Từ bỏ sự nghiệp đỉnh cao tại VNG, CEO Rever ước mơ dùng công nghệ ‘sốc lại’ cuộc chơi ngành môi giới bất động sản
20/12/2021
Rời bỏ nhiều vị trí cấp cao tại ZingMp3 và Zalo - hai trong số những dự án lớn và thành công nhất của “kỳ lân" công nghệ VNG; năm 30 tuổi, ông Phan Lê Mạnh khởi nghiệp với Rever.
Rời bỏ nhiều vị trí cấp cao tại ZingMp3 và Zalo - hai trong số những dự án lớn và thành công nhất của “kỳ lân" công nghệ VNG; năm 30 tuổi, ông Phan Lê Mạnh chọn bất động sản làm lĩnh vực để khởi nghiệp với dự án Proptech mang tên Rever, trong tiếng Pháp có nghĩa là “giấc mơ”.
Ông Phan Lê Mạnh nói rằng VNG đã mang lại cho ông rất nhiều thứ từ tinh thần cho đến vật chất, cùng một tương lai tươi sáng mà nhiều người hằng mong ước; nhưng sâu thẳm bên trong ông vẫn tồn tại nhiều câu hỏi về năng lực của bản thân và về con đường mình sẽ đi trong nhiều năm tới.
Năm 2002 tôi lên đại học. Lúc đó hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Gần như cả thời sinh viên tôi cứ sống được nửa tháng là hết tiền tiêu. Điều đó ám ảnh đến mức, nhiều đêm tôi trằn trọc suy nghĩ làm sao để mình có tiền, làm sao có thể vượt qua những khó khăn về vật chất. Tôi vẫn còn nhớ khoảnh khắc mà tôi quyết định phải kiếm được 1 triệu USD trước năm 30 tuổi.
Năm 23 tuổi, tôi startup và bắt đầu làm về hệ thống website. Một ngày, anh Vương Quang Khải (Phó Tổng giám đốc VNG) liên hệ với tôi nói rằng VNG (khi đó còn là Vinagame) đang có một dự án mới tên là Zing, hỏi tôi có muốn tham gia không. Khi nhận được lời mời, tôi như vỡ oà, vì bản thân không nghĩ mình sẽ được vào một môi trường như vậy. Lúc đó, thành công với game Võ Lâm Truyền Kỳ giống như ánh hào quang với VNG.
Năm 24 tuổi, tôi là Giám đốc trẻ nhất của một dự án của VNG bởi thành công với Zing MP3 sau 4 tháng. Trong một chuyến đi sang Trung Quốc, ngồi ăn tối với anh Lê Hồng Minh (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG) và anh Vương Quang Khải, tôi mới hỏi:
"Em theo các anh, liệu năm 30 tuổi em có được 1 triệu USD không?"
Anh Minh và anh Khải suy ngẫm gì đó rồi nói: "Có thể!".
Thực ra sau này tôi cũng không bao giờ đề cập đến vấn đề đó nữa. Quá trình tôi làm việc bên VNG là sự nỗ lực và gần như không quan tâm đến chuyện tiền bạc. Tôi tin rằng những cố gắng của mình sẽ được công ty đền đáp xứng đáng.
Năm 2016, sau rất nhiều sản phẩm thành công ở VNG, trong đó có dự án Zalo. Năm đó tôi cũng khoảng 30 tuổi và đánh dấu một sự kiện quan trọng.
Tôi nghĩ đến bước tiến tiếp theo của mình sẽ như thế nào. Mình mong muốn điều gì? Lúc đó, rất nhiều thứ giằng xé. Tôi cũng hoài nghi bản thân. Tôi tự hỏi mình có phải là người giỏi không, vì xung quanh tôi có rất nhiều anh em VNG tài năng. Hay chẳng qua tôi may mắn được làm việc trong môi trường có nhiều người giỏi như vậy?
Thứ hai, tôi mong muốn mang đến nhiều giá trị hơn cho cuộc sống. Sau này tôi khám phá ra, thứ mà tôi khao khát là giúp cho tất cả mọi người thành công hơn. Đó là mong muốn sâu thẳm bên trong.
Tôi nhận ra rằng, tất cả kết quả mình đạt được sẽ đến từ những gì mà mình thấy được. Tôi muốn giúp cho mỗi người, hay ngay bản thân đội ngũ, những người làm cùng với tôi có thể lên được ngọn núi cao hơn.
Khi bạn đứng ở dưới đồng bằng, bạn sẽ thấy phong cảnh khác. Khi bạn đứng trên đỉnh núi, bạn sẽ thấy toàn bộ phong cảnh bên dưới rất khác. Việc bạn thấy được những gì, bạn sẽ có được quyền quyết định sẽ làm gì cho những điều bạn thấy. Điều đó sẽ giúp cho cuộc đời của bạn được mở khoá, khai phá. Tôi gọi đó là "giải phóng".
Khi mà tất cả những anh em của mình đứng được ở những điểm cao hơn, mình sẽ đưa mọi người đi bằng cái gì? Với tôi, đó là việc học, nền tảng và hệ thống; những thứ này sẽ giúp mọi người cởi mở hơn. Tôi mong muốn tất cả mọi người tốt lên, được đứng trên những tầm cao. Mọi người sẽ được trao quyền quyết định cho những điều mà họ thấy được.
Tôi tò mò một chút về thời điểm ông rời VNG, khi đó ông đã có 1 triệu USD như mong muốn ban đầu chưa?
VNG đã cho tôi rất nhiều thứ. Nỗ lực của tôi ở VNG cũng giúp tôi đạt được những cột mốc cho bản thân mình, đó là điều lúc nào tôi cũng ghi nhận.
Khi rời VNG để khởi nghiệp, tôi có chia sẻ với nhiều người rằng: "Thực tế nếu mình không chuẩn bị để vượt qua rào cản về tài chính, mình sẽ không khởi nghiệp nổi đâu. Bạn không thể nào vừa giải quyết vấn đề của thị trường và vừa giải quyết vấn đề cá nhân được. Giống như việc bạn không thể vừa đem tiền đi khởi nghiệp lại vừa đem tiền về cho vợ, cho con đi học. Nên tốt nhất là bạn phải không có vấn đề cá nhân trước đã". (Cười lớn)
Thời điểm đầu tôi khởi nghiệp với Rever, anh Lê Hồng Minh có góp vốn đầu tư chung. Lúc đó, tôi chỉ nói rằng: "Nếu các anh không đầu tư bây giờ, sau này lỡ mất ráng chịu". Nhưng tôi không cam kết sẽ thành công, mà hứa sẽ không bỏ chạy. Có nghĩa là, tôi sẽ làm mọi cách đến nỗ lực cuối cùng để đồng tiền của các anh hiệu quả nhất.
Sau này, chúng tôi có thêm Mekong Capital đầu tư. Thực tế, mình sao biết được thành công sẽ như thế nào. Nếu mà nói đầu tư chắc chắn thành công là nói xạo. Tôi chỉ cam kết nỗ lực hết sức để hiện thực hoá tầm nhìn, sứ mệnh và mục đích của bản thân và công ty.
Năm 2014, VNG trở thành kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Ngay như Zalo thời điểm hiện tại, dự án này đang trở thành một Super App hết sức tiềm năng. Thực ra tôi nghĩ rằng, với vị trí là leader của dự án này, ông hoàn toàn có thể đưa đội ngũ lên những đỉnh núi cao hơn tại VNG, nhưng tại sao lại là Rever?
Giai đoạn 2010 – 2011, sau một thời gian làm tại VNG, tôi bắt đầu có tiền. Thời điểm đó thị trường bất động sản cũng đi xuống, tôi mới dành ra một số tiền để đầu tư.
Tôi đã có những trải nghiệm rất thật của người đi mua. Thông tin bất động sản toàn là tin giả. Khi tôi gọi điện đến, gần như các bất động sản đều được bán hết rồi. Trải nghiệm của người mua lúc đó rất tệ.
Khi làm việc với các bạn môi giới, tôi hiểu ra đó là chiến lược bán hàng của họ. Tất cả mọi người sao chép lẫn nhau và không có một phương thức hoạt động hiệu quả. Các bạn môi giới cũng không được đào tạo và họ không sống được với nghề. Gần như mọi người không xem môi giới bất động sản là một cái nghề.
Sau một thời gian nghiên cứu, tôi phát hiện ra nguyên nhân là thị trường không có một hệ thống hàng hoá chung. Tức là, thị trường bất động sản thiếu một hệ thống hàng hoá để mọi người có thể truy cập. Hàng hoá đó phải được xác minh kỹ lưỡng để giúp người mua, ngay cả bản thân môi giới có thể cập nhật và biết chính xác tình trạng của bất động sản.
Môi giới thời đó chỉ hoạt động được ở một khu vực nhất định, hiệu suất của họ rất thấp. Không chỉ các bạn môi giới, các chủ đầu tư mà tôi tiếp xúc cũng gặp những vấn đề tương tự của thị trường.
Do xuất thân trong ngành Tech, tôi nghĩ mình có thể làm được gì đó để thúc đẩy ngành kinh doanh này.
Ngành môi giới bất động sản nếu mình không làm, chắc chắn một ngày nào đó các công ty nước ngoài họ sẽ vào và thiết lập các tiêu chuẩn. Khi họ làm như vậy, Việt Nam sẽ mất đi một ngành, mà đây lại là ngành cực kỳ to.
Như bạn nói, tôi có thể tiếp tục làm ở VNG và cùng nhau biến Zalo trở thành một Super App với tất cả mọi thứ. Nhưng cũng có một lựa chọn khác là tôi có thể đi ra ngoài và làm những lĩnh vực mà mình chưa bao giờ đụng đến, vượt ra những nơi không còn an toàn nữa. Tôi muốn giúp được các bạn môi giới có thể sống được với nghề. Khi họ tồn tại được và coi môi giới là một cơ hội, họ có thể giúp cải thiện trải nghiệm và giải quyết được những bài toán của khách hàng.
Tôi tin rằng chỉ có công nghệ mới có thể tạo ra một nền tảng mà tất cả hàng hoá tập trung lại. Từ đó, mọi thứ được cập nhật một cách tức thời.
Kể từ thời điểm ông bắt đầu khởi nghiệp khoảng 5 năm trước, tôi nghĩ rằng các Proptech hiện nay đã có được chỗ đứng nhất định trong ngành môi giới bất động sản. Với tư cách là một trong những người tiên phong khai phá thị trường này, ông đánh giá trong 5 năm qua các Proptech đã phá vỡ cấu trúc ban đầu của ngành như thế nào? Và họ đã đạt được những thành tựu gì?
Khi Proptech xuất hiện, tôi nghĩ lợi ích lớn nhất nằm ở khách hàng. Bản thân những công ty Proptech như Rever luôn đặt khách hàng là trọng tâm. Bạn sẽ thấy rằng, những công ty ra đời, họ có một sứ mệnh là mang lại giá trị cho khách hàng. Nhưng nếu nhìn vào lĩnh vực môi giới bất động sản, có thể điều đó trước kia không đúng. Gần như tất cả mọi người coi đó là cơ hội để kiếm tiền.
Trong những năm vừa rồi, công nghệ bắt đầu thay đổi toàn bộ trải nghiệm người dùng. Hay có thể nói, trải nghiệm của người dùng giờ đây đã khác. Họ có rất nhiều thông tin và sự lựa chọn.
Cách đây 10 năm, khi tôi muốn tìm một thông tin, tôi phải thông qua một môi giới nào đó. Nhưng cách đây 3 – 4 năm, gần như mọi thông tin đều có trên internet. Người môi giới chỉ giúp thực hiện giao dịch. Proptech đã thay đổi trải nghiệm và điểm chạm của khách hàng, và mọi thứ đang thay đổi từng ngày.
Ngày nay, bạn sẽ thấy giai đoạn đầu của hành trình khách hàng đã hoàn toàn mới. Họ không còn tìm thông tin qua môi giới nữa mà họ tìm kiếm thông tin trên những nền tảng, một nơi đáng tin cậy hơn.
Tôi tin rằng trong vòng 3 – 5 năm nữa, gần như trọn quá trình giao dịch của khách hàng sẽ dựa hoàn toàn vào nền tảng Proptech.
Hiện nay trên thế giới Proptech đã tham gia vào tất cả hành trình, từ giai đoạn tìm kiếm nhà, mua nhà, marketing, hỗ trợ chủ đầu tư, cho vay… đều có những công ty tấn công vào từng phân khúc nhỏ như vậy.
Theo tôi quan sát, hiện hay có thể chia ngành môi giới bất động sản theo hai trường phái. Một là các công ty môi giới truyền thống họ đầu tư thêm vào các nền tảng số hoá. Hai là các công ty thuần về công nghệ như Rever. Theo ông, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mỗi trường phái?
Tôi nghĩ mỗi công ty đều có điểm mạnh của riêng họ. Những công ty truyền thống có mối quan hệ rất tốt với chủ đầu tư và trong ngành bất động sản. Nhưng những công ty Proptech lại có tệp khách hàng mạnh.
Bạn hãy để ý, mỗi công ty sẽ có chiến lược riêng. Trong môi giới bất động sản sẽ có bên cầu (demand) và bên cung (supply). Các công ty môi giới truyền thống có xu thế chiếm nguồn cung, vì họ có mối quan hệ lâu năm với chủ đầu tư bất động sản.
Các công Proptech hay công ty Tech nói chung sẽ tìm cách chiếm về khách hàng (user) do nền tảng internet không bị giới hạn. Tôi lấy ví dụ như Grab/Uber, khi khách hàng lựa chọn dùng các nền tảng này, gần như tất cả lái xe sẽ tham gia vào đó; hay các nhà cung cấp sẽ đi theo.
Ở những công ty Proptech, bản thân những người founder như tôi là dân làm internet. Trong máu của chúng tôi là cách làm của những người tập trung vào người dùng cuối (end user). Những thói quen và kiến thức như vậy là sự khác biệt của công ty Proptech so với công ty môi giới bất động sản truyền thống.
Câu hỏi đặt ra là, nếu trải nghiệm khách hàng tốt, họ chọn được một nơi tin cậy thì supply có về hay không? Chúng tôi đặt cược và tin tưởng vào mối quan hệ đó.
Thật ra bạn sẽ thấy tất cả những nền tảng như Grab, Uber, Facebook, Google… đều tập trung vào user để có thể thắng được supply.
Thứ hai, công nghệ về bản chất cốt lõi bên dưới là dữ liệu. Những công ty làm về công nghệ như chúng tôi có tư duy dữ liệu. Điều đó có nghĩa mình đi thu thập dữ liệu. Đó không chỉ là câu chuyện ngày một ngày hai mà là một quá trình. Hệ thống dữ liệu khách hàng là tài sản lớn nhất của một công ty công nghệ, bên cạnh đó là dữ liệu của các bất động sản, dữ liệu của môi giới.
Tôi có theo dõi Vinhomes, họ là công ty bất động sản nhà ở số 1 tại Việt Nam, rất to và mạnh. Hai năm trở lại đây, họ bắt đầu phát triển One Housing, một nền tảng thuộc One Mount Group hỗ trợ trong việc phân phối các bất động sản, kết nối online to offline và xây dựng thị trường thứ cấp… Rồi họ cũng tích hợp thêm các giải pháp hỗ trợ tài chính cho khách hàng mua nhà, với nền tảng là mối quan hệ với Techcombank rất bền chặt. Ông đánh giá việc các chủ đầu tư bất động sản lớn tham gia sâu vào khâu phân phối như thế nào? Liệu các Proptech như Rever có giống như David đối đầu Goliath, một bên là chàng chăn cừu còn bên kia là gã khổng lồ?
Tôi nghĩ rằng thị trường quá rộng lớn và khách hàng sẽ lựa chọn những nơi đem đến giá trị cho họ.
Thời điểm hiện tại, việc nhiều người chơi mới tham gia giúp cho thị trường phát triển mạnh hơn. Tới thời điểm này, tôi thấy rằng các công ty chỉ đang chiếm được phần rất nhỏ thị phần. Xu thế sau này của các công ty sẽ là hợp tác với nhau, họ cũng không loại trừ nhau.
Bản thân Rever hiện đang phân phối bất động sản cho Vinhomes và rất nhiều chủ đầu tư khác. Chúng tôi không xem họ là đối thủ, thay vào đó cùng cộng hưởng trong ngành bất động sản Việt Nam. Để tạo sự ổn định và làm cho thị trường tốt lên, ngoài Rever sẽ cần những công ty như One Housing hay nhiều startup khác. Đó là góc nhìn của tôi.
Bất động sản được dự báo là megatrend của Việt Nam trong nhiều năm tới. Rever sẽ tận dụng làn sóng này như thế nào?
Ngay từ đầu chúng tôi đã tập trung vào thị trường Proptech và dịch chuyển trải nghiệm khách hàng sẽ là điều tất yếu.
Trong năm nay, năm sau và 5 năm tới, Rever đã, đang và sẽ mở rộng rất nhiều. Chúng tôi có khao khát mở rộng ra toàn bộ tỉnh thành của Việt Nam.
Tầm nhìn của Rever là năm 2025 đạt được 200.000 khách hàng giao dịch trên hệ thống. Chúng tôi sẽ không dừng ở dịch vụ môi giới mà mở rộng sang các dịch vụ khác như cho thuê văn phòng, trang trí hoặc cho vay trong lĩnh vực bất động sản…
Cuối cùng, Rever mong muốn cùng với các bạn môi giới đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Theo Cafef.vn
Bạch Mộc
Hương Xuân
Từ khóa liên quan