Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình và cá nhân có gì khác biệt?
06/12/2017
Sự khác biệt giữa sổ đỏ cấp cho gia đình và cá nhân. Các thủ tục về chuyển tên từ gia đình sang hộ cá nhân theo pháp luật hiện hành.
Giấy chứng nhận tài sản là bất động sản có nhiều cái tên khác nhau như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất… Những loại giấy tờ này được cấp qua các thời kỳ (thường được gọi với tên sổ đỏ, sổ hồng) ghi tên các cá nhân hay hộ gia đình nhằm phân biệt hình thức sở hữu. Vậy, khác biệt trong việc sổ ghi là "hộ gia đình" hay cá nhân là gì?
Giấy chứng nhận bất động sản ghi tên cá nhân
Loại giấy chứng nhận ghi tên cá nhân (tức ghi rõ tên của một hoặc nhiều người) thì chỉ người (những người) có tên trên giấy chứng nhận mới là chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản được chứng nhận, ngoại trừ trường hợp tài sản được xác định là tài sản chung vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình. Thông thường, loại giấy này hay được cấp ở khu vực đô thị.
Giấy chứng nhận sở hữu bất động sản ghi tên hộ gia đình
Người đứng tên trên giấy chỉ là người đại diện cho hộ gia đình đó (thường là chủ hộ). Tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu gia đình không phân biệt đã thành niên hay chưa thành niên đều có quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản được ghi trên giấy chứng nhận. Cá biệt vẫn có trường hợp hộ gia đình dù chỉ có một người nhưng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức hộ gia đình. Thông thường, loại giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình thường được cấp ở khu vực nông thôn.
Luật Đất đai các năm 1993, 2003 và 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này đều có quy định về hai hình thức giấy chứng nhận nói trên.
Khác biệt khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng giữa 2 loại hình
Nếu quyền sử dụng đất thuộc sở hữu cá nhân của người bán:
Theo đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất chỉ cần có sự đồng ý của chủ quyền sử dụng đất đó và đáp ứng các điều kiện tại Điều 188 Luật đất đai năm 2013. Nếu vậy thì UBND huyện trả lời bạn là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có những người trong hộ khẩu trước ngày cấp sổ đỏ ký là không đúng theo quy định của pháp luật.
Sổ đỏ cấp cho hộ gia đình và cấp cho cá nhân có một số khác biệt cơ bản
Nếu quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của hộ gia đình:
Trong trường hợp này, người bán chỉ là đại diện đứng tên chủ hộ.
Tại Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định như sau:
“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”
Theo quy định trên, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình nghĩa là tất cả những thành viên trong hộ gia đình đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Việc xác định những người có quyền đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu. Theo đó những người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm mảnh đất nhà bạn được cấp giấy chứng nhận và vợ hoặc chồng của những người đó (nếu tại thời điểm cấp giấy chứng nhận họ đã đăng ký kết hôn) đều có quyền sử dụng đối với mảnh đất và đều có quyền chuyển nhượng mảnh đất đó.
Trong trường hợp này, UBND huyện yêu cầu trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chữ ký của các thành viên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm chuyển nhượng là đúng. Nếu không Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này về nguyên tắc bị vô hiệu.
Nếu muốn chuyển tên từ hộ gia đình sang cá nhân, bạn cần thực hiện các thủ tục gì?
Trong trường hợp bạn muốn đăng ký sang tên quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình cho một cá nhân trong thành viên hộ gia đình đó thì cần có sự đồng ý của các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên trong hộ gia đình. Các thành viên trong hộ gia đình đồng ý tặng, cho phần quyền sử dụng đất cho thành viên hộ gia đình đó. Để thực hiện việc tặng cho, các thành viên có thể đến tổ chức hành nghề công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố nơi có đất để thực hiện các thủ tục theo trình tự sau:
Bước 1: Thiết lập văn bản chuyển nhượng hoặc tặng tài sản, tiến hành công chứng, nộp lệ phí
Những người từ 18 tuổi trở lên và người giám hộ (của những người chưa đủ 18 tuổi) có tên trong sổ hộ khẩu đến cơ quan công chứng, chứng thực để thực hiện một trong các giao dịch dưới đây tùy thuộc sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình:
- Hợp đồng chuyển nhượng tài sản;
- Hợp đồng tặng cho tài sản;
- Văn bản xác nhận/cam kết tài sản được ghi trên giấy chứng nhận là tài sản riêng của một cá nhân trong hộ gia đình.
Sau khi văn bản giao dịch được công chứng, chứng thực, người nhận tài sản liên hệ, nộp hồ sơ tại cơ quan tài nguyên môi trường, kê khai và nộp nộp các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp).
Bước 2: Đăng ký điều chỉnh quyền sử dụng đất tại Phòng Tài Nguyên và Môi Trường cấp Huyện
Sau khi thực hiện việc tặng cho tài sản là quyền sử dụng đất của các thành viên hộ gia đình cho thành viên hộ gia đình đó, thành viên đó phải đến cơ quan đăng ký đất đai để thực hiện việc sang tên theo quy định của pháp luật.
Theo đó, sau khi hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được ký kết có chứng nhận của tổ chức công chứng, cần nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, sang tên chuyển chủ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất.
Hồ sơ sang tên quyền sử dụng đất, gồm: Đơn xin đăng ký biến động quyền sử dụng đất (theo mẫu); Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (có công chứng); Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên tặng, cho và bên nhận tặng, cho; Tờ khai lệ phí trước bạ.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
- Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất.
- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Bước 3: Hoàn thành chuyển đổi khi hồ sơ hợp lệ
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện để sang tên thì cơ quan tài nguyên môi trường sẽ thực hiện việc đăng ký biến động, điều chỉnh trong Giấy chứng nhận từ hộ gia đình sang cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai.
Rever vừa giới thiệu đến bạn khác biệt giữa giấy chứng nhận sở hữu bất động sản cá nhân và giấy chứng nhận bất động sản 'hộ gia đình', các thủ tục cần làm khi tiến hành chuyển nhượng từng loại hình sở hữu trên. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu chi tiết hơn 9 bước các thủ tục cần thực hiện trong quá trình mua bán nhà tại Cẩm nang do Rever biên soạn:
Thế An
Thông tin liên quan:
Từ khóa liên quan