Hai anh em tôi suýt "choảng nhau" vì mâu thuẫn khi mua đất!
27/08/2020
Hy vọng bài chia sẻ của tôi sẽ giúp bạn tránh được những tình huống không đáng xảy ra trong việc đầu tư nhà đất.
Gia đình tôi là người gốc Bắc, vô Nam theo dạng kinh tế mới rồi bắt đầu định cư ở Sài Gòn những năm 2000. Nhà chỉ có 2 anh em nên ba mẹ luôn muốn chúng tôi “làm gì cũng phải có nhau”, ba mẹ luôn ao ước chúng tôi có thể ở chung nhà cho đến ngày ba mẹ về với ông bà.
Tôi luôn muốn làm ăn riêng nhưng vì thương ba mẹ đã già còn chăm lo từng li từng tý nên cũng chiều theo. Năm 2010, vợ chồng tôi và anh trai mua chung mảnh đất tầm 200m2 ở quận 9 với giá khoảng 2,2 tỷ đồng. Tôi góp 1/4 số tiền và phần còn lại là của anh trai và để anh đứng tên miếng đất. Lúc ấy, vốn của vợ chồng tôi chỉ có 250 triệu đồng, còn 300 triệu chúng tôi phải vay mượn ngân hàng, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí vay cả thẻ tín dụng. Tôi và anh trai có thỏa thuận khi nào giá đất lên cao sẽ bán ra rồi chia tiền lãi.
Năm 2012, giá đất khu vùng ven tăng nhanh, nếu bán lúc ấy giá mảnh đất sẽ là 2,6 tỷ đồng, tăng 400 triệu so với giá mua ban đầu, nghĩa là tính theo 1/4 số tiền bỏ ra thì tôi sẽ lãi được 100 triệu. Tuy nhiên, anh tôi lại chưa chịu bán vì muốn đợi giá cao hơn nữa.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như năm 2015 anh tôi không quyết định xây nhà. Anh bảo nhà anh có thêm cháu, cần chỗ rộng rãi hơn, không muốn sống chung với ông bà và vợ chồng tôi nữa nên phải xây nhà riêng. Vì anh cũng là chủ của miếng đất nên vợ chồng tôi đành chấp nhận cho anh xây nhà trên một nửa phần đất, đồng thời yêu cầu tách thửa phần còn lại và sang tên hẳn cho vợ chồng tôi. Lúc đó, giá đất tại quận 9 cũng có dấu hiệu tăng mạnh nên tôi muốn bán phần mình để lấy tiền lãi giải phóng nợ nần.
Mua đất chung với anh trai, mọi chuyện rắc rối khồng ngừng kéo đến… (Ảnh minh họa)
Phần đất anh tôi xây nhà có một mặt tiền, sau khi xây xong căn nhà 3 tầng thì anh cho một công ty thuê lại tầng trệt và và lầu 1 với giá 16 triệu một tháng. Phần còn lại tuy có hai mặt tiền nhưng không được vuông vắn mấy, lại còn vướng cột điện nên diện tích thực chỉ còn 90m2 thay vì 100m2 như phần kia. Thêm cái nữa là anh xây nhà xong nhưng thủ tục hoàn công gặp vấn đề nên chuyện tách thửa vẫn cứ kéo dài.
Xây nhà vượt quá chi phí dự phòng nên anh tôi mắc nợ nhiều, vợ chồng không chịu nổi áp lực suốt ngày cãi vã nhau. Vài tháng sau anh bàn bán phần đất còn lại để lấy tiền trả bớt nợ. Tuy nhiên, tôi lại không nghe anh nói gì đến chuyện rao bán làm sao, giá thế nào. Mãi mấy tuần sau tôi mới biết, anh tự mình thỏa thuận bán 90m2 đất còn lại với giá 1,5 tỷ đồng, nhận cọc 200 triệu. Nếu một trong hai bên tự ý hủy giao dịch thì đền gấp đôi tiền cọc.
Bị đặt vào thế đã rồi, tôi tức tốc tìm anh nói chuyện nhưng anh vốn không muốn cho tôi dính líu đến việc bán đất nhằm bán cho nhanh. Điều đáng nói ở đây là sau khi tôi tham khảo đám bạn làm môi giới nhà đất thì biết được giá khu đất đó hiện đang nằm ở mức 25-30 triệu/m2, còn anh đem rao bán với giá chỉ hơn 16 triệu/m2.
Tôi về bàn lại với vợ sẽ vay thêm tiền mua lại khu đất của anh trai luôn, sau đó sẽ xây nhà trọ cho thuê vì ở khu này sinh viên thuê trọ cũng nhiều. Nhưng vợ không đồng ý vì khoản nợ trước đó vay mua đất đã đủ mệt rồi, hơn nữa lại phải đi thỏa thuận với người đặt cọc mong họ nhượng lại, khả năng thành công sẽ rất ít.
Bí thế quá tôi mới liều đem giấy tờ thỏa thuận mua đất giữa tôi và anh trai sang gặp bên mua để “nói phải trái”. Sau khi biết có thêm một bên đồng sở hữu thì người mua “chạy mất dép” nhưng đòi phải bồi thường tiền cọc.
Sau nhiều lần đi lại năn nỉ tôi mới thuyết phục được họ nhận lại tiền cọc, kèm mức bồi thường là 100 triệu thay vì 200 triệu như đã thỏa thuận với anh trai tôi. Vợ chồng anh tôi trả lại 200 triệu tiền cọc, chi thêm 50 triệu tiền đền bù, số còn lại vợ chồng tôi đồng ý bỏ ra. Tự dưng tốn 50 triệu như trời giáng.
Lúc này thì tình nghĩa anh em phải nói là “không còn gì”. Nếu không vì ba mẹ nhiều lần can ngăn, anh em tôi đã suýt "choảng nhau", thậm chí lôi nhau ra tòa. Quá mệt mỏi, tôi chỉ chờ làm xong giấy tờ là rao bán đất luôn. Tuy nhiên, cũng mất tới nửa năm thì thủ tục nhà đất mới hoàn thiện.
Anh trai đứng tên nhà đất, đẩy tôi vào thế hoàn toàn bị động… (Ảnh minh họa)
Năm 2018, mảnh đất cuối cùng cũng được bán ra với 23 triệu/m2, tổng cộng được 2,07 tỷ và tôi nhận về phần tiền của mình là 1,035 tỷ đồng.
Sau sự việc này, mỗi khi nghe câu hùn vốn mua nhà đất là tôi “tởn đến già”. Suy cho cùng, tôi đã mắc quá nhiều sai lầm trong thương vụ này. Thứ nhất là không đứng tên chung mảnh đất nên bị động trong việc mua bán, thứ hai là mất tình cảm anh em vì lợi ích, thứ ba là thời gian thu hồi vốn kéo dài (tận 8 năm trời), thứ tư là nếu chẳng may anh chị tôi ly hôn thì phần đất tranh chấp sẽ khó khăn hơn bội phần.
Hy vọng bài chia sẻ của tôi sẽ giúp bạn tránh được những tình huống không đáng xảy ra trong việc đầu tư nhà đất.
Bạn vừa xem qua bài viết Hai anh em tôi suýt "choảng nhau" vì mâu thuẫn khi mua đất! Nếu cần tư vấn về nhà đất chính chủ, có pháp lý minh bạch, bạn có thể liên hệ với Rever qua số hotline 1800 234 546.
Hoặc tham khảo danh sách nhà đất giá tốt, pháp lý đầy đủ dưới đây:
Có thể bạn quan tâm:
- Đây là cách người thức thời mua nhà
- 9 năm có 3 căn hộ và đây là cách tôi không sa lầy trong đống nợ
- Mua đất xa Sài Gòn và 4 bài học quý giá về đầu tư bất động sản
- Muốn mua được nhà tốt - giá tốt, hãy tránh xa 4 “tử huyệt” này
- "Nếu biết cách đầu tư thì tiền sẽ đẻ ra tiền, nhà sẽ đẻ ra nhà"
- Những lưu ý phải biết khi góp tiền mua nhà cùng người thân, bạn bè
Khải An (ghi)
Từ khóa liên quan