Người trẻ mua nhà: Có nên "liều ăn nhiều"?
04/07/2021
Với người trẻ, chỉ cần có 300-500 triệu là có thể mua nhà. Ngân sách dành cho căn nhà bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng người.
Sau hơn 15 năm sống ở Sài Gòn với không biết bao nhiêu lần chuyển nhà, từ căn phòng trọ 12m2 thời sinh viên đến căn phòng rộng hơn một chút khi đã lập gia đình, thời gian này có lẽ là vui nhất với vợ chồng Khôi vì đã kịp hoàn tất thủ tục, sửa sang và chuẩn bị dọn vào nhà mới.
Lần này, Khôi không phải dọn vào nhà trọ mà là căn nhà mới mua, đứng tên cả hai vợ chồng hẳn hoi.
Vay mua nhà rồi trả
Căn hộ Khôi mua rộng khoảng 50m2, có 2 phòng ngủ, nằm sát bên khu công nghệ cao quận 9, TPHCM.
Nếu cộng luôn chi phí trang trí nội thất, căn hộ của vợ chồng Khôi cũng xấp xỉ 1,5 tỉ đồng. Khôi kể, quyết định mua nhà đến với vợ chồng anh khá tình cờ, mà cho đến giờ anh vẫn chưa tin mình đã xoay sở mua được. Với tất cả vốn liếng sau hai năm cưới nhau chỉ 400 triệu đồng, vợ chồng Khôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Thế nhưng một lần tình cờ ghé nhà người anh họ đang ở chung cư này chơi, người anh cho biết hàng xóm đang muốn bán nhà để chuyển sang căn rộng hơn.
Cũng chục lần nâng lên hạ xuống, vợ chồng Khôi mới dám quyết định mua nhà sau khi hỏi mượn hai bên gia đình được thêm 300 triệu đồng nữa, số còn lại đi vay.
Nhiều gia đình trẻ quyết định vay mua nhà vì nhu cầu ở thực cấp thiết
Trước khi mua được nhà, Khôi tìm thuê những căn phòng trọ ở ngoại thành, thường là nhà cấp 4 lợp mái tôn. Mùa hè bước vào phòng nóng hệt như lò xông hơi, mùa mưa nước ngập bì bõm là chuyện thường. Đó là chưa kể, mỗi lần muốn chuyển phòng, kiếm được nơi an ninh tốt, giá cả vừa phải, phòng ở được cũng không phải dễ dàng. Cứ mỗi lần chuyển trọ, khát khao có nhà lại tăng lên, thôi thúc vợ chồng Khôi cố gắng dành dụm.
Vợ làm giáo viên, chồng làm kiến trúc sư, thu nhập không thấp, nhưng với những đôi vợ chồng trẻ như Khôi, rời quê hương với hai bàn tay trắng, nuôi con nhỏ, lại phải cáng đáng cả chuyện học hành của cậu em trai sinh viên năm hai thì quả thực dành dụm được số tiền ấy là một nỗ lực rất lớn.
“Biết sẽ áp lực vì số tiền vay kha khá nhưng cứ lần lữa mãi chẳng biết bao giờ mới có được nơi ở tử tế cho con. Đi ở trọ muốn sắm cái bàn học cho con cũng kiếm cái thật nhỏ vì không gian không có nhiều. Con học bài thì ba mẹ không bao giờ dám mở ti vi. Người thân ở quê vào có việc gì lại càng không dám mời đến vì làm gì có chỗ cho khách ngủ”, Khôi tâm sự thêm.
Khác với Khôi, Duyên (34 tuổi), cũng là dân tỉnh lên Sài Gòn lập nghiệp. Cô mua căn nhà đầu tiên diện tích nhỏ trị giá 1 tỷ đồng vào năm 28 tuổi khi trong tay chỉ có vỏn vẹn 300 triệu đồng. Đến nay cô đã trả hết nợ tiền nhà và còn “lận lưng” thêm được miếng đất tiền tỉ. Hỏi bí quyết, Duyên chỉ cười xòa nói “đôi lúc cần liều lĩnh thì mới mua được nhà thành phố. Vì giá nhà đất ngày càng tăng nhanh, chậm một bước thì giấc mơ có nhà ngày càng xa tầm với”.
Nhìn lại hành trình mua nhà của Duyên đúng là có phần liều lĩnh. Với 300 triệu đồng từ bán vàng cưới và tiền tích lũy, Duyên nhờ mẹ chồng ở quê vay thêm 10 cây vàng từ họ hàng với số lãi “tượng trưng” chỉ 200.000 đồng/tháng. Khoản còn lại Duyên mượn nhà mẹ đẻ và nhờ người cầm cố vay thêm.
Không lâu sau, công việc làm nhân viên môi giới bất động sản của chồng Duyên khá thuận lợi, thu nhập tăng cao. Cộng với số tiền mượn từ gia đình mỗi nơi vài chục triệu, Duyên nhanh chóng trả hết số vàng. Không những vậy, Duyên còn “lời” vì lúc vay giá vàng cao đỉnh điểm, hơn 45 triệu đồng/lượng, khi trả giá chỉ còn 36 triệu đồng/lượng. Sau 6 năm “thắt lưng buộc bụng” theo cách nói của Duyên, vợ chồng cô đã có căn nhà và mới mua thêm một miếng đất hơn tỉ đồng nữa làm của để dành.
Giấc mơ “ngôi nhà và những đứa trẻ”
Câu chuyện của hai bạn trẻ nói trên chỉ là điển hình giữa 1001 câu chuyện về nơi “an cư lạc nghiệp” của người trẻ. Thế nhưng có rất nhiều người chưa làm được như Khôi và Duyên. Với họ, những câu hỏi “khi nào cưới cưới xong tính mua nhà chưa? cưới rồi thì “khi nào thì định sinh con?” vẫn luôn là những câu hỏi thường gặp mà người được hỏi chỉ dám cười xòa thay cho câu trả lời.
Nhu cầu an cư lạc nghiệp ngày càng lớn khiến nguồn cung ít ỏi của căn hộ bình dân không đủ
Như câu chuyện của Phú và Dung. Cặp đôi này yêu nhau từ những ngày còn trên giảng đường đại học. Thế nhưng đến nay họ vẫn chưa “dám” làm đám cưới vì mỗi người đều có tâm thế ráng dành dụm một chút để cưới nhau về sẽ đỡ chật vật.
Hay như hoàn cảnh của Thanh. Cô lập gia đình đã hai năm nhưng vẫn chưa dám tính đến chuyện sinh con vì mọi chi tiêu trong gia đình với đồng lương 20 triệu đồng của hai vợ chồng phải thu vén khéo thì hang tháng mới dư được 10 triệu, chưa kể ma chay hiếu hỉ, đối nội đối ngoại.
Vậy nên, Phú, Dung, Thanh và rất nhiều người trẻ khác vẫn chấp nhận đi về những căn phòng trọ ọp ẹp. Nhìn số tiền tiết kiệm trong tài khoản hàng tháng chỉ tăng lên được vài triệu đồng. Nhà đối với họ vẫn là giấc mơ rất xa xỉ như thứ ánh sáng ấm áp phát ra từ những ngôi nhà khang trang mà hàng ngày họ vẫn chạy ngang qua trên đường về phòng trọ.
Nhiều chuyên gia nhận định, thế hệ trẻ với tiềm lực tài chính hạn chế đang càng lúc càng gặp khó khăn trong việc mua nhà để ở trong bối cảnh cần có nguồn lực tài chính lớn hơn để đáp ứng giá nhà cao hơn và đặt cọc nhiều hơn.
Thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ Millennials, sinh năm 1981 - 1991) còn được biết đến là thế hệ đi thuê nhà, hiện đang hoãn lại những việc trọng đại như kết hôn, sinh con. Một trong những yêu cầu cần có để mua nhà hiện nay chính là có 2 người kiếm thu nhập.
"Nếu không có sự giúp đỡ từ ngân hàng hay người thân, việc sở hữu nhà ở đối với những khách hàng dưới 35 tuổi là khá khó khăn".
“Có một thực tế là thu nhập của khách hàng trẻ chưa thể đáp ứng được với giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Giá một căn hộ chung cư trung cấp 2 phòng ngủ tại TP.HCM dao động từ 2 - 3 tỉ đồng. Trái lại, mặt bằng thu nhập tại Việt Nam chưa thể sánh ngang", một chuyên gia cho hay.
Dù trên địa bàn TP.HCM, đã có những dự án Nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hướng đến đối tượng khách hàng này nhưng số lượng cũng chỉ nhỏ giọt so với nhu cầu của người dân.
Tìm lời giải cho bài toán khó
Nhu cầu nhà ở vừa túi tiền rõ ràng là luôn cao, thế nhưng nếu so sánh giá nhà với thu nhập của người lao động tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đại đa số người dân vẫn không thể mua nổi nhà. Nếu không đủ tiền trả một lần, họ phải mua căn hộ trả góp nhưng lãi suất chỉ ưu đãi ngắn hạn từ 6 - 18 tháng, sau đó thả nổi. Do đó, người mua nhà trả góp sau này càng gặp nhiều khó khăn trước áp lực trả lãi.
Với người trẻ, chỉ cần có 300-500 triệu là có thể nghĩ đến chuyện mua nhà. Ngân sách dành cho căn nhà bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng người nhưng thường gặp nhất thì những cặp vợ chồng mới cưới, đi làm từ 2 đến 3 năm chỉ nên mua nhà từ 1,5 đến 2 tỉ đồng là vừa tầm.
Câu chuyện bất động sản phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân trong đó có giới trẻ là một bài toán được đặt ra rất lâu. Nhưng khó ở chỗ, những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM chi phí đầu vào khi đầu tư dự án rất lớn, làm ảnh hưởng đến giá thành đầu ra.
Vì vậy, để giải quyết bài toán nhà ở phù hợp nhu cầu của người dân, trong đó có giới trẻ thì cần sự kết hợp giữa hai bên Nhà nước và doanh nghiệp phải kết hợp, Ở góc độ doanh nghiệp đó là sự chủ động tìm kiếm quỹ đất ở các vùng ngoại thành để có chi phí đầu vào tốt hơn nhưng vị trí vẫn phải đảm bảo di chuyển vào trung tâm thuận tiện. Về phía Nhà nước, muốn ưu tiên phát triển phân khúc nhà vừa túi tiền cho người dân thì cần có những cơ chế khuyến khích và đặc thù hơn cho các phân khúc đó.
Chính sách này phải phù hợp cho từng phân khúc, từng khu vực chứ không thuần túy là áp dụng đồng đều thì sẽ không tạo động lực cho sự phát triển.
Để cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ra các khu vực ngoại ô hoặc các khu đô thị vệ tinh thì Nhà nước cần đầu tư về hạ tầng giao thông. Vì người mua nhà hiện nay họ không quan tâm chuyện xa hay gần nữa mà là thời gian di chuyển mất bao lâu.
Nếu hạ tầng giao thông thuận lợi thì các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn trong việc tiến ra vùng ven. Quận 2 hay quận 9 là một trong những ví dụ điển hình, khi hạ tầng được đầu tư thì dự án khu vực này thi nhau mọc lên.
Ở góc độ của người mua nhà, tốc độ tăng giá bất động sản ở Việt Nam luôn cao hơn tốc độ tăng thu nhập vì vậy người trẻ vẫn nên cân nhắc bài toán khi có thu nhập ổn định cần dùng đòn bẩy tài chính (vay thêm) để có thể sở hữu nhà thay vì tích lũy lâu dài mới mua thì rất khó.
Mua nhà không nên quá sức, phải cân nhắc khả năng tài chính hợp lý nhất để tránh áp lực quá nặng nề về mặt tâm lý. Ngoài ra phải chọn một căn nhà để cha mẹ đi làm, con cái đi học thuận tiện nhất để tiết kiệm thời gian di chuyển.
Thế An (Tổng Hợp)
Từ khóa liên quan