Hồ sơ đăng ký mua nhà xã hội cần lưu ý và chuẩn bị những gì?
15/06/2019
Nhà ở xã hội là loại hình rất được quan tâm gần đây. Rever gửi đến bạn các lưu ý cần thiết và cách để chuẩn bị một hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội đầy đủ.
Nhà ở xã hội là loại hình đang rất được sự quan tâm thời gian qua, nhất là các gia đình có thu nhập thấp. Vậy nhà ở xã hội có những lưu ý gì và cách lập một bộ hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội như thê nào?
Bạn cần chú ý gì khi mua nhà ở xã hội?
Đầu tiên, bạn cần phải hiểu nhà ở xã hội là loại hình nhà ở thuộc sở hữu của các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận. Nhà ở xã hội được xây dựng nhằm mục đích cung cấp cho thị trường các căn hộ giá rẻ dành cho các đối tượng đặc biệt theo quy định pháp luật. Chính sách nhà ở xã hội có ý nghĩa xã hội rất to lớn.
Khi mua nhà ở xã hội, bạn cần phải lưu ý những điều sau:
-
Lưu ý thứ 1: Theo quy định pháp luật, nhà ở xã hội là các căn hộ có diện tích sàn không quá 60m2 và không được nhỏ hơn 30m2. Tùy theo diện tích đất tại địa phương mà con số này có thể tăng thêm 10%. Các căn nhà ở xã hội phải được thiết kế xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn hiện hành về chất lượng và an toàn .
-
Lưu ý thứ 2: Trong vòng 5 năm kể từ khi mua nhà ở xã hội, bạn không được phép thế chấp, trừ trường hợp thế chấp ngân hàng để mua chính căn hộ đó. Bạn cũng không được phép chuyển nhượng nhà ở xã hội dưới mọi hình thức trong vòng 5 năm kể từ ngày trả hết tiền mua nhà ở xã hội theo hợp đồng đã được ký kết.
Tuy nhiên, nếu có nhu cầu hoặc vì lý do gì đó bạn muốn bán lại nhà ở xã hội mà chưa đủ thời hạn 5 năm, bạn chỉ có thể bán lại cho nhà nước, chủ đầu tư hoặc những người thuộc diện được mua nhà ở xã hội.
-
Lưu ý thứ 3: Nếu muốn mua nhà ở xã hội, bạn phải thuộc diện thỏa mãn 3 điều kiện mua nhà ở xã hội theo quy định pháp luật. Đó là các điều kiện như gặp khó khăn về nhà ở, điều kiện về cư trú, điều kiện về thu nhập thấp. Chỉ cần không thỏa mãn bất kỳ điều kiện bạn cũng không thể tham gia thuê, mua nhà ở xã hội.
-
Lưu ý thứ 4: Khi đáp ứng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, bạn sẽ được hỗ trợ vay vốn mua nhà ở xã hội lên tới 80% giá trị căn nhà với lãi suất rất ưu đãi tại ngân hàng chính sách Việt Nam hoặc các ngân hàng khác. Vào năm 2018, mức lãi suất vay mua nhà ở xã hội là 4.8%/năm với ngân hàng chính sách và khoảng 5%/năm với các ngân hàng khác. Đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm giúp người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu căn nhà cho riêng mình.
Nhà ở xã hội là cơ hội đối vời các gia đình có thu nhập thấp
Bạn cần chuẩn bị gì trong hồ sơ mua nhà ở xã hội?
1. Hồ sơ chung:
Đây là các loại giấy tờ, thủ tục mà bất kỳ ai khi mua nhà ở xã hội đều phải chuẩn bị đầy đủ. Cụ thể như sau:
-
Đơn đăng ký mua nhà ở xã hội (theo mẫu): Rever gửi đến bạn mẫu đơn đăng ký mua nhà ở xã hội Ban hành kèm theo Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng
Mẫu đơn đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội
-
Chứng minh nhân dân (3 bản đã chứng thực).
-
Đăng ký hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ( 3 bản chứng thực).
-
Ảnh các thành viên trong gia đình( ảnh 3×4, mỗi thành viên 3 ảnh).
-
Các giấy tờ ưu tiên khác.
2. Hồ sơ chứng minh về đối tượng và thực trạng nhà ở:
Tiếp theo bạn cần phải có giấy xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở. Việc xin giấy xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở cụ thể như sau:
-
Bạn thuộc diện người có công với cách mạng thì phải có giấy tờ chứng minh theo quy định của pháp luật, xác nhận về thực trạng nhà ở hiện tại, đồng thời chưa nhận được sự hỗ trợ nào về nhà ở tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
-
Nếu bạn là đối tượng thuộc các điều 4, 5, 6, 7 của điều 49 Luật nhà ở thì cần phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức làm việc về đối tượng và xác nhận tình trạng nhà ở.
-
Bạn thuộc diện 8 của điều 49 Luật nhà ở thì phải có giấy xác nhận đã trả lại nhà ở công vụ do cơ quan quản lý công vụ cấp.
Nhà ở xã hội là chính sách xã hội rất ý nghĩa, tuy nhiên để mua được nhà xã hội bạn cần phải chú ý nhiều quy định kèm theo
-
Còn nếu bạn thuộc diện 9 thì phải có giấy xác nhận của cơ sở đào tạo nơi bạn đang học tập cấp.
-
Cuối cùng, bạn thuộc diện 10 của điều 49 Luật nhà ở thì phải cung cấp được bản sao chứng thực chứng minh bạn có tên trong danh sách thu hồi đất ở, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, kèm theo đó là giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có nhà, đất bị thu hồi về việc chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở tái định cư.
Điều 49. Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:
1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn.
3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.
5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân.
7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này.
9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập.
10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
3. Hồ sơ chứng minh điều kiện cư trú:
Nếu muốn mua nhà ở xã hội, bạn cần phải có bản sao chứng thực hộ khẩu thường trú hoặc giấy đăng ký hộ khẩu tập thể tại địa phương có dự án nhà xã hội.
Trong trường hợp, không có hộ khẩu thường trú, bạn phải cung cấp được bản sao chứng thực giấy đăng ký tạm trú. Hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm trở lên tính đến thời điểm nộp đơn hoặc hợp đồng lao động không thời hạn và phải có giấy xác nhận chứng minh đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan bảo hiểm thuộc địa phương có dự án nhà ở xã hội.
Nếu bạn rơi vào trường hợp làm việc ở chi nhánh, văn phòng đại diện công ty tại địa phương nhưng tham gia bảo hiểm xã hội tại tỉnh thành phố đặt trụ sở chính thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị bạn tham gia bảo hiểm.
4. Hồ sơ chứng minh về thu nhập:
Đối với việc chứng minh thu nhập được quy định như sau, nếu bạn thuộc diện 4 điều 49 Luật nhà ở, bạn cần phải kê khai thu nhập và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình đã kê khai.
Nếu bạn thuộc diện 5, 6, 7 thì cần phải xác nhận của cơ quan, đơn vị đang làm việc chứng minh mức thu nhập của bạn thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập.
Mẫu kê khai thu nhập cá nhân dành cho đối tượng đang công tác tại các cơ quan, đơn vị
Bạn có thể tìm hiểu thêm các dự án nhà xã hội đang được triển khai trên đía bàn TP.HCM qua tài liệu tổng hợp duy nhất dưới đây:
Có thể bạn quan tâm:
- 6 màn kịch lừa đảo mua bán nhà đất và cách phòng tránh để không trở thành nạn nhân
- Kinh nghiệm cho thuê nhà nguyên căn đạt lợi nhuận cao
- Đất nền Quận 2: Có đáng để đầu tư thời điểm này?
- Bảng danh sách tất cả dự án thương mại đang triển khai tại khu vực huyện ngoại thành TP.HCM
- Bảng danh sách tất cả dự án nhà ở xã hội đang triển khai tại TP.HCM, người mua nhà phải biết
Hoàng Triều (Tổng hợp)
Từ khóa liên quan