Người yêu chưa chịu cưới nhưng đòi hùn tiền mua nhà
12/10/2021
Chị Hằng đang rơi vào rắc rối về tình cảm lẫn pháp lý khi người yêu năm lần, bảy lượt muốn cùng chị hùn tiền mua nhà Sài Gòn.
"Tôi bối rối không biết anh xem tôi là vợ tương lai hay là đối tác góp tiền mua nhà". Chị Hằng (28 tuổi, sống tại Linh Xuân, Thủ Đức) đang rơi vào rắc rối về tình cảm lẫn pháp lý khi người yêu năm lần, bảy lượt muốn cùng chị hùn tiền mua nhà Sài Gòn.
Tôi năm nay 28 tuổi, bạn trai lớn hơn tôi một tuổi. Tôi đang làm việc giấy tờ cho một khu chế xuất, lương trên dưới 10 triệu. Còn bạn trai tôi thì làm trong bệnh viện, hiện tại lương cũng gần 20 triệu/tháng.
Tính tôi không tiêu hoang, với đồng lương hiện tại thì có thể tự nuôi được bản thân trên cái đất Sài Gòn này. Tuy vẫn ở nhà trọ nhưng mỗi tháng tôi vẫn có thể gửi tiền về dưới quê đỡ đần cha mẹ và hai em ăn học. Tôi tự biết với sức mình tôi thì không thể mua nỗi nhà ở thành phố được. Tôi chỉ mong mọi việc tiếp tục thuận lợi, công việc phát triển thì tôi có thể tiết kiệm riêng cho mình một số tiền để phòng thân.
Còn bạn trai thì tính rất tiết kiệm, lại là người có nhiều tham vọng. Anh đang ấp ủ giấc mơ mua nhà Sài Gòn, nhưng mua chung cư thì phải là chung cư mới, mua được nhà liền thổ thì càng tốt! Anh từng chia sẻ tính toán với tôi, xét tình hình tài chính hiện tại, muốn mua được nhà thì phải vay ngân hàng và mỗi tháng trả góp gần 20 triệu.
Nhiều lần anh nói bóng gió, xa gần rằng khi nào mua được nhà thì anh mới tính đến chuyện cưới sinh, anh là con người không nặng gánh gia đình. Mấy lần anh gợi ý tôi:
- Hay là bây giờ tụi mình mua nhà trả góp luôn đi em, tiền lương của anh thì để góp tiền nhà, còn tiền lương của em thì để lo phí sinh hoạt chung, anh thấy chỉ còn cách đó mới mong sớm mua được nhà mà thôi.
Tôi trả lời anh:
- Giờ lương em chỉ để đủ ăn, mỗi tháng em còn gửi tiền về quê cho cha mẹ, cha mẹ em nay đã già, em đi làm xa không đỡ đần được thì cũng phải có bổn phận giúp đỡ tiền nong không ít thì nhiều. Chuyện mua nhà e chắc là em không giúp anh được rồi.
Anh nghe tôi nói vậy thì bảo tôi không biết tính đường dài, dù gì thì có cái nhà cho chắc ăn đã. Nhưng tính đường dài là thế nào đây, trong khi muốn góp cho xong căn nhà đâu phải là chuyện vài bữa, nửa tháng? Anh bàn chuyện mua nhà mấy lần nhưng lần nào tôi cũng giữ quan điểm của mình, anh ậm ừ cho qua nhưng tôi biết anh không vui vẻ gì.
Nhiều lần bạn tôi khuyên tôi đừng quen anh nữa, bạn tôi bảo anh là người ích kỷ. Nhưng tôi nghĩ là người ai cũng được chỗ này, mất chỗ kia, tuy anh hơi tính toán nhưng anh là con người cần kiệm, cũng có chí hướng, biết lo xa. Đến nay chúng tôi vẫn tiếp tục quen nhau dù anh không có dấu hiệu gì cho thấy là sẽ sớm tính chuyện cưới hỏi.
Anh nói: "Chưa mua được nhà Sài Gòn thì không có đầu óc để lo chuyện cưới sinh".
Gần đây anh lại hỏi vui:
- Em ơi, nếu cuối năm nay anh có gom được ít tiền và vay thêm ngân hàng để mua căn chung cư, mà căn này xây sẵn rồi, chỉ vào ở thôi. Hay em về ở chung với anh, đỡ phải đi thuê trọ chi tốn kém, em thấy sao?
Tôi hỏi lại anh:
- Vậy sao mình không làm đám cưới, khi đó thì mình có thể danh chính ngôn thuận về ở với nhau. Mình làm đám cưới nhỏ nhỏ, không tốn bao nhiêu đâu. Nếu anh lo không đủ tiền mua sính lễ em sẽ phụ với anh vì trước sau gì thì tiền đó cũng là của tụi mình thôi.
Nhưng anh lại nói:
- Nhưng giờ anh chưa có tiền cưới, với lại chưa góp xong căn nhà thì anh còn lo đủ thứ em à, bây giờ em cứ về ở trước rồi góp xong tiền nhà mình cưới ha em?
Tới đây thì tôi không biết anh đang xem tôi là bạn gái hay "đối tác" góp tiền nhà. Có thật là anh nghĩ chuyện cưới hỏi sẽ làm anh xao nhãng chuyện làm ăn, nhà cửa? Hay anh sợ cùng góp tiền mua nhà sau khi cưới thì căn nhà đó trở thành tài sản chung? Giờ anh đã đứng tên trên hợp đồng vay mua nhà, tôi vào ở chung nghĩa là tôi phải lo phần tiền sinh hoạt, tiền lương của anh chỉ để góp tiền nhà, vậy sau này căn nhà có phần của tôi không? Hoặc do tính tôi hay nghi ngờ chăng?
* Bài viết trên đây là câu chuyện của tác giả, không nhất thiết trùng khớp với quan điểm của Rever.
Lời khuyên từ Rever: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai thì: "Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện".
Như vậy, pháp luật có ghi nhận trường hợp sở hữu chung đối với tài sản là đất đai, nhà ở. Bạn hoàn toàn có quyền đứng tên chung hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và sau đó cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật.
Để hạn chế rủi ro khi mua chung bất động sản, các bên phải thỏa thuận rõ ràng bằng văn bản. Trong đó, nội dung cần được nêu rõ trong thỏa thuận gồm: các vấn đề về quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung; phần đóng góp, tỷ lệ sở hữu của mỗi bên. Nếu chỉ để một người đại diện phải có văn bản thỏa thuận về việc này. Văn bản thỏa thuận cần được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm:
- Còn buồn khi phải mua nhà diện tích nhỏ vì bạn chưa biết 7 điều này
- Vạch trần 4 bí mật mà người bán nhà không muốn bạn biết
- Cảnh giác lừa đảo nhà đất: Muôn kiểu lừa tiền đặt cọc
- Các hình thức cho vay mua nhà phổ biến nhất hiện nay
- 5 chiêu thức lừa đảo cho thuê phòng trọ và cách phòng tránh hiệu quả
- Cảnh giác: 8 chiêu lừa đảo mua bán nhà đất 2020 và cách phòng tránh hiệu quả
- Mua căn hộ chung cư cần xem xét kỹ 9 tiện ích này
- Mua nhà giá tốt như dân buôn bất động sản chuyên nghiệp bằng 7 cách sau đây
- Bị lừa mất trắng khi mua nhà dù cầm trên tay sổ hồng!
- Cảnh giác lừa đảo nhà đất: Xem đất "đi dễ khó về"
Nguyên Phương (ghi)
Từ khóa liên quan