6 "bẫy" tiền bạc người trẻ thường sa lầy khiến việc mua nhà mãi là giấc mơ
21/03/2022
Tôi cũng như bạn, cũng hiểu rằng rất khó để hình thành ý thức tiết kiệm tiền mua nhà, nhất là khi xung quanh đầy rẫy những cám dỗ.
Tôi có một người bạn, buổi sáng chị ấy lên mạng xã hội chia sẻ tin tức “Giá nhà TP.HCM tăng nhanh chóng mặt” kèm dòng trạng thái đầy chất thơ “Ước mơ mãi là mơ ước!”. Đến chiều, cũng chị ấy, lại đi ăn nhà hàng, mua hàng hiệu và cà thẻ tín dụng bạt mạng.
Tôi nghĩ đó cũng là hình ảnh chung của nhiều bạn trẻ ngày nay. Các bạn ấy miệng thì nói rằng muốn mua nhà nhưng tay thì cứ vung tiền vô tội vạ. Nhiều lúc chị bạn tôi lại bảo: “Thôi, tiêu nốt hôm nay, chuyện mua nhà từ từ tính cũng được”. Và cứ như thế, câu chuyện mua nhà cứ xa dần, xa dần...
Theo tôi quan sát, những người bạn trẻ xung quanh tôi dễ sa lầy vào 6 “bẫy” tiền bạc thường gặp này, khiến mộng mua nhà ngày càng xa khỏi tầm tay:
Luôn lấy cớ mỗi khi không tiết kiệm được tiền
Người trẻ thường nói "Chuyện mua nhà để từ từ, phải hưởng thụ trước đã".
Có phải mỗi khi bạn muốn mua một món hàng xa xỉ thì lại có một giọng nói thỏ thẻ bên tai rằng: “Mình đã làm việc vất vả cả tháng trời, coi như là tự thưởng cho bản thân”. Đó chính là giọng nói của thói buông lơi, giải đãi khiến bạn chẳng bao giờ tiết kiệm được tiền mua nhà.
Người trẻ ngày nay còn hằng hà sa số các lý do khác để tự bao biện cho thói phung phí của mình như:
- Sống là phải hưởng thụ, tiết kiệm là phí hoài tuổi trẻ
- Do thu nhập thấp nên tôi chưa tiết kiệm được tiền
- Tiền giấy giờ mất giá, tiết kiệm làm gì
Và còn nhiều lý do khác nữa. Tôi cũng như bạn, cũng hiểu rằng rất khó để hình thành ý thức tiết kiệm tiền, nhất là khi xung quanh đầy rẫy những cám dỗ.
Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi bản thân rằng mình sẽ thuê nhà đến bao giờ? Khi nào mình mới được sống trong chính căn nhà của mình? Làm sao bạn có thể mua được nhà, dù là mua nhà trả góp, khi số tiền đóng đợt đầu còn chưa có đủ?
Mua xe sang khi chưa cần thiết
Vung tiền mua xe đắt đỏ là một khoản chi tiêu vô ích.
Chính người bạn thân của tôi cũng rơi vào bẫy này. Ngày trước, chị ấy đi làm bằng chiếc xe Lead, còn mới và tốt. Ấy vậy mà chị ấy lại thích chiếc Vespa đời mới nên liền bán chiếc xe Lead đang chạy tốt, mua trả góp chiếc Vespa.
Sự vui thích và cảm giác hãnh diện khi lái xe xịn, được người xung quanh trầm trồ kéo dài không quá một tháng. Sau đó, thật không may chiếc Vespa bị hư hỏng gì đó, chị bạn buộc phải đem xe vào đúng hãng của Vespa để sửa, dù chi phí rất cao nhưng bên ngoài không sửa được dòng xe đặc biệt này.
Bài học ở đây là đừng mua xe chỉ để gây ấn tượng với người khác. Đó sẽ là một khoản chi vô ích và khiến bạn mắc kẹt vào việc trả góp dài hạn, đặc biệt khi đó là tất cả tiền mà bạn dành dụm được. Không chỉ vậy, chiếc xe mới xuất xưởng sẽ giảm ngay 30% giá trị trong năm đầu và nửa giá trong 3 năm sau, dù nó vẫn chạy tốt.
Do đó, hãy thông minh và tỉnh táo khi muốn đổi xe. Bạn nên nhớ rằng, không ai thực sự quan tâm tới chiếc xe bạn lái đâu. Bạn có thể mua chiếc xe vừa giá, xe cũ nhưng còn tốt. Khoản tiền còn lại, bạn có thể tích cóp và đầu tư, hay dùng khi có cơ hội làm ăn. Làm được điều đó thì hành trình mua nhà của bạn mới có tiến triển.
Phí phạm tiền vào việc ăn ngoài
Thu nhập càng cao, người trẻ càng "lạm phát" lối sống.
Bạn có còn nhớ thời còn là sinh viên, khi chưa chính thức đi làm, bạn đã ăn uống và dành dụm như thế nào không? Có phải thu nhập càng tốt hơn thì bạn càng bị “lạm phát” lối sống? Bạn có thể sẽ sốc nếu ngồi tính lại tổng số tiền đã tiêu cho thói ăn cơm hàng thoải mái vào mỗi cuối tháng.
Ai cũng muốn đời sống tinh thần được nâng cao khi vật chất đầy đủ hơn. Do đó, đến nhà hàng sang ăn uống, được phục vụ lịch sự cũng chỉ để thỏa mãn nhu cầu đó. Tuy nhiên, nếu cứ hứng lên là đi ăn ngoài, lại còn tụ tập bạn bè thường xuyên thì số tiền sẽ đội lên khủng khiếp.
Để tránh “lạm phát” lối sống, bạn phải kiên định và có kế hoạch, một tháng 2 lần hay tuần 1 lần, lựa chọn trước chỗ tới, chi trong một khoản nhất định. Ngoài ra, hạn chế ăn hàng, tự chế biến thức ăn tại nhà cũng là một cách giúp bảo vệ sức khỏe trước những vấn nạn ăn uống ngày nay.
Đam mê du lịch bất tận
Thu nhập chưa cao vẫn vung tiền đi du lịch thường xuyên thì bạn khó lòng tích cóp tiền cho những việc lớn.
Ngày nay, dạo một vòng trên mạng xã hội, bạn sẽ bị phủ vây bởi các thông điệp mời gọi đi du lịch, từ trang cá nhân của bạn bè đến các thông tin quảng cáo.
Hôm nay anh A đăng ảnh du lịch Hội An với dòng status “Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ”, ngày mai cô B lại đổi ảnh đại diện cảnh đi du lịch Thái Lan với tâm trạng “Xách ba-lô lên và đi”.
Bạn chợt cảm thấy sao cuộc đời mình nhàm chán quá vậy? Tại sao mình cứ ở nhà? Vậy là bạn quyết định đặt vé đi Đà Lạt. Và cứ thế, một năm bạn đi du lịch 5, 6 lần!
Đi du lịch không phải là điều xấu. Nó giúp bạn thư giãn và khám phá nhiều điều mới mẽ. Nhưng đi du lịch xa là việc tốn kém, đặc biệt đối với những bạn trẻ chưa có tích lũy.
Do đó, thay vì cứ hứng lên là đi du lịch xa, bạn nên dành thời gian để học hỏi, đọc sách và tìm cách tăng tiến thu nhập. Chưa dư dã, muốn dành tiền mua nhà thì một năm chỉ nên đi du lịch 1, 2 lần là đủ. Đi du lịch vui thì có vui, nhưng quay về cũng tốn nhiều thể lực, gây ảnh hưởng đến học tập và công việc.
"Cà" thẻ tín dụng bạt mạng
Thẻ tín dụng là con dao hai lưỡi.
Người bạn của tôi có đến 4 cái thẻ tín dụng. Ban đầu, chị ấy chỉ mở thẻ để lấy quà tặng như dù, bình nước,… chứ không dùng. Nhưng rồi đến lúc chi tiêu tiền mặt quá đà, chị ấy đành phải “cà” thẻ để có tiền tiêu.
Đến nay dường như việc “cà” thẻ đã thành thói quen, chị ấy trở nên tiêu vô tội vạ, những khi sắp trễ hạn đóng tiền thẻ thì lại chạy đi vay mượn người này, người kia.
Thẻ tín dụng là một con dao hai lưỡi. Nếu dùng, bạn nên giữ một ngân sách cố định cho khoản tiêu xài qua thẻ, luôn kỷ luật với bản thân, không nên mở thêm các thẻ tín dụng mới chỉ để nhận những phần thưởng không đáng.
Không có khái niệm đầu tư tiền bạc
Đầu tư và tái đầu tư. Đó là con đường nhanh nhất để đạt mục tiêu mua nhà.
Càng đầu tư sớm, bạn càng tích luỹ được nhiều và nhanh đạt được mục tiêu mua nhà. Hãy lên kế hoạch cụ thể về số tiền bạn có thể trích ra mỗi tháng để đầu tư. Bạn có từng nghe đến “lãi kép”, tức là đầu tư rồi lại tái đầu tư cả vốn lẫn lời? Tin tôi đi, nếu đầu tư theo cách này bạn sẽ sớm nhìn thấy cảnh “tiền đẻ ra tiền”.
Thời gian trôi rất nhanh và thế giới biến động không ngừng. Nếu không muốn bị bỏ lỡ các cơ hội đầu tư tốt, bạn nên chuẩn bị ngay cho mình một số vốn để dành. Hãy trò chuyện và học từ những người bạn tốt, có kinh nghiệm đầu tư, làm ăn, biết đâu bạn sẽ tìm được cơ hội tham gia một vụ đầu tư ra trò đấy nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Cảnh báo: Nếu bạn có ý định vay tiền mua nhà, hãy đọc kỹ bài viết này!
- "Dư bao nhiêu tiền tôi đều từ thiện chứ nhất quyết không mua nhà"
- Cảnh giác lừa đảo nhà đất: Muôn kiểu lừa tiền đặt cọc
- Chung cư 50 năm: Tiền tỷ hóa hư không khi hết thời hạn sử dụng?
- 5 chiêu thức lừa đảo cho thuê phòng trọ và cách phòng tránh hiệu quả
- Cảnh giác: 8 chiêu lừa đảo mua bán nhà đất 2020 và cách phòng tránh hiệu quả
- Mua căn hộ chung cư cần xem xét kỹ 9 tiện ích này
- Mua nhà giá tốt như dân buôn bất động sản chuyên nghiệp bằng 7 cách sau đây
- Bị lừa mất trắng khi mua nhà dù cầm trên tay sổ hồng!
- Cảnh giác lừa đảo nhà đất: Xem đất "đi dễ khó về"
- "Có tiền tỷ trong tay, tôi cũng chỉ đi thuê nhà, tuyệt đối không mua"
Nguyên Phương
Từ khóa liên quan