú ý khi liên tục thâu tóm quĩ đất tại một số tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình…
Theo các chuyên gia, mặc dù làn sóng Bắc tiến của các đại gia địa ốc phía nam đang nở rộ, nhưng các ông lớn phía Nam lại khặp rất nhiều tthách thức tại thị trường Hà Nội, trong đó thách thức lớn nhất là hiểu được tâm lý khách hàng, hểu được thị trường miền Bắc. Vì vậy, liệu các CĐT đến từ phía Nam có thành công với xu hướng này hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Bùng nổ phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Từ đầu năm đến nay, để huy động vốn cho các dự án trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng bị siết chặt, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đã ồ ạt phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn.
Năm 2020 bùng nổi phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh Internet
Đặc biệt, trước khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP chính thức hiệu lực từ 1/9/2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sơ cấp đã tăng tốc mạnh trong tháng 7 và 8.
Theo SSI Reseach, lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành tính riêng trong quý 3/2020 là gần 63 nghìn tỷ đồng, tập trung vào tháng 7 và 8/2020, tương đương 44% tổng TPDN mà các doanh nghiệp BĐS phát hành trong 9 tháng đầu năm 2020.
Một số doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý 3/2020 là: CTCP Đầu tư Quang Thuận (9.450 tỷ đồng, chia làm 89 đợt), Novaland (7.017 tỷ đồng, chia làm 21 đợt), Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc (6.450 tỷ đồng, chia làm 47 đợt), CTCP BĐS Mỹ (2.364 tỷ đồng, chia làm 51 đợt)…
Tính chung 9 tháng, 88 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng 137,5 tỷ đồng trái phiếu, trong đó chỉ có 16 doanh nghiệp BĐS niêm yết phát hành 26,7 nghìn tỷ đồng, còn lại 110,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 80,6%) là do 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành.
Nguồn cung căn hộ Hà Nội, TP. HCM thấp kỷ lục, giá tăng cao
“Nguồn cung khan hiếm” là cụm từ được các đơn vị nghiên cứu lặp lại mỗi quý trong vòng gần 2 năm trở lại đây. Báo cáo các quý trong năm 2020 từ Savills và CBRE tiếp tục khẳng định tình trạng khan hàng tại hai thị trường chính là Hà Nội, TP. HCM.
Nguồn cung căn hộ xuống mức thấp kỷ lục. Cụ thể, theo ghi nhận của CBRE trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường Hà Nội chỉ có 10.700 căn mở bán mới, giảm 61% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, quý III/2020 chỉ ghi nhận 3.500 căn mở bán mới.
Cũng giống như Hà Nội, tình trạng khan hiếm nguồn cung tại TP. HCM vẫn tiếp diễn, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. Tổng cung sơ cấp trong 9 tháng năm 2020 ở mức thấp nhất trong 5 năm với 16.800 căn.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2 năm tới tình trạng khan hiếm nguồn cung không có triển vọng cải thiện, đặc biệt ở phân khúc cao cấp do những vướng mắc về pháp lý.
Thiếu nguồn cung có thể trở thành một trong những tác nhân đẩy giá nhà đất tăng thêm trong bối cảnh cầu tăng mạnh. Theo các báo cáo, tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 - 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Với phân khúc nhà ở thương mại trị giá từ 2 tỷ đồng trở xuống có tỷ lệ tiêu thụ 100%, còn nhà ở cao cấp cũng đạt 70 - 80%...
BĐS nghỉ dưỡng (condotel) trầm lắng bởi Covid-19
Theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cả nước hiện có khoảng 82.900 căn hộ du lịch, 28.100 biệt thự du lịch, 15.660 nhà phố du lịch. Các dự án "căn hộ du lịch (condotel)" tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh du lịch như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... với tổng nguồn vốn đầu tư vào các dự án ước khoảng 100.000 tỷ đồng.
Sự phát triển nhanh, mạnh các dự án condotel trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch và của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, với tốc độ tăng trưởng khách du lịch lên đến khoảng 30%/năm đối với khách du lịch nội địa và khoảng 15%/năm đối với khách du lịch quốc tế trong các năm gần đây.
Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, vài năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại. Trong 3 quý đầu năm 2020, 2 đợt dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ hệ thống của thị trường bất động sản càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng.
"9 tháng qua, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, những khu vực dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận... đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường này, ngoài tác động của dịch covid thì cơ bản là khung pháp lý cho loại hình condotel vẫn chưa thực sự rõ ràng. Việc một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng phá vỡ cam kết lợi nhuận đã khiến khách hàng có những tâm lý e ngại, mất niềm tin", ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nhìn nhận.
BĐS công nghiệp "lên ngôi" vì dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các phân khúc của thị trường bất động sản gặp khó khăn, trong bối cảnh đó, bất động sản công nghiệp lại nổi lên như một điểm sáng.
Theo LL Việt Nam, Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ cả nhà đầu tư và nhà sản xuất đối với sở hữu tài sản công nghiệp trong nửa đầu năm 2020. Tính riêng trong quý II/2020, một số chủ đầu tư khu công nghiệp đã nâng giá đất đạt mức trung bình 106 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng diện tích đất cho thuê của khu vực miền Nam đạt mức 25.045 ha vào quý 2/2020. Các khu công nghiệp hiện hữu đang dần được lấp đầy nhanh chóng.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục tăng qua các năm, các đại gia ngoại liên tục rót vốn vào các khu công nghiệp, đây cũng chính là nền tảng để BĐS công nghiệp Việt Nam "cất cánh".
Quốc hội thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng sửa đổi
Trong năm 2020, tại kỳ họp thứ 9 và 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 3 luật có tác động lớn gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, với tỷ lệ ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành đều trên 90%.
Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang mở toang cánh cửa để hút vốn đầu tư tư nhân vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả việc phát triển một hệ thống doanh nghiệp quốc dân Việt Nam. Điều này vô cùng quan trọng và cần thiết, giúp kinh tế Việt Nam có thể nhanh chóng hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Thậm chí, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ tạo cơ hội rất lớn để đón “đại bàng”, đón “phượng hoàng” đến làm tổ, trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc đang nóng lên từng ngày.
Có thể nói, Chính phủ Việt Nam đã có một hành động vô cùng quyết liệt và nhanh chóng, khi mà ngay trước thời điểm Luật Đầu tư sửa đổi được đưa ra thảo luận và trình Quốc hội thông qua, đã kịp thời đề xuất bổ sung các quy định về ưu đãi đặc biệt.
Rộ bán “dự án ma” khiến một loạt chủ doanh nghiệp bị bắt
Nếu như năm 2019, một doanh nghiệp chuyên bán “dự án ma” là Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã bị xoá sổ thì trong năm 2020, nhiều công ty kinh doanh bất động sản theo kiểu này cũng bị Công an TP. HCM điều tra.
Điểm chung của những công ty này không hề được cấp phép đầu tư dự án nhưng lại tự vẽ sơ đồ phân lô rồi bán cho nhiều người bằng hình thức ký hợp đồng đặt cọc, hứa chuyển nhượng đất. Số tiền thu lợi bất chính lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, Công an TP. HCM đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Hoàng Mạnh Cường, Tổng giám đốc Công ty Phát An Gia, về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, Hoàng Mạnh Cường đã vẽ ra 5 “dự án ma” tại TP. HCM, với gần 200 nền đất để lừa đảo 80 khách hàng, thu về số tiền khoảng 100 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Tương tự, Công an TP. HCM cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Ngô Minh Khâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc Phú An Thịnh Land (trụ sở quận Tân Bình, TP. HCM), về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi “vẽ” nhiều dự án tại Long An để lừa gần 50 khách hàng từ năm 2017 - 2018, nhưng đến nay công ty này không giao nền đất như cam kết cũng không trả lại tiền.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Công an TP. HCM ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hồng Hạnh là giám đốc Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vẽ hàng loạt dự án “ma” ở TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu để lừa đảo hàng trăm người. Tuy nhiên, người chủ thật sự của công ty này là bà Trần Thị Mỹ Hiền đã không bị bắt, bởi bà có giấy chứng nhận tâm thần.
Thế An (Tổng hợp)
Theo Kinhdoanhnet.vn/Vietnamfinance.vn
Từ khóa liên quan