Đầu tư nhà cũ, nhà nát: Không cẩn thận dễ "nát" như nhà!
09/10/2020
Những năm gần đây rộ lên xu hướng đầu tư vào những căn nhà cũ, nhà nát. Đây được xem là chiêu độc, lạ của giới đầu tư với khả năng đem lại lợi nhuận cao.
Trong những năm gần đây, xu hướng đầu tư nhà cũ, nhà nát vốn tồn tại từ lâu lại rộ lên như một kênh đầu tư độc - lạ, giúp giới đầu tư kiếm lợi nhuận khả quan trong tình hình thị trường bất động sản đang khó khăn như hiện nay. Vậy hình thức đầu tư nhà cũ, nhà nát này là gì? Và liệu nó có tồn tại rủi ro nào hay không?
Đầu tư nhà cũ, nhà nát là gì?
Thật sự mà nói hình thức đầu tư này về cơ bản cũng giống như các hình thức đầu tư bất động sản khác. Bạn cũng cần tìm mua với giá thấp và bán ra khi giá tăng lên.
Nhưng điểm khiến hình thức đầu tư này thu hút đó chính là không giống như đầu tư vào nhà ở hay đất nền, khả năng tăng giá phụ thuộc nhiều vào tiềm năng của bất động sản và yếu tố thị trường, và có thể mất thời gian khá lâu để sinh lợi được như mong muốn.
Trái lại, đối với hình thức đầu tư vào nhà cũ, nhà nát, bạn hoàn toàn có thể chủ động phần nào trong việc làm tăng giá trị bất động sản, trong một khoảng thời gian ngắn. Việc bạn cần làm đó chính là tìm mua các bất động sản đã xuống cấp, cũ nát. Thông thường các bất động sản này sẽ có giá khá rẻ và không có nhiều người cạnh tranh.
Tiếp theo, bạn sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp lại căn nhà cho khang trang hơn để bán hoặc cho thuê. Điều này sẽ giúp làm tăng giá trị ngôi nhà lên trong mắt người mua, người thuê nhà. Từ đó đem lại lợi nhuận lớn.
Đầu tư vào các căn nhà nát và cải tạo lại rồi bán có thể đem lại cho bạn lợi nhuận rất tốt
Thắng đậm nhà kinh doanh "nhà nát"
Anh Việt Thắng - Một nhà đầu tư bất động sản đã có 3 năm kinh nghiệm trong thị trường đất nền và căn hộ tại Quận 2 chia sẻ rằng "Đầu tháng 3/2018, tôi mua lại 2 căn nhà riêng đã cũ liền kề nhau tại Q.9 (kết cấu 1 trệt, 1 lầu) với giá 1.4 tỉ đồng/căn. Hiện vừa bán ra với giá 2.5 tỉ đồng/căn".
Được biết, cách tiến hành của anh khá đơn giản khi anh chỉ trang bị lại nội thất, quét sơn mới lại bên ngoài ngôi nhà. Đồng thời tiến hành cải tạo thêm một phòng ngủ ở trên. Tổng số tiền anh bỏ ra cho cả hai căn nhà là 800 triệu. Cộng với tiền mua ban đầu thì mỗi căn trung bình anh bỏ vốn khoản 1.8 tỷ đồng. Tính ra, chỉ trong vòng hai tháng, anh Thắng đã kiếm lợi được 700 triệu tiền chênh lệch cho mỗi căn.
Ngoài trường hợp của anh Thắng, còn có bà Hà (ngụ Gò Vấp). Theo bà Hà, một năm bà có thể mua và bán ra từ 4-5 căn nhà (cải tạo lại), thời gian bán ra trong vòng 2-4 tháng/căn. Mỗi căn bà thu lời về từ 500-700 triệu đồng. Người đầu tư đặc biệt chuộng phân khúc nhà riêng giá từ 2-3 tỉ đồng/căn tại các con hẻm của Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận vì người mua nhiều nên dễ ra hàng.
Cũng như đầu tư vào các loại hình bất động sản khác. Đầu tư nhà nát bạn cũng cần xét đến yếu tố vị trí và tiềm năng khu vực
"Nhà nát" sinh lợi cao, nhưng không cẩn thận cũng dễ "nát" như thường!
Tuy nói hình thức đầu tư này thực sự đem lại lợi nhuận rất khả quan. Nhưng thực tế không phải ai bắt tay vào làm cũng đều thành công dễ dàng.
Điển hình như trường hợp anh Văn Thái, ngụ quận Tân Bình. Ban đầu anh chỉ muốn mua một căn nhà nát và xây lại để ở. Nhưng khi tiếp xúc với nhiều chủ nhà, anh Thái nhận thấy rằng đây thực sự là một kênh đầu tư có lợi vì đa phần các căn nhà đều được bán với cái giá rất rẻ, có thể do chủ nhà kẹt tiền. Vậy là từ mục đích tìm nhà để ở, anh chuyển sang đầu tư nhà nát bán kiếm lợi.
“Căn nhà nát đầu tiên tôi mua cách đây hơn hai năm có diện tích gần 47 m2, nằm trong hẻm rộng trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh với giá 2,5 tỉ. Do chủ nhà này đang bị ngân hàng xiết nợ nên tôi mới mua được giá tốt như vậy, chứ nếu tính theo giá thị trường thì phải 3 tỉ” - anh Thái nói.
Mua được nhà giá tốt, anh bắt tay vào sửa sang lại căn nhà và chờ được giá thì bán. Nhưng do không có kinh nghiệm, việc cải tạo tiêu tốn của anh quá nhiều thời gian và tiền bạc, mà kết quả lại không ưng ý. Cộng thêm thời gian tìm khách mua, anh Thái mất hơn 6 tháng mới bán được nhà. Giá lại không quá cao, tính ra còn thua cả việc gửi tiết kiệm ngân hàng.
Hay như trường hợp, ham mua nhà nát giá rẻ nhưng cuối cùng "nát vẫn hoàn nát" vì nhà bị vướng pháp lý, tranh chấp không thể cải tạo, xây dựng lại được. Hay thậm chí còn có nguy cơ mất trắng nếu mua bán bằng giấy tay hay nhà vướng quy hoạch.
Đừng ham các căn nhà quá rẻ mà quên mất yếu tố pháp lý
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, đầu tư hình thức này thực sự không dễ thực hiện. Bắt buộc bạn phải là người am hiểu thị trường bất động sản, mới biết được khu vực nào thị trường đang nóng thì việc cải tạo lại nhà mới đem lại lợi nhuận được. Còn nếu không nhà sau cải tạo bán giá cao (vì phải cộng thêm chi phí cải tạo) đôi khi lại không ai thèm mua.
Đó là chưa kể, bắt buộc bạn phải có kiến thức về xây dựng, hay có sự tư vấn của các đơn vị thiết kế thi công để việc cải tạo hợp lý, ít tốn kém chi phí, thời gian nhất.
Theo ông Nguyên Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, cũng khẳng định: Kênh đầu tư này không dành cho những người thiếu kinh nghiệm. Đừng đầu tư theo kiểu nghe người ta thấy lợi nhuận khủng mà lao vào. Bởi người ta đầu tư 5-10 năm nên có kinh nghiệm nhiều rồi, họ biết giá thế nào là phù hợp, sơn sửa thế nào cho bắt mắt mà chi phí lại rẻ…
“Thông thường, với những người buôn nhà nát thì lợi nhuận trung bình 10%-20% trong thời gian 2-3 tháng. Đặc biệt, chỉ nên quan tâm đến những căn từ 10 tỉ trở xuống vì đây là phân khúc dễ tìm khách để thoát hàng nhất” - ông Đực nói.
Có thể bạn quan tâm:
- Ý tưởng trang trí GÓC BẾP dịp Tết đến Xuân về
- TP.HCM chính thức thông qua BẢNG GIÁ ĐẤT giai đoạn 2020 - 2024
- Hạ tầng phát triển thúc đẩy địa ốc khu Nam bứt phá
- TP.HCM sẽ khởi công 27 dự án giao thông mới trong năm 2020
- Năm 2020, đừng để bị phạt cả TỶ ĐỒNG chỉ vì không nắm các quy định này?
Hoàng Triều (Tổng hợp)
Từ khóa liên quan