Kiến nghị căn hộ tái định cư lớn hơn hoặc bằng căn hộ cũ, người mua chung cư hưởng lợi
10/08/2017
Với kiến nghị căn hộ tái định cư phải lớn hơn hoặc bằng căn hộ cũ, người mua căn hộ chung cư có thể an tâm khi chung cư bị giải tỏa hoặc phá dỡ trong tương lai.
Trong văn bản góp ý quy định về bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư tại các dự án xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất bố trí tái định cư tại chỗ lớn hơn hoặc bằng căn hộ cũ. Với kiến nghị này, người mua căn hộ chung cư có thể an tâm khi chung cư bị giải tỏa hoặc phá dỡ trong tương lai.
Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị TP quy định tỷ lệ hoán đổi căn hộ tái định cư tối thiểu là bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ, đồng thời khuyến khích các chủ đầu tư thực hiện hoán đổi căn hộ tái định cư với tỷ lệ cao hơn 1,1 lần diện tích căn hộ cũ, để các hộ dân dễ chấp thuận và các Quận, Huyện dễ thực hiện.
Đối với trường hợp căn hộ cũ có từ 2 hộ khẩu trở lên được giải quyết tái định cư tại chỗ theo nguyên tắc bảo toàn giá trị pháp lý của căn hộ cũ và sẽ được giải quyết bố trí tái định cư thêm một hoặc hơn một căn hộ (đối với trường hợp tại căn hộ cũ có trên 2 hộ khẩu) tại dự án (nếu có).
Việc sở hữu căn hộ bố trí thêm cần được giải quyết theo quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, giá bán căn hộ này là giá bảo toàn vốn được kiểm toán đầu tư xây dựng cộng 10% lợi nhuận cho nhà đầu tư, được vay từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của TP.
Đọc Ngay: Mua nhà chung cư bị mất trắng sau 50 năm: Chuyện khó có thể xảy ra!
Căn hộ tái định cư được đề xuất tối thiểu là bằng 1,1 lần diện tích căn hộ cũ
Đề xuất người mua chung cư được lựa chọn phương thức tái định cư
Như Sở Xây dựng đề xuất trường hợp nhà nước lựa chọn chủ đầu tư thì thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ để phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố. Tuy nhiên, HoREA thấy rằng việc bố trí tái định cư và việc sở hữu căn hộ chung cư sau khi tái định cư là hai việc khác nhau. Các chủ sở hữu hợp pháp căn hộ cũ sẽ được cấp chủ quyền căn hộ mới; các căn hộ thuộc sở hữu nhà nước sẽ được giải quyết bán căn hộ mới theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; đối với các hộ gia đình khó khăn về nhà ở sẽ được giải quyết bằng chính sách nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng đề xuất "Đối với các chung cư do nhà nước lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt đối với các chung cư đã xác định là chung cư hư hỏng nặng hoặc nguy hiểm và quá thời hạn theo quy định mà các chủ sở hữu nhà chung cư chưa lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, thì nhà nước sẽ tổ chức tạm cư, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà để tái định cư tại chỗ cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp lệ tại nhà chung cư đó, không thực hiện phương thức bồi thường".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng đề xuất nêu trên của Sở Xây dựng chỉ mới đề xuất áp dụng một phương thức tái định cư tại chỗ, nhưng chưa bao gồm phương thức tái định cư tại địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 101 của Chính phủ. Xem thêm: Cách định giá căn hộ chung cư dành cho nhà đầu tư.
"Nếu thành phố chỉ quy định một phương thức tái định cư tại chỗ thì hạn chế quyền lựa chọn phương thức tái định cư của các hộ dân trong chung cư, dễ dẫn đến khiếu kiện" - ông Châu nhận định. Do vậy, HoREA xin được góp ý bổ sung, là người dân có quyền được lựa chọn phương thức tái định cư. Theo ông Châu, TP không thể quy định chỉ thực hiện duy nhất phương thức tái định cư tại chỗ theo đề xuất của Sở Xây dựng, mặc dù đây là phương thức tốt nhất.
Người mua chung cư sẽ được lựa chọn phương thức tái định cư?
Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị vẫn cần bổ sung phương thức tái định cư ở địa điểm khác, hoặc phương thức người dân yêu cầu được bồi thường bằng tiền mặt để tự lo tái định cư theo quy định của pháp luật, đi đôi với việc thực hiện chu đáo, thỏa đáng công tác tạm cư trong thời gian chờ đợi trở về tái định cư.
Theo số liệu thống kê của UBND TP.HCM tính đến quý IV/2016 thì trên địa bàn TP có khoảng 474 chung cư (565 lô) được xây dựng trước năm 1975, đây là các chung cư cũ có niên hạn sử dụng trên 40 năm, trong đó tập trung nhiều nhất tại Quận 5 với 203 chung cư. Qua kiểm định, trong tổng số 474 chung cư nói trên có 44 lô bị xác định là hư hỏng nặng, nguy hiểm. Từ cách đây 10 năm, TP đã tiến hành phá dỡ các chung cư xuống cấp, tuy nhiên tiến độ rất chậm. Cụ thể từ 2006 - 2015 đã tháo dỡ 22 chung cư với quy mô khoảng 200.000 m2.
Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, hiện TP và các sở, ngành đang ủy quyền cho UBND quận huyện nhiều quyền hạn, như: Phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; Phê duyệt và công bố Kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới; Công nhận chủ đầu tư; Chấp thuận, phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
- Mua nhà chung cư bị mất trắng sau 50 năm: Chuyện khó có thể xảy ra!
- Cách định giá căn hộ chung cư dành cho nhà đầu tư
- Những lưu ý về pháp lý cần biết khi mua căn hộ chung cư
Hùng Phú (TH)
Từ khóa liên quan