Kịch bản nào cho thị trường địa ốc TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2017?
03/07/2017
Thị trường địa ốc TP.HCM đã đi quá nửa năm 2017 với nhiều chuyển biến so với cùng kỳ năm trước. Điều gì sẽ diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2017?
Thị trường địa ốc đã đi quá nửa năm 2017 với nhiều chuyển biến so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sự dịch chuyển nguồn cung từ căn hộ cao cấp sang bình dân, cơn sốt đất nền lan rộng là tâm điểm. Điều gì sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2017?
Nhận định về thị trường bất động sản TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2017, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây cho biết thị trường bất động sản sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. HoREA cho rằng, 6 tháng cuối năm 2017 sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu. Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây, nhất là sau thời điểm 15/8/2017 là ngày Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu có hiệu lực thi hành.
“Nhà nước sẽ ban hành nhiều quy phạm pháp luật và sử dụng các công cụ về thuế, công cụ về tín dụng, công cụ về quy hoạch sử dụng đất, công cụ hành chính nhằm ràng buộc nghĩa vụ của chủ đầu tư để bảo vệ người tiêu dùng để điều chỉnh thị trường bất động sản nhằm mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững”, ông Châu nói.
Bên cạnh việc dự báo thủ tục hành chính sẽ thông thoáng, đơn giản hơn, giảm thiểu dần tình trạng nhũng nhiễu hiện nay, HoREA cho rằng, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Điều đáng lưu ý là, quy mô thị trường bất động sản TP.HCM đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong "Vùng đô thị TP.HCM", nhất là tại các huyện giáp ranh Thành phố. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi rất cơ bản, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với khách hàng. Xem thêm: Thị trường địa ốc TP.HCM quý 2/2017: Gần 10.000 căn hộ được chào bán.
“Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư như internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và xu thế phát triển các dự án bất động sản xanh, thân thiện môi trường, an toàn, đầy đủ tiện ích là những đòi hỏi mới của người tiêu dùng mà nhà đầu tư phải đáp ứng”, HoREA nhấn mạnh.
Thị trường bất động sản TP.HCM sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2017.
Bên cạnh đó, hiện nay cũng đã xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trên thị trường bất động sản như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng.
Đặc biệt, tình hình đảm bảo an toàn, xử lý các tranh chấp trong chung cư còn diễn biến gia tăng hơn trước đây do ngày càng nhiều người lựa chọn sống trong nhà chung cư trong quá trình đô thị hóa.
Về dự báo khả năng có hay không có "bong bóng" bất động sản trong năm 2017, HoREA cho biết, khó có thể xảy ra, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước; do các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường; và do các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.
Một nhân tố tiêu cực về mặt chủ quan, đó là tình trạng lệch pha cung - cầu về phía phân khúc bất động sản cao cấp (bao gồm cả bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng); tình trạng một số tập đoàn bất động sản quy mô rất lớn đang được nhận nguồn vốn tín dụng rất lớn, và huy động rất nhiều nguồn vốn xã hội (trong đó có nhiều người tiêu dùng và nhà đầu tư thứ cấp) cũng là những nhân tố có tiềm ẩn yếu tố rủi ro, tác động đến thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Dự báo trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Đặc biệt, HoREA cũng lưu ý, kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới kết nối ngày càng đồng bộ hơn, trước hết là đường giao thông, metro, đường sắt trên cao, xe buýt nhanh, xe buýt đường sông, sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp "ăn theo" để đầu tư, phát triển thị trường bất động sản cả trong trung hạn và dài hạn.
Điểm lại những điểm nhấn của thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2017
Vốn ngoại đổ vào BĐS 06 tháng đầu năm giảm: Cụ thể, kiều hối đổ về nước trong 6 tháng đạt 2,1 tỷ USD, con số này sụt giảm khá mạnh so với 5,7 tỷ USD trong năm 2016. Trong đó, khoảng 1/5 lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực BĐS, giảm nhẹ so với mức 21% của năm 2016. FDI hiện chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm mạnh so với 11,3 tỷ USD thu được cùng kỳ 2016. Lĩnh vực BĐS thu hút khoảng 50,3 triệu USD chiếm 12,82%, chỉ đứng thứ 4 trong thu hút nguồn vốn FDI, giảm 2 bậc so với vị trí thứ 2 cùng thời điểm năm trước. Vốn FDI rót vào lĩnh vực BĐS chủ yếu thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập dự án.
6 tháng đầu 2017 có khoảng 6.000 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới
Lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới không ngừng tăng: Trong 06 tháng đầu năm nay, có khoảng 18.000 doanh nghiệp được thành lập mới, hơn 1/3 trong số này là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang thu hút sự quan tâm đầu tư rất lớn.
Xem chi tiết bài viết: Thị trường bất động sản TP.HCM ra sao trong 6 tháng đầu 2017?
Ngoài diễn biến thị trường, chính sách đáng chú ý nhất trong 6 tháng qua là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/08/2017 góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản, tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế và giúp tái khởi động các dự án bất động sản đã bị thế chấp hoặc ngừng triển khai trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn duy trì chính sách siết tín dụng vào BĐS: Theo HoREA, trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng bất động sản có mức tăng trưởng đạt 6,35%. Lãi suất ổn định, riêng lãi suất vay mua nhà xã hội giữ ở mức 4,8%. Tuy nhiên do thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn hơn khi tiếp cận nguồn tín dụng mới.
Nhìn toàn cảnh, thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như có dấu hiệu lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp. Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội đổ vào thị trường có xu hướng tập trung vào một số doanh nghiệp lớn và phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, trong khi đó, phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao thì "cung" lại không đủ "cầu".
Trên đây, Rever đã đưa ra một số thông tin nhận định từ các chuyên gia bất động sản về thị trường địa ốc TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2017 cũng như điểm qua một số điểm nhấn về thị trường trong 2 quý đầu năm 2017. Để kết thúc cho bài viết này, Rever gửi đến bạn tài liệu Bảng tính lãi suất ngân hàng mua nhà hàng tháng.
Hùng Phú (TH)
Từ khóa liên quan