Cận cảnh bức tranh nhà ở xã hội
31/12/2016
Tính đến cuối năm 2016, trên cả nước đã có hơn 56.000 người được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế quá lớn của phân khúc thị trường này khiến nhà ở xã hội vẫn là nỗi “khắc khoải” của một bộ phận rất lớn người dân.
Tính đến cuối năm 2016, trên cả nước đã có hơn 56.000 người được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế quá lớn của phân khúc thị trường này khiến nhà ở xã hội vẫn là nỗi “khắc khoải” của một bộ phận rất lớn người dân.
Những thành quả bước đầu
Trong vòng 3 năm trở lại đây, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng, gồm 97 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân khu công nghiệp, 82 dự án NƠXH cho người có thu nhập thấp.
Theo số liệu của Hiệp Bất động sản TP.HCM, riêng tại địa phương này đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032,3 tỷ đồng (trong đó, có 10.308 cá nhân vay 5.575,4 tỷ đồng, và 8 chủ đầu tư dự án NƠXH vay 1.456,8 tỷ đồng).
Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến cuối tháng 10/2016, đã ký hợp đồng cam kết cho vay 32.841 tỷ đồng và đã giải ngân 28.588,7 tỷ đồng (đạt 87,05%). Trong đó, đã ký hợp đồng cam kết cho vay 56.181 hộ, với số tiền là 27.480 tỷ đồng; đã giải ngân cho 56.181 hộ, với số tiền là 23.226 tỷ đồng (đạt 84,52% cam kết cho vay); đã cam kết cho vay 51 dự án và giải ngân với số tiền là 5.361 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ này, hiện nay các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng hơn 163 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng (gồm: 70 dự án NƠXH cho công nhân khu công nghiệp, 121 dự án NƠXH cho người có thu nhập thấp).
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc chấm dứt gói tín dụng 30.000 tỷ đã có tác động tiêu cực làm cho người có thu nhập thấp đô thị khó tiếp cận nhà ở, và cũng tác động đến phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền.
Tính đến 2020, cả nước cần khoảng 50 triệu m2 nhà ở xã hội.
Khắc khoải nhu cầu
Trong giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản, việc thực hiện gói hỗ trợ tín dụng NƠXH đã góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường hồi phục tích cực. Tuy nhiên, đang có một loạt vướng mắc khi triển khai chương trình này.
Chẳng hạn, một số chương trình hỗ trợ nhà ở triển khai chậm so với kế hoạch ban đầu, như: Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2...
Việc phát triển NƠXH cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến quý IV/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án NƠXH tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ). So với chỉ tiêu số lượng NƠXH tại đô thị và khu công nghiệp đến 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ), đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.
Được biết, về nhu cầu NƠXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương đến năm 2020, nhu cầu khoảng 1 triệu căn hộ tương đương với khoảng 50 triệu m2. Một số địa phương có nhu cầu NƠXH lớn là: Hà Nội khoảng 110.000 căn; TP.HCM 134.000 căn; Đà Nẵng 11.500 căn; Đồng Nai: 36.700 căn; Bình Dương: 41.250 căn…
Theo khảo sát mới đây nhất về nhu cầu nhà ở thu nhập thấp đến năm 2020 của UBND TP. Hà Nội nhằm điều chỉnh theo quy hoạch Chương trình phát triển Nhà ở Thành phố do Thủ tướng phê duyệt, thì nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội đến năm 2020 tăng gần 50% so với Chương trình phát triển nhà ở Thành phố đặt ra. Để giải quyết tình trạng này, Hà Nội đã lên kế hoạch dài hạn giai đoạn 2016-2020 dựa trên nhu cầu thực tế về NƠXH là 6.023.000m2, tăng gần 50% so với dự kiến (4.023.000m2).
Là gia đình nhập cư vào Hà Nội, thuộc diện người có thu nhập thấp và đã nhiều lần làm hồ sơ mua nhà theo gói chính sách NƠXH nhưng câu chuyện có nhà vẫn là ước mơ của gia đình chị Lan Anh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, chị Lan Anh nuối tiếc: “Gia đình tôi thuộc diện người nhập cư, có thu nhập thấp, không có nhà ở cố định, đã làm hồ sơ nhiều lần mà vẫn chưa được. Tôi không phải là trường hợp duy nhất, mấy anh chị ở cùng cơ quan cũng đang có nhu cầu về gói NƠXH này mà vẫn chưa tiếp cận được”.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển NƠXH, như: chưa đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định của pháp luật; trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH, chưa thực hiện nghiêm quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH – dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án NƠXH…
Bộ Xây dựng cũng lưu ý rằng, nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở chưa đa dạng và còn hạn chế; thiếu các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp vay để mua, thuê NƠXH hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng NƠXH (như: Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ phát triển nhà ở, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở…). Từ đây, việc huy động vốn, nhất là vốn trung hạn và dài hạn cho phát triển NƠXH gặp nhiều khó khăn.
Báo Đầu tư Bất động sản
>>> Nhìn lại 11 dự án BĐS "gây sốt" trên thị trường TP.HCM năm 2016
Từ khóa liên quan