Nhờ có quý nhân chỉ cho 4 ‘bí kíp’ này mà từ 200 triệu tôi mua được nhà Sài Gòn
19/02/2022
Mua được nhà Sài Gòn, một phần là nhờ chịu khó, một phần là nhờ tôi có quý nhân chỉ dạy cho những kinh nghiệm bước đầu.
Mấy người bạn thường chọc tôi là “nhà giàu mới nổi” vì là dân tỉnh, từ 200 triệu mà mua nhà Sài Gòn. Nghĩ cũng đúng, mới hơn chục năm trước tôi còn là anh nhà quê từ Mỹ Tho lên Sài Gòn lập nghiệp mà nay tôi đã có trong tay 1 căn nhà ở Thủ Đức, 1 chung cư ở Phú Mỹ Hưng và 2 miếng đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Thật sự thì có được như hôm nay một phần là nhờ chịu khó, một phần là nhờ tôi có quý nhân chỉ dạy cho những kinh nghiệm bước đầu.
Kinh nghiệm mua nhà #1: Phải biết phân biệt miếng nào để đầu tư, miếng nào để an cư
Dân mình cứ ham rẻ, đâm đầu đi mua đất trồng cây, đất vướng quy hoạch để … xây nhà. Bởi vậy nên mấy công ty ma mới theo đó mà “lùa gà” bán hoài. Rồi có người lại hỏi, sao mấy công ty ma làm ăn lừa đảo mà cứ sống mãi, bán đất trồng cây mà sao nhiều người mua vậy? Đó là vì quý vị chưa phân biệt được miếng nào để đầu tư, miếng nào để an cư.
Thực tế thì trong số những người mua đất của mấy công ty ma đó cũng có người đầu tư “trúng đậm”, làm nên cả gia tài! Đọc đến đây chắc hẳn có người sẽ nói tôi cổ xúy cho lừa đảo này nọ, nhưng sự thật là nhiều người nhờ "trúng" đất trồng cây mà mua nhà Sài Gòn!
Nói thẳng ra là, những người đi tìm đất xây nhà ở mà tin lời “đường mật” của người bán rồi mua đất nông nghiệp thì đành ôm hận chứ biết chừng nào mới được phép xây nhà. Chỉ có dân buôn đất dày dặn kinh nghiệm, biết khu nào đất sắp lên giá thì mới ôm đất nông nghiệp để bán kiếm lời mà thôi.
Muốn không bị lừa thì phải biết phân biệt miếng đất nào ở đầu tư, miếng đất nào để an cư!
Và một điều phải lưu ý với quý vị là những ai muốn mua đất để xây nhà thì đừng ham rẻ đi mua đất lúa, đất trồng cây vì tin lời hứa hẹn là “anh/chị mua đi, rồi mình xin chuyển đổi lên thổ cư là được xây nhà à”. Nói thì dễ, chứ cái quá trình “xin chuyển đổi lên thổ cư” gian nan lắm chứ không hề đơn giản. Nhiều khi không đúng quy hoạch thì 5, 10 năm chưa biết lên được chưa!
Hồi năm 2012, trong tay tôi chỉ có 200 triệu, tôi tâm sự với ông chú bên vợ là muốn mua nhà Sài Gòn thì bị cười vào mặt. Nhưng cười tôi rồi chú lại chỉ cho tôi cách để tiền “đẻ” ra tiền. Chú nói thẳng, 200 triệu của tôi chẳng thấp tháp gì ở cái đất Sài Gòn này, nhưng khéo đầu tư đất tỉnh thì có khi lại lên. Vậy mà từ một lần chú dẫn tôi đi xem đất ở Long An, 200 triệu của tôi bắt đầu biết … đẻ.
Kinh nghiệm mua nhà #2: Buông điện thoại xuống và đi xem thực địa!
Muốn mua được nhà mà suốt ngày cứ “cắm đầu” vào máy tính, điện thoại thì đừng bất ngờ khi bị người bán qua mặt! Mua đất, mua nhà là phải đến tận nơi, xem lô đất, căn nhà đó tròn méo thế nào rồi mới tính tiếp được.
Trước khi mua căn nhà đang ở, tôi đã lặn lội đi xem cả chục căn nhà khác. Không chỉ đứng xem hình dáng, vị trí lô đất, tôi còn lân la đến mấy hàng quán ở đó thăm hỏi. Ngồi café vài hôm là tôi biết được nhiều thứ về căn nhà đó lắm.
Ví dụ như người nhà đó có thói bài bạc, vợ chồng thường xuyên cãi nhau vì tiền, chộn rộn đến hàng xóm thì cẩn thận kẻo căn nhà đã bị cầm cố ngân hàng hay thế chấp cho tín dụng đen. Rồi tôi còn dò hỏi, quan sát tình hình an ninh khu phố, nếu khu vực mà phức tạp quá là tôi buông vì mua ở cũng không được, bán cũng không xong.
Muốn mua được nhà tốt, giá rẻ thì phải chịu khó đi xem nhiều.
Còn khi đầu tư đất tỉnh lẻ, tôi không bao giờ chạy theo đám đông. Muốn đầu tư khu vực nào tôi lại xuống tận nơi để thăm thú xung quanh. Dù là đất tỉnh xa nhưng vị trí miếng đất không được quá hẻo lánh, vì như vậy thì chôn vốn lâu, thanh khoản chậm.
Tôi phải xem xét xung quanh khu đất có trường học, chợ búa gì không? Cư dân sinh sống ra sao? Có buôn bán kinh doanh gì được không? Phải đáp ứng được những yếu tố đó trước nhất thì mới dễ bán lại cho nhà đầu tư sau.
Đầu tư đất muốn ăn theo hạ tầng, cầu đường thì cũng được, nhưng quý vị phải nhạy bén và có nguồn tin đáng tin cậy. Kiểu đầu tư này sợ nhất là mua đỉnh, bán đáy, mất cả chì lẫn chài. Bởi một số dự án hạ tầng đòi hỏi phải có quá trình triển khai lâu dài, thậm chí hàng chục năm, người vốn mỏng khó lòng theo nổi.
Quý vị còn nhớ miếng đất 200 triệu hồi năm 2012 tôi mua ở Long An không? Đến năm 2014, chỗ đó nổi lên khu công nghiệp, dân bắt đầu đông, tôi bán lại cho nhà đầu tư sau được 600 triệu. Tôi lại lấy tiếp 600 triệu đầu tư đất ở Long Thành thì trúng lớn.
Kinh nghiệm mua nhà #3: Tự lượng sức mình, vốn mỏng thì đừng “đánh bạc”
Nay tôi thấy dân buôn nhà đất rộ lên một chiêu săn đất “dính” quy hoạch. Về nguyên tắc thì nhà đất trong khu quy hoạch không được hoặc rất hạn chế được phép chuyển nhượng. Nhưng nhiều người liều mình “lách” luật, giao dịch giấy tay để bên bán ủy quyền.
Người ta chạy về những khu vực bị quy hoạch để mua đất rồi chờ… đền bù, giải tỏa, có khi quy hoạch bị xóa hoặc điều chỉnh thì họ lại hưởng lợi lớn. Kiểu đầu tư này tuy lợi nhuận nhiều nhưng rủi ro cũng rất cao.
Có người mua cả ngàn mét vuông đất trồng cây lâu năm trong khu quy hoạch công viên cây xanh hàng chục năm trước, chờ Nhà nước xóa quy hoạch thì lên được thổ cư. Nhưng rủi thay, cả chục năm nay không làm công viên, vừa mua sang tay thì Nhà nước lại bắt đầu làm công viên, vậy là chỉ được đền bù với giá đất trồng cây mà thôi.
Cách làm này chỉ dành cho người có tiền nhàn rỗi. Những ai vốn mỏng hay phải vay mượn ngân hàng, đừng dại khờ mà chạy theo cách làm này. Vì quy hoạch là chuyện của Nhà nước, rủi thay quý vị vừa móc hết tiền để mua miếng đất giá rẻ để rồi thu lại có vài trăm ngàn mỗi mét vuông, hay khi cần tiền gấp thì bị người mua sau ép giá.
Ngày trước ông chú tôi có dặn, người ta “liều ăn nhiều” là người ta phải hên dữ lắm, những người thường thường như mình mà liều quá thì có khi không còn gì để ăn!
Kinh nghiệm mua nhà #4: Mua nhà để ở thì sự phù hợp quan trọng hơn cái “mác” bên ngoài
Sống trong căn chung cư của khu nhà giàu nhưng túi tiền tui lại rỗng tuếch.
Sau lần trúng đất ở Long Thành nhờ Nhà nước rục rịch xây sân bay, gộp với tiền làm ăn bên ngoài, tôi mua được căn chung cư ở Phú Mỹ Hưng. Có lẽ, căn chung cư này là sai lầm lớn nhất của tôi tính tới thời điểm này.
Thật sự thì tôi đã gom hết tiền dành dụm mới mua được căn chung cư này. Mua rồi, vô ở, tôi hết vốn làm ăn, chỉ biết cặm cụi đi làm công ty suốt gần 2 năm sau đó.
Càng ở khu này lâu tôi càng hối hận. Hết vốn làm ăn, môi trường sống cũng không hợp với tôi. Mọi người chê tôi quê mùa thì tôi chịu chứ tôi không thể sống quen với những tô hủ tiếu 80 ngàn/tô, đồ ăn thức uống nêm nếm nhạt nhẽo. Không có những quán nhậu lề đường, những tiệm sửa xe bình dân,… tôi ngày càng cảm thấy “lệch tông” với khu này.
Mà cũng phải thôi, vì đó là nơi ở của người giàu có, dư dả. Tôi sai khi chỉ nhìn vào phồn hoa của nó mà dấn thân vào ở. Cuối cùng tôi quyết định bán căn chung cư đó, xuống Thủ Đức mua một căn nhà 60m2. Dư ra 1 tỷ, tôi lại xuống Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu săn đất.
Có lẽ sau này, khi tôi dư dả hơn, có điều kiện hơn thì tôi sẽ quay lại, mua một căn chung cư ở Phú Mỹ Hưng để hưởng thụ tuổi về hưu của mình. Còn hiện giờ, khu này chưa phù hợp với bản thân tôi.
* Bài viết trên đây là câu chuyện của tác giả, không nhất thiết trùng khớp với quan điểm của Rever.
Có thể bạn quan tâm:
- Mua nhà Sài Gòn: 3 cách kiểm tra nhà giá ảo
- Cảnh giác lừa đảo nhà đất: Muôn kiểu lừa tiền đặt cọc
- Ở nhà mặt đất thâm niên 30 năm, dọn lên chung cư rồi tôi không muốn xuống nữa
- 5 chiêu thức lừa đảo cho thuê phòng trọ và cách phòng tránh hiệu quả
- Cảnh giác: 8 chiêu lừa đảo mua bán nhà đất 2020 và cách phòng tránh hiệu quả
- Mua căn hộ chung cư cần xem xét kỹ 9 tiện ích này
- Cảnh báo: Nếu bạn có ý định vay tiền mua nhà, hãy đọc kỹ bài viết này!
- Mua nhà giá tốt như dân buôn bất động sản chuyên nghiệp bằng 7 cách sau đây
- Hướng dẫn chi tiết cách xem quy hoạch nhà đất TP.HCM trên điện thoại và máy tính
- Cảnh giác lừa đảo nhà đất: Xem đất "đi dễ khó về"
Nguyên Phương (ghi)
Từ khóa liên quan