Những rủi ro và cách phòng tránh khi nhờ người khác đứng tên mua nhà
02/10/2017
Trong bài viết này, Rever sẽ đưa ra những rủi ro cũng như cách phòng tránh khi nhờ người khác đứng tên mua nhà mà bạn nên biết.
Nhiều người vì lý do nào đó đã giao tiền cho bạn bè, người thân giao dịch mua bán nhà và đứng tên trên giấy tờ nhà. Nhưng họ không ngờ đến những hậu quả xảy ra về sau, khiến "tiền mất tật mang". Trong bài viết này, Rever sẽ đưa ra những rủi ro cũng như cách phòng tránh khi nhờ người khác đứng tên mua nhà mà bạn nên biết.
Nhờ đứng tên giao dịch mua bán nhà, mất trắng tiền tỷ
Để bạn đọc hiểu hơn về trường hợp nhờ người khác đứng tên mua nhà, Rever đưa ra câu chuyện dưới đây:
Một khách hàng tên Thảo đang muốn đầu tư căn hộ chung cư tại khu vực Quận 2 (TP.HCM). Khi chị Thảo được người bạn thân của chị kể rằng có em gái rất giỏi trong việc mua bán nhà đất với giá ưu đãi, chị Thảo đã liên lạc ngay. Em gái của bạn chị Thảo tên là Nhung, khoe chơi thân với sếp lớn là chủ đầu tư một dự án lớn ở khu vực Quận 2 nên có thể mua giúp căn hộ với giá rẻ hơn thị trường. Sau khi trao đổi, chị Thảo thấy tin tưởng nên nhờ chị Nhung thay mặt thực hiện giao dịch, giao trước 70 triệu đồng tiền cọc theo yêu cầu.
Cầm hợp đồng và phiếu thu, chị Thảo sau đó giao tiếp hơn một tỷ đồng cho chị Nhung. Lần nào đến đưa tiền, chị Thảo cũng gặp chị Nhung tại trước trụ sở công ty của chủ đầu tư dự án này. Xem thêm: Lời khuyên dành cho những người trẻ tuổi muốn đầu tư vào bất động sản.
Khi chưa thấy giao nhà như thoả thuận mà chị Nhung lại liên tục yêu cầu đưa thêm tiền, chị Thảo bắt đầu nghi ngờ. Sau đó, chị Thảo tự xác minh và tìm hiểu thì phát hiện mình đã bị lừa. Toàn bộ chứng từ chị Thảo đã nhận từ chị Nhung đều là giả mạo. Kết quả là chị Thảo bị lừa hơn 1 tỷ đồng và mất khá nhiều thời gian trong việc khởi kiện.
Nhờ người khác đứng tên giao dịch mua bán nhà và đứng tên sổ đỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo Rever tìm hiểu, việc ủy quyền cho người khác đứng tên giao dịch mua nhà là dạng giao dịch dân sự đặc biệt. Giao dịch này chỉ có giá trị khi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và bắt buộc do chủ của tài sản đó thực hiện.
Cá nhân có thể thông qua trung gian hay môi giới để tiếp cận được tài sản cần mua, nhưng khi tiến hành các giao dịch như "đặt cọc" hay giao kết "hợp đồng chuyển nhượng" thì bắt buộc phải trực tiếp giao dịch. Đây là kiến thức pháp lý cơ bản mà người dân cần biết để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tham khảo ngay: 9 câu hỏi tránh bị môi giới qua mặt.
Hiện nay xảy ra khá nhiều trường hợp người được nhờ đứng tên giao dịch ban đầu không có ý định chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên sau khi nhận số tiền lớn thì vì nhiều lý do mà nảy sinh ý xấu. Do đó, người dân tuyệt đối không nên nhờ người khác thực hiện các giao dịch liên quan đến mua bán các tài sản giá trị lớn như: nhà ở, xe hơi...
Rủi ro khi nhờ người khác đứng tên giao dịch và đứng tên sổ đỏ là gì?
Việc nhờ người khác mua, đứng tên (kể cả trường hợp chỉ đứng tên trên giao dịch viết tay) tiềm ẩn một số rủi ro. Về chủ quan, người được nhờ nếu có ý định chiếm đoạt sẽ không chịu sang tên, trả lại tài sản, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất trong các tranh chấp liên quan nhờ đứng tên.
Nếu nhờ người khác mua, đứng tên chủ tài sản cần lập thành văn bản có người làm chứng, giữ giấy tờ đăng ký sở hữu tài sản sau khi giao dịch chuyển nhượng hoàn tất. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu chiếm đoạt, bạn cần làm ngay đơn gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có biện pháp can thiệp, ngăn chặn. Nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra.
Một rủi ro khác là người đứng tên trên sổ đỏ chết và theo quy định tài sản đó đương nhiên trở thành di sản của người đã chết và được chia thừa kế theo quy định. Những người thừa kế lại không chịu thừa nhận về nguồn gốc thực sự của tài sản đó cho dù họ biết hay không biết giao dịch nhờ đứng tên này. Hoặc trong thời gian này, xảy ra việc ly hôn và người chồng hoặc vợ yêu cầu chia tài sản chung do tài sản này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân.
Rủi ro nữa là khi người được nhờ đứng tên có một nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba và theo quyết định của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ… Khi đó, quyền lợi của người chủ thực sự sẽ không được đảm bảo, thậm chí hoàn toàn mất đi quyền lợi đáng lẽ được hưởng với tư cách là chủ sở hữu của bất động sản. Xem thêm: Những kinh nghiệm quý giá khi cho người khác thuê căn hộ chung cư.
Người được nhờ đứng tên nếu có ý định chiếm đoạt sẽ không chịu sang tên, trả lại tài sản, phủ nhận giao dịch nhờ đứng tên
Xét theo góc độ pháp lý, việc bạn nhờ đứng tên Giấy chứng nhận là trái với quy định của pháp luật. Khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Vì vậy, khi bạn nhờ người đứng tên trên giấy chứng nhận thì Nhà nước đã thừa nhận quyền sử dụng/sở hữu của người đó đối với nhà, đất, trong khi thực tế họ không phải là chủ dụng/sở hữu thực sự của nhà đất.
Nếu không chứng minh được là chủ sở hữu nhà thật sự, đương nhiên bạn sẽ không được công nhận quyền sở hữu nhà dẫn đến mất trắng tài sản do mình bỏ tiền ra mua. Ngay cả trong trường hợp bạn chứng minh được mình là chủ sở hữu nhà thật sự thì cũng chịu nhiều thiệt hại về thời gian và tiền bạc trong thời gian tranh chấp.
Đọc ngay: 5 nhầm lẫn có thể khiến bạn mất oan tiền tỷ khi đầu tư địa ốc.
Tóm lại, nếu không muốn gặp rủi ro, bạn không nên nhờ người khác đứng tên khi mua nhà. Khi bắt buộc phải nhờ người đứng tên sổ đỏ, bạn nên cân nhắc kĩ, lập những cam kết, thỏa thuận rõ ràng, giữ những hóa đơn, chứng từ có thể chứng minh bạn là chủ sở hữu nhà thật sự để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.
Trên đây, Rever đã đề cập đến Những rủi ro và cách phòng tránh khi nhờ người khác đứng tên mua nhà. Ngoài ra, nhằm giúp bạn đọc hạn chế những rủi ro phát sinh trong quá trình giao dịch mua bán nhà đất, Rever gửi đến bạn tài liệu Cẩm nang hướng dẫn vay vốn mua nhà qua tài liệu tải về dưới đây:
Có thể bạn quan tâm:
- Thời hạn bảo hành căn hộ chung cư được tính thế nào?
- 12 kinh nghiệm để không mua nhầm căn hộ chung cư
- 4 điểm cần lưu ý trước khi ký vào hợp đồng thuê nhà
Hùng Phú
Từ khóa liên quan