Di dời bến xe miền Tây về Phú Mỹ Hưng
03/12/2016
Bến xe Miền Tây mới sẽ được xây tại khu E của khu Đô thị Phú Mỹ Hưng với diện tích gần 20ha, phục vụ 50.000 hành khách mỗi ngày và kết nối đồng bộ với hệ thống metro, xe buýt nhanh...
>>> TP.HCM sắp xây cầu Thủ Thiêm 3 và cầu chữ N
>>> Thị trường căn hộ bình dân TP HCM tăng nhiệt
>>> Phí bảo trì chung cư được tính thế nào, do ai quản lý?
Ngày 29 – 11, UBND TP.HCM đã giao Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn di dời Bến xe Miền Tây hiện hữu tại số 395 đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân.
Đồng thời, khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng bến xe Miền Tây mới tại khu E, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh thuộc Khu đô thị Nam Sài Gòn - khu E của Phú Mỹ Hưng.
Sau khi hoàn tất công tác di dời bến xe miền Tây hiện hữu, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn chịu trách nhiệm lựa chọn đối tác hợp tác kinh doanh, khai thác các hạng mục thương mại thuộc dự án khu phức hợp ở bến xe miền Tây cũ.
Trong đó, UBND TP.HCM sẽ ưu tiên lựa chọn Saigon Co.op là đối tác hợp tác khai thác đầu tư xây dựng phần Trung tâm thương mại – siêu thị Co.opmart.
Bến xe miền Tây hiện hữu sẽ trở thành trung tâm thương mại
Trước đó, UBND TP.HCM đã duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của bến xe Miền Tây mới thuộc khu E – khu Đô thị mới Nam Sài Gòn tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh với diện tích gần 20ha. Công suất dự kiến phục vụ 50.000 lượt hành khách mỗi ngày và 2.500 lượt xe xuất bến trong ngày.
Bến xe Miền Tây mới là đầu mối giao thông quan trọng, đảm bảo sự kết nối, liên thông của hệ thống giao thông công cộng trên các trục quốc lộ 1A, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và đại lộ Nguyễn Văn Linh hiện hữu. Đảm bảo kết nối các khu dân cư, khu đô thị mới.
Bến xe Miền Tây mới cũng được tổ chức không gian theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) gắn với công trình tổ hợp đa chức năng gồm khách sạn, thương mại dịch vụ, văn phòng, trung tâm mua sắm… kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông công cộng như tuyến metro số 3a, monorail số 2, xe buýt nhanh – BRT và xe buýt gom trong tương lai.
Tổ chức kết nối giao thông đồng bộ, tách biệt luồng giao thông giữa đi đến, đối nội đối ngoại, tránh xung đột giao cắt, giảm ùn ứ tại khu vực trong và ngoài bến xe...
UBND TP.HCM giao Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn làm chủ đầu tư và yêu cầu việc lập đồ án quy hoạch chi tiết phải hoàn thành trước cuối năm nay.
Hồi đầu năm 2014, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép điều chỉnh quy hoạch bến xe Miền Tây mới về xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh – khu E của Phú Mỹ Hưng với quy mô từ 16 – 20ha, thay quy hoạch tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh như trước đây và đã được chấp thuận.
Nhiều năm trước, UBND TP.HCM đã có chủ trương chuyển các bến xe ra ngoại thành. Đồng thời mở rộng diện tích các bến xe để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.
Do đó, UBND TP.HCM cũng phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bến xe Miền Đông mới với diện tích hơn 160.000 m2 ở phường Long Bình, quận 9 và phường Bình Thắng, Dĩ An, Bình Dương. Tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Công trình gồm bốn khu A, B, C, D. Trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích hơn 122.000 m2. Khu B là trạm xe buýt cao 2 tầng, khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa cao 5 tầng và khu D là khu thương mại dịch vụ cao 15 tầng.
Theo Pháp luật
>>> TP.HCM sắp xây cầu Thủ Thiêm 3 và cầu chữ N
>>> Thị trường căn hộ bình dân TP HCM tăng nhiệt
>>> Phí bảo trì chung cư được tính thế nào, do ai quản lý?
Từ khóa liên quan