Có nên góp tiền mua nhà với người mình yêu không?
13/12/2019
Việc cùng người yêu góp tiền mua nhà đang được nhiều người trẻ lựa chọn như một hình thức đầu tư cho tương lai, khi cả hai kết hôn sau này.
Với những người đang yêu nhau, thì hầu như ai cũng đều mơ ước về "ngôi nhà và những đứa trẻ". Nhiều cặp đôi còn tính đến chuyện góp tiền cùng nhau mua nhà như một cách đầu tư cho tương lai cả hai. Nhưng...
Nhưng... ở đời mấy ai nói trước được chuyện gì. Bỗng dưng một ngày bạn và người yêu của mình "Cơm không còn lành, canh không còn ngọt". Cả hai không còn muốn đội chung một mái nhà với nhau nữa thì "Chia tay, chia của" là điều tất nhiên phải xảy ra. Nhưng lúc này vấn đề xuất hiện là: Căn nhà cả hai đang ở sẽ được chia như thế nào?.
Thực tế, có khá nhiều trường hợp một trong hai người phải ngậm đắng nuốt cay mất trắng. Hoặc kiện cáo tranh chấp giành quyền sở hữu ngôi nhà chỉ vì không rõ ràng trong thỏa thuận ban đầu về quyền sở hữu.
Một ví dụ điển hình về sai lầm mà các cặp đôi yêu nhau khi quyết định góp tiền mua nhà về ở chung thường mắc phải đó chính là thường chỉ để một người đứng tên sở hữu nhà. Mà không có bất kỳ hình thức nào nhằm xác nhận người còn lại cũng "góp gạo thổi cơm chung".
Để rồi đến khi xảy ra chuyện, người mình từng thương nay quay ngoắt 180 độ, xem mình như "kẻ thù" thì tình không còn, tiền cũng bay xa.
Sở hữu ngôi nhà chung luôn là mơ ước của nhiều người đang yêu, nhưng cần làm gì để tránh rủi ro nếu xảy ra vấn đề?
Vậy góp tiền mua nhà với người yêu, làm thế nào để tránh rủi ro?
Tất nhiên, đây chỉ là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Không ai khuyên bạn không nên cùng người yêu góp tiền mua nhà cả vì đó là một cách cả hai cùng đầu tư vào tương lai, vào tổ ấm sau này. Việc bạn cần làm chỉ là nên lý trí một chút, thực hiện các nguyên tắc dưới đây để tránh rủi ro khi xảy ra vấn đề
Cùng đứng tên đồng sở hữu:
Đây chính là nguyên tắc quan trọng nhất mà bạn và người yêu cần thực hiện. Việc cùng đứng tên sở hữu trên hợp đồng mua bán nhà, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ đảm bảo được quyền lợi của bạn đối với tài sản.
Không chỉ vậy, điều này cũng sẽ hạn chế rủi ro nên chẳng may xảy ra vấn đề thì người còn lại cũng không thể đơn phương bán, sang nhượng tài sản mà không có ý kiến của bạn được.
Rõ ràng về tỉ lệ góp vốn
Ngoài việc cùng đứng tên sở hữu nhà, việc kê khai rõ ràng tỉ lệ góp vốn là bao nhiêu cũng hết sức quan trọng. Đây sẽ là căn cứ để xác định tỉ lệ phân chia tài sản nếu hai người xảy ra vấn đề. Bạn và người yêu nên lập một bản hợp đồng góp vốn để mua căn hộ chung cư hoặc nhà đất, trong đó có đề cập rõ ràng tỉ lệ góp vốn là bao nhiêu.
Lưu ý, hợp đồng góp vốn này cũng cần phải được công chứng để đảm bảo tính pháp lý, được pháp luật công nhận. Trong trường hợp đó là bản hợp đồng viết tay thì ngoài bạn và người yêu cần có một người thứ ba làm chứng, để tránh trường hợp một trong hai bên phủ nhận giá trị hợp đồng.
Hợp đồng góp vốn mua nhà là yếu tố cần thiết để xác đảm bảo quyền lợi của bạn
Thông thường khi xảy ra vấn đề phân chia tài sản góp vốn sẽ có hai hướng giải quyết.
-
Một là tiến hành rao bán nhà, căn hộ và chia số tiền bán được theo tỉ lệ góp vốn.
-
Hai là tiến hành định giá nhà đất ở thời điểm hiện tại và một trong hai bên nếu có nguyện vọng sở hữu căn nhà thì phải trả cho bên còn lại số tiền tương đương với tỉ lệ góp vốn ban đầu.
Như vậy, với câu hỏi "Có nên góp tiền mua nhà với người mình yêu không" thì theo ý kiến riêng của Rever là NÊN. Tuy nhiên, bạn cần phải thận trọng và đưa ra những quy định, hợp đồng rõ ràng trong việc ai đứng tên giấy tờ nhà, ai góp vốn nhiều hơn... để phòng tránh những trường hợp cả hai kéo nhau ra tòa sau này.
Bạn đang theo dõi bài viết: Có nên góp tiền mua nhà với người mình yêu không? Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm hiểu các thông tin kiến thức hữu ích khác qua tài liệu Rever biên soạn dưới đây:
Có thể bạn chưa biết:
- Quận 4 chuẩn bị chào đón "siêu" dự án resort 4.0 Sunshine Horizon
- 90% người đầu tư bất động sản trắng tay vì không nắm được những điều này
- Cùng REVER chọn mua 50 chung cư Quận 2 theo từng ngân sách cụ thể
- 3 nỗi lo lớn nhất khi đăng tin bán nhà và kinh nghiệm dành cho bạn
- "Vạch mặt" ngay những chiêu thức lừa đảo khiến người bán nhà mất sạch tiền
Hoàng Triều (BT)
Từ khóa liên quan