Điểm mặt 10 khu đô thị "khủng" làm thay đổi diện mạo đất nước
13/02/2017
Với diện tích quy hoạch lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta, cùng với đó là tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD, có thể thấy 10 khu đô thị dưới đây là những dự án làm thay đổi diện mạo đất nước trong tương lai.
>>> Nhìn lại những dự án khởi công và tái khởi động tại TP.HCM năm 2016
>>> TP HCM quy hoạch 385ha tại Hiệp Phước để di dời các cảng nội thành
>>> Hàng loạt chính sách mới về bất động sản có hiệu lực từ tháng 2/2017
>>> 18 dự án bất động sản tại TP.HCM dự kiến triển khai vào năm 2017
Khu đô thị Thủ Thiêm
Đây là khu trung tâm mới của Sài Gòn với diện tích 657ha, nơi được ví như Phố Đông của Thượng Hải. Được biết, tổng vốn đầu tư phát triển của khu đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam này rơi vào khoảng 25 tỷ USD.
Hiện trạng khu đô thị đã xây dựng cơ bản xong phần hạ tầng chính gồm: đường xuyên tâm Mai Chí Thọ và Nguyễn Cơ Thạch; 4 tuyến đường chính gồm đường ven sông, đường ven hồ trung tâm, đại lộ vòng cung, đường châu thổ trên cao đã cơ bản hoàn thành; hệ thống cầu Thủ Thiêm 1-2-3-4 đang được xúc tiến mạnh để triển khai trong thời gian sớm nhất.
Thủ Thiêm là nơi quy tụ của nhiều nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam và quốc tế gồm: Đại Quang Minh (dự án Sala), CII (dự án Thủ Thiêm Lakeview và Thủ Thiêm Marina), Liên doanh Tiến Phước - Keppel Land - Gaw Capital - Trần Thái (dự án Empire City), Vingroup (dự án khu phức hợp thể thao 2C), Liên doanh Lotte - Toshiba - Mitsubshi (dự án Eco Smart City), Las Vegas Sands (dự án casino tương tự Marina Bay Sands ở Singapore), GS E&C (dự án Xi Thủ Thiêm), Liên doanh Keppel Land - Mon Holdings - T&T Group (dự án Sóng Việt), Sơn Kim Land, Trung Thủy Group,...
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng
Phú Mỹ Hưng là khu đô thị ra đời sớm và được phát triển đồng bộ nhất tính đến nay. Phú Mỹ Hưng (khu A rộng 409 hectare) đã hình thành một đô thị hiện đại và đầy đủ các chức năng: nhà ở, văn phòng, thương mại - giải trí, y tế và giáo dục. Ngày nay Phú Mỹ Hưng là cộng đồng dân cư đa sắc tộc đa dạng nhất của cả nước.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đô la Mỹ, được phát triển bởi liên doanh Central Trading & Development (CT&D) của Đài Loan và Công ty IPC (Việt Nam).
Khu đô thị Bờ Tây Sông Sài Gòn
Đây là trung tâm hiện hữu của Sài Gòn có diện tích 127 hecta thuộc khu quy hoạch 930 hectare (CBD), nơi tập trung của nhiều công trình kiến trúc và những dự án thành phần đã triển khai. Trong tương lai không xa, bờ Tây sẽ đón nhận thêm những công trình kiến trúc mới quy mô lớn hơn đang được đầu tư xây dựng.
Theo ước tính, tổng số vốn đầu tư của các dự án dọc hành lang bờ Tây vào khoảng 6 tỷ đô la Mỹ. Những nhà đầu tư lớn phát triển tại đây gồm: Vingroup, Sunwah Group, SSG Group, Him Lam, Vạn Thịnh Phát, Saigontourist,...
Khu đô thị Thanh Đa Bình Quới
Khu đô thị Thanh Đa Bình Quới là đảo tự nhiên lớn nhất thành phố được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Tổng diện tích 426 hecta được quy hoạch trở thành đô thị phức hợp thương mại - giải trí - du lịch. Tổng vốn ước tính khoảng > 3 tỷ đô la Mỹ. Nhà đầu tư của dự án là liên doanh Bitexco, Emaar Dubai.
Khu đô thị GS Metro City
Khu đô thị GS Metro City được UBND TPHCM giao 350 hectare theo chương trình hoán đổi hạ tầng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Dự án có quy mô vốn ước tính khoảng > 3 tỷ đô la Mỹ. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc).
Khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài
Được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt đô thị Hà Nội khu vực phía Bắc thành phố, khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài dọc theo hành lang tuyến đường Võ Nguyên Giáp có diện tích nghiên cứu khoảng 2.080 hectare. Khu đô thị này được quy hoạch với nhiều đô thị thành phần trong đó có: khu di tích - lịch sử - văn hóa, khu trung tâm tài chính, thành phố giao lưu Asean...
Tổng vốn đầu tư ước tính của dự án lên tới khoảng 30 tỷ đô la Mỹ. Những nhà đầu tư lớn đã và sẽ tham gia phát triển khu đô thị này gồm BRG Group (đơn vị thực hiện quy hoạch), Sun Group (dự án công viên Kim Quy mô hình Disney Land), Vingroup (dự án trung tâm hộ chợ và triển lãm), Thăng Long Invest Group, Hadico, Becamex ITC...
Khu đô thị Tây Hồ Tây
Khu đô thị Tây Hồ Tây nằm tại một vị trí không thể đẹp hơn với diện tích 186 hectare bên hồ Tây, một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Hà Nội mà bất cứ người dân hay du khách nào cũng biết tới. Đô thị Tây Hồ Tây được định hướng trở thành trung tâm tài chính - văn phòng - dân cư cao cấp và những công trình văn hóa điểm nhấn bên Hồ Tây như Nhà hát Thăng Long, tháp truyền hình VTV Tower cao nhất châu Á, khu ngoại giao nơi đặt trụ sở của các nước...
Tổng vốn đầu tư ước tính của khu đô thị này khoảng 2.5 tỷ đô la Mỹ. Những nhà đầu tư tham gia phát triển gồm Daewoo E&C (nhà đầu tư chính), liên doanh SCIC - BRG Group - VTV (dự án tháp truyền hình VTV Tower),...
Khu đô thị Ecopark
Khu đô thị Ecopark là khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc hiện nay. Dự án được quy hoạch với tổng diện tích đất khoảng 500 hecta thuộc địa phận Hưng Yên, giáp với khu vực huyện Gia Lâm, Thanh Trì và quận Hoàng Mai của Hà Nội. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đô la Mỹ. Nhà đầu tư duy nhất của dự án này là Vihajico.
Khu đô thị Ven Sông Hồng
Khu đô thị Ven Sông Hồng có diện tích nghiên cứu khoảng 3.000 hecta dọc hành lang hai bên bờ sông Hồng. Quy mô bốn ước tính khoảng 7 tỷ đô la Mỹ. UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho các nhà đầu tư nghiên cứu khả thi dự án này gồm Sun Group, Vingroup, Geleximco...
Khu đô thị Nam Từ Liêm
Khu đô thị Nam Từ Liêm có diện tích 536 ha, quy mô vốn ước tính hơn 5 tỷ đô la Mỹ. Những nhà đầu tư lớn tham gia phát triển dự án gồm Vingroup, Keangnam, Bitexco, FLC, Mon Holdings...
Hùng Phú (Tổng hợp)
>>> Nhìn lại những dự án khởi công và tái khởi động tại TP.HCM năm 2016
>>> TP HCM quy hoạch 385ha tại Hiệp Phước để di dời các cảng nội thành
>>> Hàng loạt chính sách mới về bất động sản có hiệu lực từ tháng 2/2017
>>> 18 dự án bất động sản tại TP.HCM dự kiến triển khai vào năm 2017
Từ khóa liên quan