Muốn mua được nhà tốt - giá tốt, hãy tránh xa 4 “tử huyệt” này
17/03/2021
Hơn một thập kỷ làm nghề trao đổi mua bán bất động sản, tôi nhận thấy, hơn 70% người mua nhà bình thường mắc phải 4 sai lầm này.
Tôi không phải là một nhà đầu tư bất động sản “chính chuyên” nhưng cũng có máu đam mê nhà đất. 12 năm ở Sài Gòn, tôi cũng từ con số 0 dần sở hữu được 3 căn hộ, 1 căn để ở và 2 căn đang cho thuê. Để có được bấy nhiêu đó tài sản, tôi đã phải trải qua rất nhiều lần mua đi bán lại nhà đất ở các tỉnh rồi tích cóp, dần chuyển sang nhà ở Sài Gòn. Hơn một thập kỷ làm nghề trao đổi mua bán bất động sản, tôi nhận thấy, hơn 70% người mua nhà bình thường mắc phải 4 sai lầm này.
Nhất định phải tìm được căn nhà “hoàn hảo” rồi mới chịu mua
Trừ khi bạn bỏ tiền ra mua đất rồi tự thiết kế, tự xây dựng và tự bày trí nội thất các kiểu thì căn nhà mới chỉ có thể đạt được 9/10. 1/10 còn lại vẫn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Thực tế, cái gọi là “hoàn hảo” vốn dĩ không tồn tại.
Tôi có một người bạn, 3 năm trước anh ấy có sẵn trong tay 2 tỷ đồng và quyết định mua chung cư. Trong thời gian tìm nhà, anh ta vẫn ở thuê. Sau khi được môi giới dắt đi xem một số căn thì cũng ưng ý một vài căn nhưng vẫn chưa thỏa mãn được hết kỳ vọng. Bạn tôi lại tiếp tục đi tìm ngôi nhà hoàn hảo nhất với giá cả hợp lý nhất cho mình.
Và đến nay, anh ta vẫn chưa tìm được căn nào như ý. Cho đến khi chủ trọ đột ngột đòi lấy lại nhà để bán, chỉ báo trước 1 tháng. Nhà mới chưa có, nhà thuê bị đòi lại, anh ta vô cùng hoảng loạn. Cuối cùng đành phải chấp nhận mất thêm nhiều chi phí môi giới, phí vận chuyển và thuê phòng trọ khác để ở. Mấy hôm trước, anh ta có gọi điện cho tôi nói rằng bản thân mình cảm thấy tiếc những ngôi nhà tốt trước đó từng xem qua, giờ thì nhà đã tăng giá hơn và cũng bị người khác mua mất.
Cũng từng mua bán nhiều bất động sản nên tôi biết khi chuẩn bị “cho ra” một số tiền lớn, tâm lý người mua thường rất thận trọng. Tuy nhiên, với nhà đất, bạn cần hiểu rằng khi thị trường có nhiều biến động, hoặc ngôi nhà sở hữu một số điểm tốt thì giá sẽ không ngừng tăng lên và người muốn mua cũng không ít. Vì thế, nếu tìm được một ngôi nhà tương đối ưng ý, vị trí thuận lợi, không phải tu sửa quá nhiều và mức giá chấp nhận được thì không nên chần chừ.
Đừng bao giờ kỳ vọng mua nhà giá rẻ, ông bà ta có nói “của rẻ là của ôi”!
Cứ đi tìm căn nhà đạt 10/10 thì bao giờ mới có nhà để ở đây… (Ảnh minh họa)
“Cứ từ từ” để xem pháp lý có đầy đủ không cái đã…
Pháp lý đầy đủ và an toàn là điều đặc biệt quan trọng khi mua nhà. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp vuột mất cơ hội trong giai đoạn tìm hiểu pháp lý.
Tôi còn nhớ năm ngoái, anh họ tôi muốn mua một căn nhà cấp 4 đã qua sử dụng cho vợ chồng đứa con trai. Anh tôi cẩn trọng đến mức nhờ môi giới kiểm tra pháp lý, rồi xong lại nhờ luật sư, rồi lại đến cán bộ trên quận. Bấy nhiêu đó vẫn chưa khiến anh ấy an tâm, nằng nặc đòi xin số điện thoại của người thân chủ nhà dò hỏi từng người xem có biết căn nhà này đang rao bán không, có tranh chấp gì không.
Quá trình đó mất cỡ 2 tháng trong khi chủ nhà thì đang cần bán gấp. Cuối cùng, người ta bán lúc nào anh tôi còn chả hay, đến lúc gọi điện cho chủ hỏi xin đặt cọc thì mới biết, còn bị chủ chì chiết cho một trận.
“Chậm mà chắc” thì ai cũng biết nhưng trong mua bán bất động sản thì phải áp dụng một cách linh hoạt. Đây là cách mà tôi hay làm: Khi gặp một miếng đất hoặc căn nhà ưng ý, tôi sẽ kiểm tra lần lượt giấy chứng nhận, kiểm tra thông tin trực tuyến, hỏi thăm cán bộ trên phòng quản lý đô thị quận, xin văn bản trả lời về chứng chỉ quy hoạch…
Để có thể thực hiện hết các bước này, sẽ tốn không ít thời gian, nhà đất có thể bị “hớt tay trên” do đó tôi thường kiểm tra nhanh trên giấy chứng nhận và kiểm tra trực tuyến. Sau đó đặt cọc cho người bán, kèm theo điều khoản ràng buộc liên quan đến pháp lý. Nếu kết quả không như thỏa thuận, hoặc pháp lý có vấn đề thì người bán sẽ phải trả lại tiền đặt cọc, còn nếu không thì giao dịch vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Chỉ đơn giản thế thôi, bạn có thể yên tâm không sợ vuột mất cơ hội. Suốt ngày đi kiểm tra pháp lý mà trong lòng lo lắng không biết có ai hỏi mua chưa thì cũng khó mà “nên cơm cháo”.
Căn nhà/miếng đất này đẹp rồi, mua liền đi…
9 năm về trước, khi tôi còn là một gã “gà mờ” trong việc mua bán bất động sản, tôi đã xuống tiền mua ngay căn nhà thứ 2 khi đi xem. Để rồi sau đó ít lâu, tôi biết được anh hàng xóm cũ của mình vừa mua được một căn “ăn đứt” căn nhà của tôi từ vị trí, diện tích cho đến nội thất mà giá cũng ngang ngửa. Ôi… lúc biết được sự thật phải nói là đau lòng đến mức ngày ăn không nỗi, đêm ngủ không yên.
Các chuyên gia đầu tư khuyên rằng, nên xem tầm 10 căn nhà trước khi quyết định mua. Tôi biết, sẽ có rất nhiều người cho rằng điều này thực sự không cần thiết, nhưng đó là quan niệm sai lầm. Giới đầu tư chuyên nghiệp cũng kháo nhau là trong mua bán nhà, có một quy tắc rất quan trọng, đó là quy tắc kết nối.
Theo quy tắc này, càng mất công sức tìm hiểu và xem xét càng nhiều căn nhà thì người mua càng có thêm dữ liệu để so sánh, đánh giá ngôi nhà nào tiệm cận mức hoàn hảo nhất với ngân sách của mình và giá bán chênh lệch như thế nào so với thị trường. Khi đó, cơ hội mua được nhà tốt, giá tốt sẽ lớn hơn.
Đặc biệt, nếu mua để ở thì tần suất đi xem nhà càng phải nhiều hơn mua đầu tư bởi vì đó là nơi bạn sẽ gắn bó lâu dài.
Chưa gì đã vội mua, nhà này “ổn” nhưng biết đâu có nhà khác tốt hơn… (Ảnh minh họa)
Kỳ kèo giá cả đến phút chót
Không chỉ riêng bất động sản mà mua bán cái gì cũng vậy, thương lượng được đồng nào thì hay đồng nấy. Nhưng người khôn ngoan sẽ biết khi nào cần thương lượng, chứ không phải kỳ kèo hồng muốn chủ nhà bớt xén từng cắt.
Tôi bán nhà cho 10 người thì chắc phải gặp đến 7 người sau khi kiểm tra xong pháp lý, thống nhất giá cả rồi đi đến bước ký hợp đồng vẫn còn kỳ kèo xin bớt vài chục triệu. Họ luôn kỳ vọng tôi có thể giảm giá thêm, tự mình nghĩ rằng tôi sẽ vì muốn bán nhà cho nhanh và đỡ mất nhiều công sức mà chịu “xuống nước” cắt thêm một khoản.
Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ để người khác ép giá mình, và cũng không bao giờ đồng ý bớt tiền bán ở bước chuẩn bị ký hợp đồng. Và thực tế, có rất nhiều giao dịch không thể diễn ra thành công vào phút chót vì những bất đồng xảy ra ở bước này.
Với kinh nghiệm của tôi, nếu ưng ý một căn nhà, sau khi kiểm tra kỹ pháp lý, xem xét giá cả này nọ, tôi sẽ kiểm tra đến hình trạng căn nhà, nội – ngoại thất. Nếu thấy nhà có dấu hiệu xuống cấp, việc sửa chữa có thể tốn nhiều chi phí hoặc có một số chi tiết không hài lòng, tôi sẽ thương lượng giảm giá ngay với người bán. Khi đã đạt được thỏa thuận giá cả, các bước sau cứ làm theo tiến trình và không đề cập đến giá cả thêm lần nào nữa. Đó là cách tôi giữ chữ tín và sự kiên định của mình.
Hy vọng rằng những kinh nghiệm “xương máu” cuả tôi sẽ giúp bạn mua bán nhà dễ dàng và hiệu quả hơn!
Có thể bạn quan tâm:
- "Nếu biết cách đầu tư thì tiền sẽ đẻ ra tiền, nhà sẽ đẻ ra nhà"
- Lãnh trọn rắc rối vì hẻm nhỏ nhưng “khoái” xây nhà to
- Vợ chồng trẻ “vỡ mộng” ngay khi mua căn nhà đầu tiên
- Mua nhà Sài Gòn: Nếu không đủ tiền đi đường thẳng, hãy đi đường vòng!
- Nhiều năm không mua được nhà vì “kén cá chọn canh”
Hải Nguyên (ghi)
Từ khóa liên quan