Bất động sản chiếm 42,5% vốn đầu tư nước ngoài vào TP HCM
13/10/2016
Theo báo cáo của UBND TP HCM, trong 9 tháng qua có 587 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 751,15 triệu USD (so cùng kỳ tăng 45,3% về số dự án và giảm 68,2% về vốn).
>>> Giấc mơ startup công nghệ của cựu Giám đốc ZingMp3
>>> Thuê nhà, lợi ích hơn bạn tưởng
>>> Giá bán bình quân căn hộ TP HCM 30 triệu đồng mỗi m2
Có 125 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 377,12 triệu USD.
Ngoài ra, UBND TP đã chấp thuận cho 1.294 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp với tổng vốn góp đăng ký khoảng 1,18 tỷ USD.
Theo thủ tục góp vốn, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp (vốn điều lệ) thường thấp hơn rất nhiều so với tổng vốn đầu tư của dự án theo cách thống kê trước đây.
Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước thì 9 tháng đầu năm TP đã thu hút được 2,3 tỷ USD, tương ứng với khoảng 76,6% giá trị vốn đầu tư cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (42,5%) với 319,2 triệu USD (giảm 77,7% so cùng kỳ); tiếp theo là Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 30,4% với 228,5 triệu USD (tăng 69,7% so cùng kỳ); Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10,2% với 76,7 triệu USD (giảm 86,2% so với cùng kỳ); Thông tin và truyền thông chiếm 5,5% với 41,4 triệu USD (tăng 97,6% so với cùng kỳ).
Lĩnh vực BĐS thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất tại Tp.HCM. Ảnh: Internet
Theo quốc tịch nhà đầu tư, Đài Loan có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất (34,1%) với 255,9 triệu USD; tiếp theo là Nhật Bản chiếm 15,5% với 116,2 triệu USD; Singapore chiếm 13,2% với 98,9 triệu USD.
Dự án FDI cấp mới phân theo địa bàn quận - huyện: Quận 7 có vốn đầu tư nhiều nhất (39,3%) với 295,1 triệu USD; tiếp theo là Quận 1 chiếm 22,7% với 170,4 triệu USD; Quận 2 chiếm 11,9% với 89,5 triệu USD; huyện Củ Chi với 40,1 triệu USD chiếm 5,3%.
UBND TP HCM cho biết đã tiến hành xây dựng trình tự thủ tục và biểu mẫu để thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Đến nay, đã thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án với 20 nhà đầu tư với tổng số tiền ký quỹ tương đương 15 triệu USD.
TP HCM cũng đang tiến hành hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục đầu tư, đồng thời tập trung giải quyết nhanh các hồ sơ đã và đang tiếp nhận để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án:
Các dự án do Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cấp đăng ký đầu tư: Viện khoa học công nghệ Sự sống và Bệnh viện Công nghệ cao (Hoa kỳ và Nhật) với vốn đầu tư 400 triệu USD; dự án Nipro Pharma (Nhật) với vốn 300 triệu USD; nhà xưởng TLD Hi-Tech với vốn 50 triệu USD; dự án Vivian Holding (Hàn Quốc) với vốn 10 triệu USD.
Các dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau khi UBND TP thông qua chủ trương đầu tư là: Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart City (Hàn Quốc) với vốn đầu tư 900 triệu USD; dự án Khu Tứ giác Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (Cayman Islands) với vốn 300 triệu USD.
Tòa nhà văn phòng - Khách sạn - Thương mại dịch vụ khi phức hợp Sài Gòn - Ba Son (Cayman Islands) với vốn 220 triệu USD; Khu chung cư cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ 21 (Nhật Bản) với vốn 24,49 triệu USD.
(Theo NDH)
>>> Giấc mơ startup công nghệ của cựu Giám đốc ZingMp3
>>> Thuê nhà, lợi ích hơn bạn tưởng
>>> Giá bán bình quân căn hộ TP HCM 30 triệu đồng mỗi m2
Từ khóa liên quan