Những lưu ý để tránh rủi ro khi mua đất thuộc diện quy hoạch
14/12/2017
Mua phải những mảnh đất nằm trong quy hoạch do không tìm hiểu kĩ có nhiều rủi ro. Nhưng không phải mua khu đất nào thuộc quy hoạch thì người mua đều bất lợi.
Không ít người đã mua phải những mảnh đất nằm trong quy hoạch do không tìm hiểu kĩ trước khi mua. Tuy nhiên không phải mua khu đất nào thuộc diện quy hoạch thì người mua cũng gặp phải rủi ro.
Bị hạn chế quyền khi mua đất thuộc diện quy hoạch?
Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 49, Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất vẫn được sử dụng và thực hiện quyền của người sử dụng đất theo luật định nếu quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.
Nếu cấp huyện đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thì người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất để được tiếp tục thực hiện quyền của người sử dụng đất, nhưng không được trồng cây lâu năm, xây nhà ở, công trình mới. Trong trường hợp người sử dụng đất muốn cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình thì phải có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Do đó, người mua cần xem mảnh đất nằm trong quy hoạch đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm hay chưa. Nếu đã có rồi thì quyền của người sử dụng đất sẽ bị hạn chế.
Thời hạn thu hồi đất
Luật sư Hà cũng cho hay, theo khoản 3 Điều 49, Luật Đất đai năm 2013, đối với phần đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện phải thu hồi để làm dự án, nếu sau 3 năm vẫn chưa có quyết định thu hồi thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải hủy bỏ. điều chỉnh và công bố việc hủy bỏ, điều chỉnh đó.
Nếu cơ quan thẩm quyền không hủy bỏ, điều chỉnh hoặc có hủy bỏ, điều chỉnh nhưng không công bố thì người sử dụng đất sẽ không bị hạn chế các quyền của người sử dụng đất.
Không phải khu đất nào thuộc diện quy hoạch cũng gặp rủi ro |
Có được đền bù khi mua đất thuộc diện quy hoạch không?
Điều 75, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: "Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp".
Người mua đất sẽ được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nếu thuộc một trong những trường hợp trên.
Bồi thường như thế nào khi bị thu hồi đất?
Khoản 2 Điều 74, Luật Đất đai năm 2013 quy định: "Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất".
Mức bồi thường hỗ trợ khi bị thu hồi đất được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP như sau:
Tgt = G1 - G1/T x T1
Trong đó:
Tgt: Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại;
G1: Giá trị xây mới nhà, công trình bị thiệt hại có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành;
T: Thời gian khấu hao áp dụng đối với nhà, công trình bị thiệt hại;
T1: Thời gian mà nhà, công trình bị thiệt hại đã qua sử dụng.
Tóm lại, vấn đề pháp lý đã được quy định rõ tại Luật Đất đai. Để tránh gặp phải rủi ro, người mua cần tìm hiểu thật kỹ về khu đất mà mình dự định mua.
Bạn cũng có thể tìm hiểu các thủ tục cần thực hiện trong quá trình mua bán nhà tại Cẩm nang do Rever biên soạn:
Thông tin liên quan:
Từ khóa liên quan