5 chiêu thức lừa đảo cho thuê phòng trọ và cách phòng tránh hiệu quả
16/09/2020
Những ai đang có ý định thuê phòng trọ nên đọc kỹ bài viết dưới đây để không rơi vào bẫy rập của bọn lừa đảo.
Thuê phòng trọ là giải pháp nơi ở cho những gia đình chưa đủ tài chính để sở hữu nhà riêng cũng như các bạn sinh viên phải đi học xa. Song việc tìm phòng trọ ngày nay cũng lắm gian truân bởi nhiều chiêu trò lừa đảo của kẻ bất lương khiến người thuê vừa mất tiền, vừa không có chỗ ở. Do đó, những ai đang có ý định thuê phòng trọ nên đọc kỹ bài viết dưới đây để không rơi vào bẫy rập của bọn lừa đảo.
5 chiêu thức lừa đảo cho thuê phòng trọ thường gặp
1. Giả danh chủ nhà để lừa đảo cho thuê phòng trọ
Đặt cọc rồi, nhưng đến ngày dọn vào thì chủ trọ "bốc hơi".
Những bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sinh viên “chân ướt, chân ráo” lên thành phố thường là đối tượng mà kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ nhắm đến.
Biết bạn còn lạ lẫm với khu vực xung quanh, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra giá thuê rẻ và dẫn bạn đi xem những căn phòng trọ có bề ngoài tươm tất nhưng vắng chủ. Khi bạn có ý muốn vô xem phòng thì kẻ này sẽ lấy lý do là khách đang thuê đi vắng nên chưa vào xem được.
Sau đó, kẻ lừa đảo sẽ mồi chài bạn đặt cọc bằng những lý do như “giá rẻ như này không cọc thì sẽ có người khác thuê”, “đang có nhiều người hỏi thuê phòng lắm”, … Bạn thấy số tiền không quá lớn, nhìn bề ngoài cũng ưng ý nên sẵn sàng đặt cọc.
Nhưng bạn nào biết rằng mình vừa sập bẫy của kẻ giả dạng chủ nhà trọ. Đến ngày bạn chuẩn bị dọn đồ vào ở thì dù tìm mọi cách bạn cũng không liên lạc được chủ trọ đâu!
Như trường hợp bạn Miên (sinh viên Đại học Hutech) đã đặt cọc 1 triệu đồng cho bà Hương – tự giới thiệu là chủ phòng trọ, nhưng hôm sau đến xem phòng thì thấy phòng đó có người ở rồi. Khi Miên tìm gặp ông Bằng – chủ phòng trọ thật sự thì ông bảo phòng này đã có người đặt cọc trước đó cả tuần. Miên chưa tin, vẫn đòi lại tiền đặt cọc thì ông Bằng mới lớn tiếng: “Tôi có nhận tiền của cô đâu. Cô khờ đến mức đưa tiền cho một kẻ không quen biết thì tôi cũng bó tay!”. Vậy là Miên đành ngậm ngùi chấp nhận mất trắng 1 triệu đồng ấy.
2. Cố tình lật lọng để ép khách thuê vào thế bí
Đây có lẽ là chiêu lừa đảo cho thuê phòng trọ khiến nhiều người bức xúc nhất. Khi bạn đến hỏi thuê phòng, kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ sẽ giới thiệu cho bạn đủ mọi điều kiện ưu đãi, giá thuê tốt, tiền điện nước rẻ bèo,… Họ sẽ “vẽ” cho đến khi nào bạn ưng ý và xuống tiền cọc. Hôm sau khi bạn đến làm hợp đồng thuê phòng trọ thì những điều kiện “trời ơi đất hỡi” sẽ bắt đầu xuất hiện, ép bạn vào tình thế thà chấp nhận bỏ tiền cọc còn hơn!
Bạn Hoài, nhân viên văn phòng đang làm việc tại Quận 2, TP.HCM kể, tối hôm đó, Hoài đọc được trên mạng tin rao cho thuê phòng trọ dạng căn hộ mini ở Quận 2, giá chỉ 2.5 triệu/tháng. Xem hình ảnh thấy phòng sạch đẹp, giờ giấc lại tự do nên Hoài khá ưng ý và gọi điện cho chủ nhà hẹn ngày hôm sau đến xem phòng. Khi Hoài đến xem nhà, chủ nhà nói tiền điện nước và internet mỗi tháng vào khoảng 400.000 đồng/người/tháng và không phát sinh thêm chi phí gì. Chủ nhà còn nói đang có mấy người hẹn đến xem phòng ngày hôm đó nên Hoài vội vàng đặt cọc trước 1 triệu vì sợ người khác thuê mất.
Đúng như hẹn, 7 ngày sau, Hoài dọn đồ đến ở. Chủ nhà khi đó đưa cho Hoài bản hợp đồng thuê với những điều khoản khác hoàn toàn so với thỏa thuận ban đầu: tiền điện nước, internet là 600 nghìn/người/tháng, tiền giữ xe là 100 nghìn/tháng, chưa tính tiền rác, tiền vệ sinh, tiền bảo trì, tiền camera an ninh… thậm chí là phí phạt cao “cắt cổ” nếu hư điện, hư ống nước. Tổng giá thuê mỗi tháng bị đội lên đến 3.8 triệu.
Không chỉ vậy, chủ nhà thậm chí còn đưa ra những quy định rất vô lý như hạn chế đưa bạn bè đến chơi, phải về nhà trước 11 giờ đêm để tránh làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh… Quá bức xúc, Hoài quyết định không thuê nữa và đòi lại tiền cọc nhưng chủ nhà nhất quyết không trả lại tiền, nói rằng tiền cọc thì không hoàn lại vì bất cứ lý do gì.
3. Làm phát sinh nhiều khoản tiền vô lý để lừa đảo cho thuê phòng trọ
Nhiều loại phí từ trời rơi xuống khiến người đi thuê phòng trọ phải chấp nhận bỏ cọc.
Chiêu trò lừa đảo cho thuê phòng trọ này rất nhiều bạn sinh viên đã gặp phải, đặc biệt là những ai thiếu hiểu biết, không chịu đọc kỹ hợp đồng cho thuê phòng trọ. Lúc đầu khi đến hỏi thuê phòng, chủ nhà sẽ đưa ra giá thuê rẻ, các khoản chi phí hàng tháng hợp lý, tiền điện nước tính như hộ dân, gửi xe miễn phí,…
Tuy nhiên, chỉ sau khi bạn vừa ở được một vài tuần thì kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ sẽ kêu ca rằng tiền điện nước tăng giá và bắt bạn phải đóng thêm. Khoản đóng thêm này không hề ít, có thể gấp 2-3 lần chi phí “hứa hẹn” trước đó. Mức phí quá cao khiến bạn không thể chấp nhận và buộc phải chuyển đi mà không hề lấy lại được tiền đặt cọc, thậm chí là phải bồi thường hợp đồng!
4. Lừa đảo cho thuê phòng trọ bằng chiêu ở ghép
Lợi dụng tâm lý sợ tốn kém khi đi thuê phòng trọ, kẻ lừa đảo giả dạng thành người cần ở ghép rồi nhân lúc bạn sơ hở mà ngang nhiên cuỗm hết tài sản đi hết rồi “biệt vô âm tích”. Khi mọi chuyện vỡ lỡ thì bạn cũng không thể nào tìm được kẻ lừa đảo vì hắn đã cố tình đưa danh tính giả hoặc trì hoãn không cung cấp giấy tờ tùy thân.
Do vừa đi làm vừa đi học lên Thạc sĩ nên bạn Hưởng buộc phải thuê phòng trọ ở khu vực đường Điện Biên Phủ, Quận Bình Thạnh để tiện bề di chuyển lên công ty và trường học. Chính vì việc ở gần trung tâm thành phố nên mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày đều rất đắt đỏ. Để giảm bớt gánh nặng tiền thuê phòng trọ, Hưởng đã đăng tin tìm người ở ghép lên mạng internet với hy vọng tìm được người tử tế về ở chung.
Sau vài ngày, Hưởng nhận được cuộc gọi từ một bạn nữ đề nghị đến xem phòng. Đúng hẹn, hai bên gặp nhau. Đó là một cô gái tên Ngân, khoảng 26 - 27 tuổi, mặt mũi sáng láng và ăn mặc lịch sự . Ngân tự giới thiệu đang là nhân viên văn phòng của công ty X. Nhờ ăn nói khéo léo và vẻ ngoài đứng đắn, Ngân nhanh chóng chiếm được thiện cảm của Hưởng.
Ở được mới 2 hôm thì Ngân “bốc hơi” cùng ví tiền và laptop của Hưởng. Chú hàng xóm nói sáng cùng ngày thấy Ngân mang theo ba lô bỏ đi nhưng không hề nghi ngờ. Hưởng gọi cho Ngân hỏi thì không liên lạc được, nhắn tin Zalo thì bị chặn luôn. Sau đó, Hưởng tìm đến công ty X hỏi bảo vệ và một số nhân viên tại đây nhưng tất cả đều nói không biết gì về người tên Ngân. Quá thất vọng, Hưởng quay về trình báo vụ việc cho Công an phường để truy tìm kẻ lừa đảo.
5. “Cò” lừa đảo tiền giới thiệu cho thuê phòng trọ
Dù có tìm được phòng trọ ưng ý hay không thì bạn cũng phải trả tiền cho "cò" phòng trọ.
Chiêu trò lừa đảo tiền giới thiệu cho thuê phòng trọ đã khiến nhiều khách thuê phải ám ảnh. Nhiều “cò” bất lương sẽ đăng tin cho thuê phòng trọ lên mạng. Khi bạn tìm đến, kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ sẽ giở mánh khóe, nói chuyện lòng vòng khiến bạn khó chịu. Những kẻ này sẽ đòi bạn một đưa một khoản tiền giới thiệu trước rồi mới giới thiệu phòng, nếu bạn không đưa thì sẽ bị hăm dọa đủ điều.
Và khi bạn yêu cầu được dẫn đến tận nơi để xem phòng thì kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ lại giở thủ đoạn đưa bạn đến một phòng khác với phòng trọ trên tin đăng, giá thật cao nhưng điều kiện thì tồi tàn và xập xệ. Cứ vài lần như thế thì bạn cũng trở nên chán nản rồi bỏ luôn khoản tiền cọc và tự đi tìm nơi khác cho thuê…
Cách phòng tránh lừa đảo cho thuê phòng trọ
Gõ địa chỉ phòng trọ lên Google xem có từng bị "bóc phốt"
Trên mạng ngày nay có nhiều trang web, hội nhóm cho đăng tên những địa chỉ cho thuê phòng trọ bất lương để cảnh báo cho mọi người cùng biết. Bạn chỉ cần gõ tên địa chỉ mình đang quan tâm lên Google, nếu đây là địa chỉ lừa đảo "có tiếng" thì khả năng cao là bạn sẽ tìm được bài viết "bốc phốt" trên mạng đấy!
Đây là một cách đơn giản nhưng hiệu quả, giúp bạn nhanh chóng nhận diện địa chỉ lừa đảo cho thuê phòng trọ mà không cần phải xuống tận nơi dò hỏi.
Xác định chính chủ trước khi đặt cọc thuê phòng trọ
Bạn phải cẩn thận với những thông tin chào mời cho thuê phòng trọ trôi nổi trên internet hay mạng xã hội. Nên chọn lọc những tin đăng cho thuê nhà có đầy đủ thông tin, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ chính chủ.
Để tìm được chỗ thuê tốt, bạn nên tham khảo ý kiến người dân xung quanh khu vực nhà trọ, nên đi xem phòng với người thân hoặc bạn bè để có đánh giá khách quan hơn hoặc đề phòng gặp kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ.
Đọc kỹ hợp đồng đặt cọc cho thuê phòng trọ
Cẩn thận câu từ như "Trống phòng nào thì giao phòng đó", cho nên phòng hôm nay xem là một kiểu, phòng lúc giao có thể là một kiểu khác.
Thông thường, tiền đặt cọc cho thuê phòng trọ sẽ là khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đối với những phòng trọ nhỏ và bằng 1-2 tháng tiền thuê đối với những căn hộ vừa và lớn, có nội thất cơ bản.
Trước khi xuống tiền đặt cọc, bạn cần tìm hiểu thông tin để chắc chắn gặp đúng chủ nhà. Chỉ đặt cọc giữ chỗ khi có thỏa thuận biên nhận rõ ràng, tuyệt đối không đặt cọc nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo cho thuê phòng trọ.
Khi đặt cọc phải yêu cầu chủ trọ ghi rõ ràng và chi tiết những thỏa thuận về tiền phòng, chi phí hàng tháng để làm bằng chứng. Lưu ý, giấy đặt cọc phải có chữ ký của cả hai bên để tránh việc kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ lật lọng giữa chừng.
Đọc kỹ hợp đồng cho thuê phòng trọ
Để tránh lừa đảo cho thuê phòng trọ, bạn phải trao đổi kỹ thông tin với chủ nhà về giá thuê phòng và các chi phí cơ bản, xác nhận xem ngoài những khoản phí này thì còn phát sinh thêm bất kỳ khoản phí nào khác không?
Lưu ý trong hợp đồng thuê phòng trọ phải ghi chi tiết giá thuê, áp dụng giá đó trong thời gian bao lâu, đến khi nào sẽ tăng giá (nếu có), tỉ lệ tăng không quá bao nhiêu phần trăm. Bên cạnh đó, hợp đồng phải quy định rõ việc thay đổi công năng, vật dụng, sơn sửa nhà... sẽ do ai chi trả, tránh sau này không ở nữa sẽ bị chủ nhà lấy cớ trừ tiền cọc.
Tìm hiểu rõ ràng danh tính người ở ghép
Nếu bạn phải ở ghép với người lạ thì trước tiên, bạn phải tìm hiểu kỹ về người ở ghép trước khi đồng ý cho họ dọn vào thuê phòng chung để tránh kẻ lừa đảo. Những thông tin cơ bản bạn nhất định phải hỏi và xác minh như tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, giờ giấc sinh hoạt,...
Ngoài ra, khi ai đó chuyển đến, bạn hãy yêu cầu người đó ra ngay công an phường đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nếu là kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ chắc chắn sẽ bỏ cuộc vì không dám ra trình diện trước công an, ngược lại, người thực sự có nhu cầu ở ghép sẽ không ngại gì việc thực hiện thủ tục này để đảm bảo quyền lợi cho bản thân họ khi thuê phòng trọ.
Sau khi xem qua bài viết "5 chiêu thức lừa đảo cho thuê phòng trọ và cách phòng tránh hiệu quả". bạn có thể tham khảo ngay List những căn hộ cho thuê giá tốt nhất tại Rever.
Có thể bạn quan tâm:
- Còn buồn khi phải mua nhà diện tích nhỏ vì bạn chưa biết 7 điều này
- Vạch trần 4 bí mật mà người bán nhà không muốn bạn biết
- Cảnh giác lừa đảo nhà đất: Muôn kiểu lừa tiền đặt cọc
- Các hình thức cho vay mua nhà phổ biến nhất hiện nay
- Phân tích Lợi thế và Hạn chế khi mua chung cư Quận 8
- Cảnh giác: 8 chiêu lừa đảo mua bán nhà đất 2020 và cách phòng tránh hiệu quả
- Mua căn hộ chung cư cần xem xét kỹ 9 tiện ích này
- Mua nhà giá tốt như dân buôn bất động sản chuyên nghiệp bằng 7 cách sau đây
- Bị lừa mất trắng khi mua nhà dù cầm trên tay sổ hồng!
- Cảnh giác lừa đảo nhà đất: Xem đất "đi dễ khó về"
Nguyên Phương (TH)
Từ khóa liên quan