Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà vừa ban hành Thông tư 53 ngừng hiệu lực thi hành quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ gây xôn xao mới đây.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà vừa ban hành Thông tư 53 ngừng hiệu lực thi hành quy định ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ theo nội dung Thông tư 33 gây xôn xao dư luận mới đây.
Cụ thể, Thông tư 53/2017/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 5, điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT (ban hành ngày 29.9.2017) về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hộ gia đình.
Bộ Tài nguyên - Môi trường giao Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn, tổ chức thi hành Thông tư 53/2017, có hiệu lực từ ngày 5.12 tới.UBND các cấp, sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
“Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên - Môi trường để xem xét, giải quyết”, Thông tư 53 của Bộ này nêu rõ.
Trước đó, Thông tư 33 của Bộ TN-MT có hiệu lực từ 5/12/2017 quy định “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình…; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Bên cạnh những lợi ích cho việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu nhà đất, Thông tư 33 được cho là sẽ làm chậm quá trình cấp sổ đỏ và còn nhiều bất cập.
Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc cùng sử dụng đất hoặc cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)”. Như vậy, Thông tư 33 năm 2017 đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ.
Theo một chuyên gia thuộc Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), sau khi đầy đủ tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ, thì thủ tục chuyển nhượng vẫn không có gì thay đổi so với hiện nay do vẫn phải có ý kiến của tất cả những người có quyền lợi liên quan tài sản nêu trong sổ đỏ. Việc ghi đầy đủ tên những người có quyền lợi liên quan đến tài sản như vợ, chồng, anh, em… thêm vào chỉ để cho rõ ràng, phân minh hơn là ghi một người như quy định hiện nay.
“Khi xác minh để ghi tên những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào sổ đỏ, sẽ làm rõ người ấy có công sức đóng góp tạo ra tài sản đó không hoặc có thuộc quyền được sở hữu tài sản do ông cha để lại hay không. Nếu trường hợp con cái trong gia đình còn nhỏ, chưa đóng góp công sức vào việc tạo ra tài sản thì không được ghi tên trong sổ đỏ”, vị này nói và cho ví dụ: “Gia đình A có 10 anh chị em, được thừa kế chung mảnh đất ông cha để lại, khi làm sổ đỏ theo Thông tư 33 thì ghi cả tên, tuổi cả 10 người này vào. Tuy nhiên, các thành viên có thể thỏa thuận, nếu tất cả thống nhất, có thể chỉ ghi tên 1 hoặc một vài người đại diện vào sổ đỏ”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, đánh giá việc ghi thêm các thành viên trong gia đình có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ là biện pháp để giảm thiểu tranh chấp. Ghi rõ ràng ngay từ khi đăng ký sẽ minh bạch hơn quyền của các thành viên trong gia đình đối với tài sản là đất, nhà nhằm tránh khiếu kiện sau này.
Thực tế cho thấy nhiều trường hợp một người mang sổ đỏ đi bán hay cầm cố ngân hàng mà các thành viên khác trong gia đình không biết. Vì thế, lãnh đạo một chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM cũng cho rằng quy định cập nhật hết các thành viên trong gia đình sẽ hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên theo ông, quy định này sẽ chi phối chủ yếu đất nông nghiệp ở vùng quê, thường giao cho hộ gia đình cá nhân. Còn đất ở đô thị như TP.HCM, Hà Nội thì không bị ảnh hưởng nhiều.
Luật sư (LS) Đỗ Văn Giáp, Giám đốc Công ty luật GapLaw & Partners (Đoàn LS TP.Hà Nội), nhìn nhận Thông tư 33 góp phần khắc phục một số tồn tại, bất cập liên quan sổ đỏ. Việc xác định rõ chủ thể tham gia giao dịch sẽ làm giảm các rủi ro khi thực hiện các giao dịch bất động sản, hạn chế nhiều nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện, lừa đảo tiềm tàng trong đó. Còn theo LS Trần Đức Phượng, Thông tư 33 làm rõ ngay tại thời điểm cấp sổ đỏ cho chủ thể là hộ gia đình gồm những ai. Ngược lại, xác định lô đất là tài sản riêng chỉ cần ghi tên chủ hộ, sau này khi mua bán thì chủ hộ toàn quyền mua bán. Do rõ ràng về chủ thể nên khi nhà nước thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ cũng được xác định cụ thể và sát với thực tế hơn.
Bên cạnh những lợi ích cho việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu nhà đất, quy định trên lại được cho là sẽ làm chậm quá trình cấp sổ đỏ, đồng thời, còn nhiều khuất mắc trong việc, xác nhận các thành viên hợp pháp trong gia đình. Tại thời điểm thực hiện các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất thì rất nhiều trường hợp sổ hộ khẩu gia đình đã có những biến động, phát sinh thêm thành viên gia đình hay thành viên gia đình đã tách khẩu, tách hộ… Trong trường hợp này, việc xác định thành viên hộ gia đình dựa vào sổ hộ khẩu không còn phù hợp nên công chứng viên, người thực hiện chứng thực, các cơ quan sẽ yêu cầu “hộ gia đình” phải có giấy/đơn xin xác nhận của cơ quan công an hoặc UBND cấp xã về các thành viên của hộ gia đình mình tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây chính là cơ sở quan trọng để công chứng viên, người chứng thực xác định thành viên “hộ gia đình sử dụng đất” khi thực hiện công chứng, chứng thực của hộ gia đình.
Vì vậy, việc ngưng hiệu lực quy định ghi cả tên gia đình lên sổ đỏ là quyết định phù hợp để cân nhắc những phương án tốt hơn và tiện lợi hơn cho đối tượng sở hữu đất đai.
Thế An (Theo Thanh Niên)
Bạn cũng có thể tìm hiểu các thủ tục cần thực hiện trong quá trình mua bán nhà tại Cẩm nang do Rever biên soạn:
Thông tin liên quan: