Hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh mua nhầm căn hộ sai phép
09/09/2017
Mua nhà là chuyện cả đời, vì thế mà không ai mong muốn mình rơi vào cảnh mua phải những căn hộ sai phép, cơi nới, chuyển đổi công năng.
Mua nhà là chuyện cả đời, vì thế mà không ai mong muốn mình rơi vào cảnh mua phải những căn hộ cơi nới, chuyển đổi công năng trái phép của chủ đầu tư. Thế nhưng, làm cách nào để nhận diện được những căn hộ cơi nới, chuyển đổi công năng trái phép lại không phải là điều dễ dàng.
Hầu hết người đi mua căn hộ, bao gồm mua để đầu tư hay mua để ở đều có sự thận trọng, kiểm tra, nghiên cứu rất kỹ căn hộ mình định mua, nhất là trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người mua phải căn hộ chung cư sai phép, bởi họ không được tư vấn kỹ về pháp lý của dự án, còn chủ đầu tư, phần lớn là không chủ động công bố hồ sơ pháp lý, mà thường chỉ đưa ra các tiện ích, dịch vụ của dự án để hút người mua.
Thời gian qua, các vụ khiếu kiện, tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư liên quan đến việc chủ đầu tư xây dựng sai phép liên tục diễn ra tại các chung cư trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM như: Capital Garden, Golden West… hay mới nhất là dự án Thảo Điền Sapphire.
Được biết, căn hộ cơi nới là cách nói chung, chỉ những sản phẩm, dự án xây dựng sai phép, nhưng cũng có nhiều dạng với những rủi ro, hậu quả khác nhau.
Những căn hộ thuộc diện cơi nới, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của chủ đầu tư sẽ quyết định sự tồn tại hoặc phá dỡ toàn bộ vi phạm. Trong đó, với trường hợp xây thêm tầng, hiện chính quyền các địa phương đang có xu hướng xử lý triệt để, bằng việc buộc chủ đầu tư tháo dỡ phần sai phạm, không chấp nhận cho chủ đầu tư nộp tiền để tồn tại. Nếu mua phải những căn hộ này, nhiều khả năng khách hàng sẽ không nhận được nhà.
Đọc ngay: Hướng dẫn cách "mượn tay ngân hàng" để soi pháp lý dự án bất động sản.
Theo ý kiến của nhiều luật sư, việc nhận diện căn hộ cơi nới là vấn đề quan trọng đối với người mua, nhưng có sự khác nhau giữa mua để đầu tư và mua để ở.
Với nhà đầu tư lướt sóng, dù cũng đề phòng rủi ro, nhưng với đặc điểm là mua nhanh, bán nhanh trong thời gian ngắn để kiếm lời, nên thường dễ chấp nhận rủi ro hơn là người mua nhà để ở và khi có rủi ro, cách xử lý của họ là đẩy hàng ra nhanh để tránh rủi ro. Còn với người mua nhà để ở, thường là người gắn bó lâu dài với dự án, nên cần phải trang bị cho bản thân những kỹ năng nền tảng để phòng tránh rủi ro khi mua nhà chung cư.
Để tránh mua phải những dự án cơi nới, sai phép, người dân cần tìm hiểu kỹ càng thông tin về chủ đầu tư của dự án
Thông thường, có 2 dạng căn hộ cơi nới là xây vượt tầng, hoặc nới theo chiều ngang và chuyển đổi công năng các tầng thương mại, kỹ thuật, diện tích chung… thành căn hộ để bán.
Với dạng thứ nhất, để phát hiện các trường hợp nới tầng, khách không nên chủ quan là chỉ có những người mua các tầng phía trên cùng mới gặp phải trường hợp cơi nới, bởi cũng có trường hợp chủ đầu tư nới tầng ở phần khối đế công trình. Trường hợp này, người mua cần chú ý đến số tầng của công trình và so sánh với văn bản phê duyệt dự án, phê duyệt quy hoạch và hồ sơ thiết kế.
Đối với kiểu nới mặt bằng tầng thường ít xảy ra hơn do các chủ đầu tư đã tận dụng tối đa không gian để thiết kế cho nhiều sản phẩm căn hộ. Vi phạm này thường rơi vào việc cơi nới về diện tích sân vườn đối với các căn hộ penthouse tại tầng áp mái.
Với dạng thứ hai, khả năng công nhận quyền sở hữu nhà cho người mua còn khó hơn dạng thứ nhất. Đây cũng là trường hợp mà nhiều khách hàng gặp phải hiện nay và gây nên nhiều tranh chấp, khiếu kiện giữa chủ đầu tư và khách hàng. Xem thêm: Những lý do chậm giao sổ hồng chung cư mà cư dân nên biết.
Trường hợp này, để phát hiện, người mua cũng cần kiểm tra hồ sơ pháp lý của dự án, nhưng cũng có thể phát hiện qua những thay đổi quảng cáo, giới thiệu trước đây về dự án của chủ đầu tư. Các dự án này, do việc yếu kém trong việc nghiên cứu thị trường, định vị sản phẩm hoặc xu hướng của thị trường, nên chủ đầu tư phải thay đổi dạng sản phẩm nhằm mục đích bán hết được sản phẩm của mình khi chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi, hoặc chưa được cơ quan nhà nước chấp thuận phê duyệt.
Hiện nay, với quy định bảo lãnh ngân hàng với các dự án hình thành trong tương lai cũng giúp khách hàng bớt nhiều rủi ro do ngân hàng cần phải thẩm định kỹ dự án trước khi cấp bảo lãnh cho người mua, mặt khác cho dù lọt lưới nhưng vẫn mua phải căn hộ cơi nới thì người mua vẫn dễ dàng đòi lại được tiền hơn khi phát hiện trước khi nhận bàn giao.
4 bước xác định uy tín chủ đầu tư
Bước thứ nhất: Tra cứu ngay tiểu sử của chủ đầu tư
Chủ đầu tư bất động sản uy tín được định nghĩa một cách dễ hiểu nhất đó chính là những doanh nghiệp đã và đang đầu tư nhiều sản phẩm được thị trường và người tiêu dùng đón nhận cũng như đánh giá cao, hay nói cách khác đó là những chủ đầu tư có tiểu sử tốt. Trong bước này, bạn cũng cần phải nắm được thông tin Năng lực tài chính của chủ đầu tư, thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông của chủ đầu tư thể hiện trên các mặt báo trong và ngoài nước; khảo sát người dân đang sinh sống tại khu vực về mức độ hài lòng với các sản phẩm/dịch vụ mà chủ đầu tư đó đang cung cấp. Có thể thấy bước tra cứu tiểu sử này rất quan trọng và cần thiết để giúp bạn xác định uy tín của chủ đầu tư. Xem thêm: Công bố danh sách 10 chủ đầu tư bất động sản uy tín 2017.
Bước thứ hai: Xem chủ đầu tư có sử dụng hay hợp tác với các đơn vị phân phối sản phẩm không?
Độ uy tín của một chủ đầu tư cũng được đánh giá qua việc chủ đầu tư đó có sử dụng hay hợp tác với các đơn vị phân phối sản phẩm hay không. Các đơn vị phân phối này thường là những sàn bất động sản có uy tín, đã từng phân phối nhiều hàng hóa trên thị trường, minh bạch trong việc cung cấp thông tin dự án đến khách hàng và làm việc một cách chuyên nghiệp.
Kiểm tra tiểu sử chủ đầu tư là một trong những bước quan trọng để xác định độ uy tín của chủ đầu tư
Bước thứ ba: Đánh giá chất lượng thông tin dự án mà chủ đầu tư cung cấp cho khách hàng
Một chủ đầu tư tốt và uy tín chắc chắn sẽ rất minh bạch trong thông tin, đặc biệt là tính pháp lý của dự án, nhất là những dự án bất động sản hình thành trong tương lai. Ngoài ra, họ cũng sẽ cung cấp mọi thông tin trong khuôn khổ pháp luật khi được khách hàng yêu cầu, chẳng hạn như: văn bản chấp thuận của Sở xây dựng địa phương cho phép chủ đầu tư bán nhà ở trong tương lai hay các thông tin về thế chấp, cầm cố dự án tại ngân hàng. Xem ngay: 8 nguyên tắc đầu tư bất động sản hiệu quả.
Bước thứ tư: Áp dụng nguyên tắc “mắt thấy, tay sờ, miệng nếm, mũi ngửi” để biết uy tín chủ đầu tư
Theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, để có được đánh giá đúng nhất về uy tín chủ đầu tư, khách hàng có thể áp dụng nguyên tắc “mắt thấy, tay sờ, miệng nếm, mũi ngửi”. Điều này có nghĩa là bạn phải tận mắt xem xét dự án mà chủ đầu tư đó đang triển khai trên thị trường để tự đưa ra đánh giá. Nếu là người cẩn thận, bạn nên dành thời gian để đến thực tế dự án, quan sát tiến độ, thăm hỏi người dân đã và đang sống trong khu vực của dự án. (Có thể thông qua hỏi trực tiếp hoặc gián tiếp qua những kênh truyền thông hoặc mạng xã hội). Với việc làm trình tự các bước này, bạn sẽ dễ dàng nắm được sự thật.
Bạn đang theo dõi bài viết Cách nhận biết căn hộ sai phép khi mua nhà. Để kết thúc cho bài viết này, Rever gửi đến bạn tài liệu Hướng dẫn kiểm tra khi nhận bàn giao căn hộ qua đường dẫn tải về dưới đây:
Có thể bạn quan tâm:
- Công bố danh sách 10 chủ đầu tư bất động sản uy tín 2017
- Công bố danh sách 10 nhà thầu xây dựng uy tín 2017
Quang Vinh (TH)
Từ khóa liên quan