Môi giới khóc ròng vì khách truy chuyện thế chấp dự án
28/07/2016
“Tại sao dự án đã thế chấp rồi mà em lại bán cho chị? Nếu em không làm rõ chuyện này chị sẽ lôi công ty ra tòa. Lúc nào cũng giới thiệu là công ty uy tín mà làm ăn kiểu gì vậy?...” Câu chuyện của Hoàng Nam, môi giới tại Q.2, kể về việc khách hàng truy vấn tới tấp như trên không phải hiếm.
>> Môi giới bất động sản đừng vì tiền lẻ 'bán rẻ linh hồn'!
>> Môi giới 'khô máu' và nổi oan cho Google, Facebook
>> Môi giới 'khô máu' vì làm giàu cho Google, Facebook
>> Môi giới 'khô máu', trách mình hay trách Google, Facebook?
Mọi chuyện bắt đầu từ thông tin gần 80 dự án tại TP.HCM thế chấp ngân hàng, được nhiều tờ báo đăng tải từ đầu tuần nay. Theo Hoàng Nam, lúc tư vấn bán căn hộ, cũng như thông tin được đăng trên các báo, đều nói dự án được ngân hàng thương mại tài trợ vốn. Tuy nhiên, nhiều khách không hình dung rằng tài trợ vốn tức là ngân hàng cho chủ đầu tư vay và chủ đầu tư phải thế chấp dự án.
“Thông thường môi giới chỉ nắm rõ thông tin về sản phẩm, chính sách bán hàng, còn pháp lý thì đa phần phải nhờ cấp quản lý giải thích cho khách hàng. Ngay thứ 2 vừa rồi hàng loạt khách hàng cũ gọi điện hỏi chuyện tại sao dự án đã bán mà còn thế chấp. Đây là tình huống mà môi giới tụi em chưa bao giờ gặp nên cũng xin hẹn khách hàng lên công ty để sếp trả lời. Cũng may trong 2 ngày gần đây, rất nhiều chuyên gia, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã lên tiếng, thông tin đầy đủ chuyện thế chấp dự án là bình thường và được thực hiện đúng luật, nên tâm lý khách hàng cũng được giải tỏa phần nào, không còn căng thẳng nữa. Giờ có khách hỏi thì tụi em chỉ cần gửi link những bài báo liên quan, để khách đọc là hiểu ngay vấn đề” - Nam cho biết.
Tâm lý rất quan trọng đối với giao dịch bất động sản. |
Đại diện 1 chủ đầu tư có dự án trên đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2), cho biết, dự án đã bán sạch 100% và đang xây vượt tiến độ. Nhưng 2 ngày qua, khách hàng liên tục gọi môi giới và bộ phận chăm sóc khách hàng, để xét hỏi chuyện dự án nằm trong danh sách thế chấp. Dù cố gắng giải thích qua điện thoại, gửi các bài báo phân tích của chuyên gia cho khách hàng đọc, nhưng vẫn có vài khách dọa kiện và đòi gặp lãnh đạo công ty làm rõ chuyện.
“Khách hàng không phải ai cũng nắm rõ thông tin nên doanh nghiệp có tên trong danh sách thế chấp thì chuyện ảnh hưởng đến tâm lý rất khó kiểm soát. Khi thông tin Hưng Lộc Phát thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại của cao ốc Hưng Phát được công bố, chúng tôi cũng đã thông tin cho môi giới nắm rõ, để giải thích cho khách hàng. Đây là những căn hộ chưa bán và diện tích thuộc sở hữu riêng nên chúng tôi có quyền thế chấp. Những khách hàng khác đã nhận giấy chủ quyền từ tháng 3/2016, nên hoàn toàn yên tâm, không bị ảnh hưởng đến quyền lợi” - ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Hưng Lộc Phát, chia sẻ.
Theo ông Trần Minh Nhật, Tổng giám đốc Công ty Nhà Thời Đại, dù những thông tin về thế chấp dự án được các chuyên gia, nhà quản lý phân tích là bình thường và đúng luật nhưng nó vẫn có dư chấn, làm chậm thị trường. Có những khách hàng lẽ ra đã xuống tiền, nhưng thông tin gây nhầm lẫn đã làm họ phải suy nghĩ lại và phải mất 2 - 3 tuần để họ ra quyết định.
“Tâm lý rất quan trọng đối với giao dịch bất động sản, nên dù dự án anh tốt nhưng tâm lý chung của thị trường bị ảnh hưởng, thì sức mua sẽ bị giảm ngay thời điểm đó. Xa hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả giao dịch, được nhắc đến trong các báo cáo hàng quý, của các công ty nghiên cứu thị trường. Đây là tác động dây chuyền, cần phải lường trước, mỗi khi những thông tin nhạy cảm được công bố” - ông Nhật đánh giá.
Theo Quốc Tuấn/ Vietnamnet
Từ khóa liên quan